NSND Hoàng Cúc: "Mỹ nhân Việt đẹp nhất thập kỷ" vượt qua ung thư để đi diễn
"Mẹ chồng quốc dân" của màn ảnh Việt giúp con dâu trị "tiểu tam" quyến rũ con mình chỉ có thể thành công nhờ diễn xuất của nghệ sĩ Hoàng Cúc.
Khi bộ phim truyền hình Hoa hồng trên ngực trái tạo sự lôi cuốn với khán giả bởi câu chuyện tình cảm vợ chồng trong thời hiện đại nhưng có sự xuất hiện của "tiểu tam" phá vỡ hạnh phúc gia đình, thì một người mẹ chồng như bà Hồng được ví như một liều thuốc ngủ giúp xua tan đi những chông gai trong cuộc đời của người con dâu.
Với sự trở lại sau 10 năm vắng bóng, NSND Hoàng Cúc - một trong những nghệ sĩ được mệnh danh "Mỹ nhân Việt đẹp nhất thập kỷ", đã được khán giả yêu mến gọi là "mẹ chồng quốc dân" khi hóa thân vào vai bà Hồng trong phim. Trong cuộc sống, bà Hồng luôn đứng về phía con dâu, khuyên nhủ con trai và thay con dâu trị "tiểu tam" quyến rũ con mình.
Bà Hồng (NSND Hoàng Cúc) trong "Hoa hồng trên ngực trái"
"Vào vai mẹ chồng, nhiều lúc tôi cố để không cho nước mắt tuôn trào"
- Điều gì khiến chị quyết định quay trở lại đóng phim truyền hình sau 10 năm vắng bóng?
- Trước tiên vì sức khỏe của tôi đã ổn định trở lại. Lý do thứ hai là việc con trai tôi lấy vợ, sinh được 2 cháu và các cháu đã bắt đầu đi học, 1 cháu học lớp 2 còn 1 cháu chuẩn bị vào lớp 1. Nói chung mọi thứ đã ổn nên tôi cảm thấy mình có khả năng tham gia được phim dài tập.
Hơn hết, tôi cảm thấy bộ phim đề cập tới vấn đề rộng của xã hội, với nhiều số phận đan xen chằng chịt, rất cao trào. Được sự động viên của gia đình nên sau 10 năm vắng bóng, nhận bộ phim này, tôi thấy được chiều sâu của tâm lý nhân vật, sự dày dặn của nhân vật để có đất cho mình diễn.
- Không ít khán giả nhận xét, vai mẹ chồng – bà Hồng trong “Hoa hồng trên ngực trái” là vai diễn được "đo ni đóng giày" cho chị, chị nghĩ gì về nhận xét này?
- Mới đầu, tôi thấy một bộ phim làm theo cách “cuốn chiếu”, vừa hoàn thành kịch bản, vừa quay phim, lại vừa phát sóng, tần suất làm việc của cả đoàn dày đặc. Nhiều khi lịch làm việc của tôi cũng bị quá tải với đoàn phim. Rất may mắn, càng làm, càng thể hiện diễn biến tâm lý nhân vật, mọi người càng thấy tôi có nhiều nét giống bà Hồng, vì ở ngoài đời tôi rất yêu gia đình, yêu quý con dâu và các cháu. Khán giả hay đùa gọi tôi là “bà mẹ quốc dân”. Khi vào vai bà Hồng, tôi cũng cảm nhận vai diễn này rất ngọt ngào. Tôi có hỏi chị Ngọc tổ chức sản xuất bộ phim xem ai là người đưa ra ý kiến mời tôi vào vai bà mẹ chồng. Chị ấy có nói, người đó là anh Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN. Qua đây tôi muốn cám ơn anh Hải.
Trước đây, tôi và nghệ sĩ Hoàng Dũng có làm 1 phim tốt nghiệp của Đỗ Thanh Hải. Trong nghề, tôi từng trải qua nhiều dạng vai khác nhau, từ sân khấu tới truyền hình. Có dạng vai phức tạp, đa chiều, đáo để, có dạng vai hi sinh, khiến những người xem phim truyện, sân khấu thấy ấn tượng. Vừa mới đây, chương trình "Phụ nữ để yêu thương" của VTV2 có mời tôi và con dâu tôi ngoài đời làm một phóng sự nhỏ về cuộc sống và tình yêu thương của mẹ chồng dành cho con dâu.
Không biết sự hóa thân của tôi vào nhân vật bà Hồng trong phim Hoa hồng trên ngực trái có ngọt ngào hay không? Có người còn bảo tôi trên phim trông già đi tới 10 tuổi, nhưng tôi không vì vậy mà buồn. Có lẽ cũng phải hóa trang trông già đi như thế mới vào vai hợp hơn. Tôi nghĩ một vai có tính chất bà mẹ quốc dân, theo lẽ bình thường đã được khán giả có cảm tình rồi. Bây giờ khi vào vai, mình hóa thân nhập vai cũng coi như thành công của bản thân.
Ngoài đời, nghệ sĩ Hoàng Cúc trẻ trung hơn so với tạo hình mẹ chồng trong phim
Có những trường đoạn, chỉ nghĩ đến bối cảnh gia đình tan nát bình thường thôi, mình đã cảm thấy không thể chịu được nổi. Nhân vật của tôi có cái khó ở chỗ, bà ấy chỉ chứng kiến sự đổ vỡ của gia đình con trai. Với một người diễn viên, khi nhận một vai chỉ mang tính chứng kiến chứ không tham gia vào sự việc là rất khó. Nếu không đam mê, không sống vì vai diễn thì quả thật sẽ khó cho người diễn viên.
Từ tập 1 tới tập 20, nhân vật bà Hồng triền miên trong cơn chứng kiến để khuyên nhủ. Người đóng được vai như vậy phải có chiều sâu về cuộc sống, về trải nghiệm, về nhận thức của bộn bề, mặt trái xã hội đổ lên quá nhiều.
Khó là thế nhưng cảm xúc phải luôn luôn đủ đầy. Nhiều khi tôi cố để không cho nước mắt tuôn trào. Tới tận tập thứ 5, cảm xúc của tôi với nhân vật vẫn luôn đầy khiến nhiều người thắc mắc: “Sao cô có thể khóc được như thế”. Có những trường đoạn dù mình không muốn khóc, nhưng nước mắt cứ tuôn chảy, thậm chí quệt đi để nước mắt khỏi lăn.
"Khi bị bệnh, mặt sưng phù, tóc rụng nhưng tôi vẫn đi diễn"
Nghệ sĩ Hoàng Cúc vượt qua bạo bệnh ung thư sau 9 năm
- Quãng thời gian điều trị bệnh diễn ra như thế nào và chị đã phải nỗ lực ra sao để vượt qua bệnh tật?
- Thực ra, tôi phải trải qua 2 giai đoạn chữa bệnh. Giai đoạn thứ 1 tôi bị basedow (bệnh cường giáp). Đó là giai đoạn đầu tiên nhưng phải trải qua quãng thời gian dài, khoảng 6, 7 năm. Giai đoạn 2 tôi chuyển sang bị ung thư do uống thuốc phóng xạ để trị basedow. Uống 2 lần quá liều trở thành bị suy giáp, có thể coi là do biến chứng của basedow.
Giai đoạn 1, tôi vẫn cắn răng để tiếp tục làm việc dù lúc đó đã bị bệnh mạch vành, suy tim. May lúc đó tôi không bị lồi mắt vì thông thường, bệnh nhân basedow hay lồi mắt. Chính vì vậy, lúc đó tôi vẫn đi diễn dù mặt sưng vù. Thậm chí có thể bị ngất bất kỳ lúc nào nhưng vẫn cố gắng. Chị Kim Xuyến khi ấy bảo tôi: “Cúc ơi trông em sợ quá, mặt cứ sưng phù lên”. Vai đã nhận rồi nên tôi không thể bỏ được, không thể chuyển qua người khác được.
Khi quay vai bà Hồng trong “Hoa hồng trên ngực trái”, mọi người vẫn hay bảo tôi: “Đúng là ngấm vào máu thật rồi”. Chính vì vậy tôi không cảm thấy sự xa cách của 10 năm không đi diễn. Nhiều người hỏi tôi “Có cảm thấy ngỡ ngàng trước công nghệ mới, khi việc làm phim gắn liền với thu tiếng đồng bộ trên trường quay?”. Tôi đáp lại: “Tôi chẳng thấy có gì ngỡ ngàng. Cảm xúc vẫn đầy đặn như xưa. Thậm chí ngày xưa đi làm phim truyền hình như vừa diễn vừa chơi vì có người lồng tiếng cho. Bây giờ phải thuộc vai thật, vào vai thật. Tôi nghĩ đây mới là sự cống hiến cho nghệ thuật”.
Chăm chỉ tập luyện, ăn uống khoa học, nghệ sĩ Hoàng Cúc đã có được sức khỏe ổn định
Sau khi bị ung thư, giai đoạn 2 “quật” tôi mạnh quá. Tôi phải chữa trong vòng 1 năm liên tục, tóc rụng, mặt phù, sức khỏe yếu hẳn. Đó là cả giai đoạn mà người ta vẫn gọi là “nữ chiến binh”. Đó là sự chiến đấu của những chiến binh ung thư.
Rất may mắn đối với tôi, có lẽ nhờ được Tổ nghề thương, có những hôm mải diễn quá mà quên uống thuốc nhưng may chưa… hề hấn gì. Sức khỏe vẫn cho phép tôi quay trở về với nghề diễn.
Ai cũng có một thời luyến tiếc, nhưng không ai đi ngủ say trong vòng nguyệt quế
Hình ảnh nghệ sĩ Hoàng Cúc ngày trẻ
- Có bao giờ chị thấy tiếc nuối thời vàng son, được khán giả gọi là “mỹ nhân màn ảnh thập niên 80”?
- Tôi nghĩ ai cũng có một thời để nhớ. Nhìn ngày xưa, ai cũng có một thời luyến tiếc. Nhưng cách nói ấy thuần túy quá. Bởi vì mình có tiếc nuối đi chăng nữa cũng chẳng để làm gì, vì cũng chẳng làm được gì. Cuộc sống như dòng chảy, ngày mai mở mắt ra mình cũng già thêm 1 tuổi rồi. 24 giờ trôi qua cũng mất rồi. 1 năm 365 ngày hay 10 năm qua cũng mất rồi. Thậm chí khi xem phim Hoa hồng trên ngực trái, nhiều người sửng sốt nói với tôi: “Sao ở ngoài trông cô trẻ thế, mà trong phim già thế”. Có người trong nhà lại bảo: “Tóc búi lên rồi đánh mặt thế kia trông già thật”. Tôi nghĩ quan trọng đâu phải già hay trẻ. Điều quan trọng là hợp vai thôi.
Tôi nhớ, có những diễn viên ngoài đời 50 tuổi mà đóng vai cô gái mới 16 tuổi. Thậm chí, cái thời tôi đóng kịch khi mới hơn 30 tuổi vẫn phải đóng một bà già 80. Tôi nghĩ tất cả do hóa trang để khán giả khi xem cảm nhận được đúng với số phận của nhân vật ấy. Đấy mới là quan trọng.
Còn nghệ sĩ đi qua tháng năm, tôi nghĩ chả ai đi ngủ say trong vòng nguyệt quế. Hãy chấp nhận nó một cách thanh thản, như cách chúng ta chấp nhận những biến cố của cuộc đời. Kể cả lúc tôi cảm thấy khó khăn nhất khi phải chữa bệnh cũng là lúc tôi thanh thản chấp nhận nó.
Khán giả vẫn luôn gọi Hoàng Cúc là mỹ nhân màn ảnh Việt thập niên 80
- Trong thời gian chữa bệnh, nguồn động lực tinh thần nào lớn lao nhất đối với chị?
- Đó chính là gia đình - những người thương yêu mình nhất và bạn bè mình. Kể cả chỉ là tin nhắn động viên, hỏi thăm, với tôi, đó cũng là động lực rất to lớn. Nhưng trên hết, tôi vẫn nghĩ một điều, có lẽ định mệnh và số phận khiến tôi chưa thể nào về chốn Tây phương cực lạc được. Tức là tôi rất lạc quan chiến đấu, tìm cho mình hướng chữa bệnh. Muốn thắng nó phải ăn uống, tập luyện khoa học, suy nghĩ tích cực, yêu người yêu cuộc sống. Hơn nữa, tôi tìm thấy sự lắng đọng trong cuộc sống khi mọi người nghĩ không làm nghề nữa thì chẳng còn biết làm gì. Chính lúc ấy, tôi ngồi viết, viết thơ, viết truyện rồi viết facebook, chia sẻ với nhóm bạn. Điều đó làm mình nguôi ngoai đi phần nào sự nhàm chán.
- Cám ơn chị về những chia sẻ!
Nữ danh ca không ngại khi được hỏi chuyện cát-xê, đồng thời tiết lộ bí quyết trẻ đẹp, sung sức khiến các cô gái...