Nỗi lòng của người 22 năm làm 'Ngọc Hoàng'
22 năm hóa thân vào nhân vật “khó nuốt” này đã để lại phía sau tiếng cười của danh hài Bảo Quốc những nỗi niềm của đời nghệ sĩ.
Xin được “nghỉ hưu” 2 năm, rồi cũng bị các đạo diễn “bắt cóc” quay lại phim trường, không chỉ trong nước mà ở sân khấu hải ngoại, danh hài Bảo Quốc vẫn là sự lựa chọn an toàn của các nhà tổ chức khi nghĩ đến đề tài Táo quân.
Cười mà đau
Ông đến sàn tập rất sớm, ngồi xem các diễn viên thuộc 3 thế hệ năm nay quây quần tại Nhà hát Truyền hình HTV để thực hiện vở kịch “Táo quân”, sẽ phát sóng đêm giao thừa Tết Bính Thân. Chậm rãi phân tích món “đặc sản” đêm giao thừa này mà suốt 22 năm qua ông bền bỉ với vai diễn Ngọc Hoàng, với ông, tiếng cười giờ đây mang nhiều nỗi đau khi phơi bày những thiệt hơn, những nguyên nhân khiến nhiều thứ trong xã hội tụt dốc.
Ông là một danh hài nhưng chất chứa trong lòng nhiều ẩn tình, có lúc ông xem tiếng cười là công cụ châm biếm chua cay song có lúc hằn sâu trong ông sự hụt hẫng về nó, khi tiếng cười bị lợi dụng làm đau lòng chính người trong giới. Và hơn bao giờ hết, trong lúc sàn diễn hài kịch chìm ngập trong muôn trùng những hệ lụy thì thông qua nhân vật Ngọc Hoàng, ông muốn góp phần nhắc nhở, cảnh báo.
NSƯT Bảo Quốc vai Ngọc Hoàng trong vở kịch “Táo quân” 2016 của HTV
Ông nói thời nào cũng có những “ngôi sao” nổi lên từ sự bất ngờ, nhờ vào chiếc xe bán kẹo kéo hoặc một clip ngắn tự quảng bá mình được tung trên mạng thì ngày mai đã có thể đứng chung sô diễn với nhiều nghệ sĩ đẳng cấp. Ngọc Hoàng trong ông cười mà đau cho sự “cá mè một lứa”. Nhưng rồi “Ngọc Hoàng” Bảo Quốc không buông xuôi mà chấp nhận điều nghịch lý đó.
Đâu phải nghệ sĩ hài nào cũng nhận ra sáng tạo nghệ thuật phải gắn liền với tài năng thực thụ; khai thác tiếng cười từ sự dung dị để gần gũi với khán giả. Ông phân tích rất chuẩn: “Sự quen mặt khác với sự nổi tiếng. Chường cái mặt lên màn ảnh suốt thì khán giả xem hoài thành quen nhưng để chạm vào trái tim họ, khắc tên nghệ sĩ trong lòng họ thì sàn diễn ngày nay quả hơi hiếm”.
Lại cười mà đau khi nghe ông kể chuyện chỉ vì thấy tiền cát-sê bị bầu sô xin bớt một nửa, một nghệ sĩ hài đứng bên trong cánh gà ra hiệu người bạn diễn của mình đã lỡ bước ra sân khấu chào khán giả, chuẩn bị diễn phải quay vào hậu trường và ra xe chạy mất, trước sự ngẩn ngơ của bầu sô, ngạc nhiên của khán giả và nghệ sĩ đồng nghiệp.
Hoặc hàng trăm con người từ quay phim, chuyên viên ánh sáng, hậu đài, nghệ sĩ... ngồi chờ mỏi mệt từ chiều cho đến tận khuya, trong khi nam danh hài vừa nổi đi ăn tối với bạn gái, chưa đến trường quay. “Cái đau đến từ nhiều nguyên nhân, bóc mẽ nó ra để chính mình cười cái nghề của mình mà tự nhủ với những ai còn sống nhờ tổ nghiệp thì cần nên tránh” - ông bùi ngùi.
Phải có trách nhiệm với tiếng cười
Khi làm live show “Góp với nhân gian một tiếng cười”, ông nói với đạo diễn Tất My Loan: “Anh không muốn nghệ thuật gây cười bị nhầm lẫn là một bộ môn dễ làm, ai cũng có thể làm”. Bằng sự đồng cảm giữa họ, live show diễn ra rất đúng chất Bảo Quốc. Theo quan điểm của ông, diễn hài là khai thác tận cùng nỗi đau số phận nhân vật, chính tình huống sẽ bật ra tiếng cười. “Ngày nay, một số diễn viên hài ăn nên làm ra với game show, truyền hình thực tế, đôi lúc còn chẳng thèm đọc kịch bản, đến sàn diễn tận khuya với bộ dạng mệt nhoài, lấy gì có sức để sáng tạo. Vì thế tiếng cười nhạt nhẽo” - “Ngọc Hoàng” Bảo Quốc thở dài.
Cách đây hơn 10 năm, khi diễn vở “Một ngày làm vua” của soạn giả Viễn Châu, ông thủ vai chàng kép hát được nhà vua giao cho phận sự “thử một ngày làm hoàng đế”. Thế là anh kép hát biến tất cả điều trái khoáy trở lại bình thường, cứu nguy cho nhà vua ngồi trên ngôi cao xa rời dân chúng, chỉ thích nghe lời xu nịnh. “Điều quan trọng không phải anh làm vua bao lâu mà trong thời gian được giao trọng trách anh đã làm được gì cho xã hội?”. Tiếng cười từ vai diễn đó chạm đến trái tim công chúng, ông “vua vọng cổ” Viễn Châu cũng phải công nhận: “Tôi viết vai này chỉ để cho Bảo Quốc”.
Với ông, tiếng cười phải có trách nhiệm xua đi những định kiến ngày càng cao của công chúng về hài kịch. Từ sàn diễn cho đến màn ảnh nhỏ, sự dễ dãi buông tuồng đã góp phần bôi xấu gương mặt diễn viên hài mà trước đó không lâu, một số người đã là thần tượng của khán giả. “Nguy lắm chớ! Gầy dựng một tên tuổi khó vô cùng.Lộc trời cho không nên hưởng tận, đó là quy luật để giữ cái tài, cái đức của người nghệ sĩ. Có trách nhiệm với nghề cũng từ đó mà tạo tiếng cười ý nghĩa” - NSƯT Bảo Quốc nói.
Khi trả lời câu hỏi “ông định khi nào sẽ nhường ngôi Ngọc Hoàng”, danh hài Bảo Quốc nói: “Nhiệm kỳ của Ngọc Hoàng trong tôi chỉ là 120 phút trước giờ khắc giao thừa nhưng trọng trách để được tín nhiệm làm Ngọc Hoàng thì cả đời phải phấn đấu. Trong nghề diễn khó mà “tham quyền cố vị”, đàn em tấn lên thì giao ngay. Tôi đặt niềm tin nơi họ” - danh hài cười, rồi khoác lên mình bộ trang phục Ngọc Hoàng, bước ra trong luồng sáng sân khấu. Sự duyên dáng của ông khiến mình trẻ hoài như cây lá ngày Xuân.