Nhà văn Sơn Tùng qua đời
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, nhà văn Sơn Tùng - Anh hùng lao động, tác giả nổi tiếng của "Búp sen xanh" đã ra đi ở tuổi 93 vào ngày 22/7 sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật.
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng (sinh năm 1928 tại Nghệ An ), là nhà văn Việt Nam với nhiều tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng , danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về cuộc đời Hồ Chí Minh .
Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi, trong phong trào thanh niên, sinh viên thủ đô. Trước khi trở thành nhà văn, ông có 27 năm tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên.
Nhà văn Sơn Tùng
Sau chiến tranh, là một thương binh hạng 1/4, nặng nhất theo thang bậc thương binh ở Việt Nam, xuất ngũ với 14 vết thương trên mình và vẫn còn 3 mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được, mất 81% sức khỏe, bằng vốn chữ Nho tự học và chữ Quốc ngữ trường làng, Sơn Tùng vẫn tiếp tục cầm bút với vai trò là phóng viên cho các tờ báo và là cây bút chuyên viết về Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc .
Trong cuộc đời cầm bút Sơn Tùng đã viết 21 tác phẩm văn học thì có tới 13 tác phẩm viết về Hồ Chí Minh. Bên cạnh Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác về, Bông sen vàng, Từ làng Sen, tác phẩm nổi tiếng nhất trong chủ đề về Hồ Chí Minh của Sơn Tùng là tiểu thuyết Búp sen xanh. Cho đến nay, tác phẩm đã được tái bản và nối bản tới 30 lần và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.
Tác phẩm nổi tiếng Búp sen xanh được tái bản nhiều lần
Với Búp sen xanh, Sơn Tùng thực sự đã trở thành người đầu tiên mở một hướng mới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường, chân thực và giản dị.
Chia sẻ kỷ niệm về nhà văn Sơn Tùng, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: "Nhớ ngày xửa ngày xưa hồi mình còn trẻ thỉnh thoảng hay đến thăm anh và được ngồi nghe anh cùng các bạn anh trong hội "Chiến Văn" trò chuyện. "Chiếu Văn" vừa là bạn văn vừa có nghĩa anh ở ngõ Văn Chương trong một khu nhà đơn sơ thời bao cấp trên một căn hộ ở tầng 2 chật chội nóng nực thiếu thốn đủ bề. Thỉnh thoảng lại được anh ưu ái cho đi nghe anh nói chuyện ở hội nghị này hội nghị kia về Chủ tịch Hhồ Chí Minh. Anh là người được gần gụi ông Cụ nhưng nói chuyện thật giản dị chân chất chứ không điệu đà hoa mỹ.
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
Rồi nhân có cuộc thi kịch bản do Bộ VHTT tổ chức, bỗng nảy ra ý định viết về những ngày Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh khi mới ở tuổi 18. Anh Sơn Tùng nhiệt tình ủng hộ và cho phép khai thác tư liệu trong cuốn Búp sen xanh (tất nhiên mình còn phải vào Bảo tàng HCM tìm đọc và khai thác rất nhiều tư liệu).
Còn nhớ chữ anh Sơn Tùng viết tay thật nắn nót và chữ ký của anh cũng thật đẹp: dáng một cây Tùng trên núi. Anh đã sống kiên cường như cây Tùng trên núi thật theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Kịch bản có tên Nhìn ra biển cả, được giải Nhì và được sản xuất phim sau đó. Vài năm trước, kịch bản được NXB Kim Đồng in thành sách và tái bản. Áy náy vì nhiều thứ lu bu nên chưa đến thăm và tặng anh cuốn sách này thì anh đã ra đi".
Phim Nhìn ra biển cả
Nói về con người của nhà văn, biên kịch Hồng Ngát chia sẻ: "Anh Sơn Tùng là một nhà văn giản dị, liêm khiết, mạnh mẽ, kiên cường, chính trực trong cuộc sống (dù rất nghèo) nhưng ý chí và nghị lực thì khó ai sánh nổi. Vĩnh biệt anh - một nhà văn đã vượt qua rất nhiều bệnh tật để sống và viết. Một Anh hùng thật sự trong đời thường mà tôi từng chứng kiến".
Nguồn: [Link nguồn]
Sự ra đi của Wanbi Tuấn Anh ở tuổi 26 là sự mất mát vô cùng to lớn của gia đình và khán giả yêu nhạc. Mẹ và em gái...