Nguyễn Hậu: “Nghệ sĩ là những người giàu tự trọng"
"Sự giúp đỡ đến từ tình cảm, yêu thương của đồng nghiệp, bạn bè chứ không phải là lợi dụng niềm tin".
Nghệ sĩ Nguyễn Hậu
Sinh năm 1953, nghệ sĩ Nguyễn Hậu hiện tại thuộc lớp nghệ sĩ có tuổi trong nghề. Tuổi già kéo đến với hàng loạt bệnh tật, đi viện thường xuyên nhưng ông rất ngại bày tỏ, than vãn trên mặt báo.
Nhận lời phỏng vấn của chúng tôi, người nghệ sĩ già thẳng thắn chia sẻ về cuộc sống tuy khó khăn nhưng ông chưa bao giờ hết lạc quan.
- Thưa ông, gần đây có thông tin nghệ sĩ Chí Trung kêu gọi giúp đỡ NSƯT Trần Hạnh trên trang cá nhân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi cho rằng đó là thiện ý bắt nguồn từ sự cảm thông giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, giữa con người với con người. Cũng giống như bạn thấy một người hành khất, bán vé số, bạn động lòng thương biếu họ ít tiền hoặc mua giúp họ vài tờ vậy.
Nhưng khi hoàn cảnh đó lớn mà sức bạn có hạn thì hẳn là bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của nhiều người. Đó là nét đẹp, là tinh thần tương thân tương ái.
- Thế nhưng NSƯT Trần Hạnh đã lên tiếng khước từ, cho rằng không thể tùy tiện nhận sự giúp đỡ bởi ông khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Quan điểm riêng của ông thế nào?
Tôi cho rằng, đây là điều hết sức bình thường. Tôi biết, không chỉ nghệ sĩ Trần Hạnh mà còn nhiều nghệ sĩ nữa từng khước từ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân như: NSƯT Diệp Lang, NSƯT Hồ Kiểng, nghệ sĩ Hoàng Lan,…
Quan điểm của tôi là bất kỳ ai cũng có lòng tự trọng và nghệ sĩ cũng vậy. Nghệ sĩ giàu lòng tự trọng lắm. Họ lúc nào cũng muốn xuất hiện trước mặt khán giả trong bộ dạng chỉn chu, đẹp đẽ nhất thay vì kêu la, than vãn về hoàn cảnh của mình. Tôi tin, cực chẳng đã rơi vào hoàn cảnh chẳng đặng đừng, không còn lối thoát thì họ mới đưa tay nhờ giúp đỡ.
Và sự giúp đỡ ở đây đến từ tình cảm, sự yêu thương của đồng nghiệp, bạn bè, kiểu ai biết thì giúp chứ không phải là sự van nài, lợi dụng lòng tin yêu của đồng nghiệp, của khán giả.
- Được biết, ông từng rơi vào hoàn cảnh khốn khó, phải bán nhà để trả nợ và bây giờ thì lâm vào cảnh bệnh tật liên miên, phải ra vào viện thường xuyên. Nhưng khi báo chí đề cập thì ông đều khước từ chia sẻ, hoặc cố giấu bệnh. Ở đây, chúng ta không nói về lòng tự trọng mà nói về sự san sẻ, để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tại sao ông lại khước từ?
Là vì tôi nghĩ nghệ sĩ cũng là con người. Đừng tự cho mình đặc quyền nào cả. Xung quanh còn biết bao nhiêu mảnh đời khổ hơn mình, biết bao nhiêu người cần giúp đỡ hơn mình.
Thú thật, tôi ngại người ta nhắc đến tôi chỉ vì hoàn cảnh khốn khó, bệnh tật. Tôi ngại người ta thương hại mình. Tôi muốn khán giả yêu quý mình nhớ đến những vai diễn, những đóng góp của tôi cho nghề nghiệp.
Vả lại, tôi thấy mình còn sức, còn đóng phim được. Mình còn sức thì còn làm, ráng tích lũy, biết dè xẻn tiêu pha phòng khi đau ốm, thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ. Tôi không thấy buồn về hoàn cảnh của mình. Bất kỳ ai cũng đều phải lao động để kiếm sống.
- Cuộc sống hiện tại của ông giờ ra sao?
Tôi ổn. Chỗ tôi đang ở là của một đứa cháu cho nhờ, để tôi an tâm về nơi chốn đi về. Tôi chỉ mong mình khỏe, có sức để đóng phim và được nhiều lời mời đi phim để có tiền trang trải thuốc men.
- Giả sử bây giờ, có người đứng ra kêu gọi, quyên góp được một số tiền và muốn ông nhận. Ông sẽ ứng xử thế nào?
Tôi cảm ơn tình cảm của mọi người, nhưng có lẽ tôi không dám nhận đâu. Vì tôi còn làm được nghề và bạn bè, thi thoảng hay tin tôi bệnh vẫn giúp đỡ.
Ví như hồi giáp tết, tôi đi cấp cứu ở viện, bạn bè gọi đến chúc tết gặp con tôi bắt máy mới hay chuyện. Mọi người cũng hỏi han, động viên, chia sẻ và giúp đỡ chút đỉnh. Tôi trân quý tình cảm đó.
- Gia tài phim ảnh của ông tính ra bây giờ ngót nghét cũng hơn 200 vai diễn, từ phụ đến chính. Ông còn là gương mặt thầm lặng đứng phía sau máy quay của rất nhiều bộ phim trong và ngoài nước. Đã bao giờ ông buồn vì chuyện xét phong danh hiệu, khi mà cho tới giờ, ông vẫn chưa được ghi nhận bằng một danh hiệu nhà nước?
Phim ảnh là đam mê, là giấc mơ của tôi từ hồi còn nhỏ xíu. Trải qua bao trầy trật, có lúc tưởng bỏ nghề rồi vẫn trụ lại. Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là được làm nghề và có một người vợ hiểu mình. Vậy là đủ đầy rồi. Điều khiến tôi vui nhất và cũng an ủi nhất chính là lòng yêu mến của khán giả.
Có lần tôi ra Hà Nội, chuẩn bị lên Sapa quay Thung lũng hoang vắng của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, ghé sạp mua tờ báo. Ông chủ tiệm đợi tôi lấy xong mới hỏi: “Ông Hải cầu móng ra Hà Nội chơi hay đóng phim đấy?” Tôi vừa sững người vì bất ngờ, vừa sung sướng đáp: “Dạ, tôi sắp ra Sapa quay phim!”. Khi tôi nhờ tính tiền tờ báo thì ông chủ xua tay: “Ông cứ giữ mà đọc, có mấy đồng, đáng gì đâu!”.
Lúc tôi lên Sapa lần đầu ghé qua, quay cảnh chợ thì các bà các mẹ ở đấy nhận ra vây quanh khiến đoàn phim ai cũng giật mình: “Ôi, bố thằng An này! (vai của Nguyễn Hậu trong phim Đất phương Nam) Ông lên chơi à hay quay phim gì đấy?”.
Bây giờ, thi thoảng ghé quán café hay quán ăn, có khán giả nhận ra tôi vẫn len lén trả tiền. Tôi nghĩ, tình cảm đó không gì có thể mua được.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!