Người lính phim "Biệt động Sài Gòn" được sửa nhà, mua xe
Ông Aly Dũng nuối tiếc vì không kịp biết tên của tất cả những người đã động viên, giúp đỡ mình trong thời gian qua.
“Con ơi, chú muốn nhờ con viết một mục ngắn cho chú cảm tạ các mạnh thường quân đã hết lòng giúp đỡ chú trong thời gian qua và kể từ bây giờ chú đã có người sửa giúp nhà, có xe đi làm rồi. Chú xin phép không dám nhận gì nữa cả, chỉ xin được mọi người thương là hạnh phúc lắm rồi”. Đó là lời nhờ vả đặc biệt của người diễn viên trong bài viết “Số phận không ngờ của diễn viên phim Biệt động Sài Gòn” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM trước đó.
Hoàn cảnh của ông trên báo đã chạm đến trái tim của rất nhiều người. Họ đã tìm đến hỗ trợ ông những nhu cầu thiết thực mong cuộc sống của ông bớt vất vả hơn.
Anh Hồng Lĩnh (phải) đến đo đạc để sửa nhà theo ý của ông Dũng. Ảnh: HOÀNG LAN
“Tôi muốn sửa nhà cho anh, anh chịu không?”
Một mạnh thường quân đã giúp ông sửa lại chái nhà. Trong thời gian sửa nhà, họ đã bố trí một căn gác ở gia đình để ông ở và nghỉ ngơi. “Báo đăng, ảnh tìm đến nói muốn qua nhà thăm, cái ảnh chui vô nhà, bất ngờ rút cây thước ra nói anh cho phép tôi đo nhà của anh nha. Tôi mới hỏi ủa chi vậy anh thì ảnh mới nói là muốn sửa nhà cho anh, anh có chịu không?” - ông Dũng kể.
Mỗi ngày anh Hồng Lĩnh, người sửa nhà cho ông Dũng, đều đến để đốc thúc thi công, trực tiếp chở và mua nguyên vật liệu đến.
Hôm qua (13-11), anh cũng lại đến trông coi. Anh Lĩnh cho biết đọc bài báo về hoàn cảnh của ông Dũng và đến tận nơi mục sở thị, thấy gia cảnh đúng như báo viết và ông Dũng sống thật thà, chất phác nên quyết định giúp đỡ.
Anh Lĩnh chia sẻ: “Khi đọc mấy bài báo, tôi với bà xã rất bất ngờ vì ở gần nhà tôi lại có một người đang sống khốn khổ như thế. Trong khả năng tài chính và khoảng cách mà không giúp đỡ thì tôi thấy áy náy lắm”.
Xe máy nghĩa tình của nghệ sĩ Chí Trung
Trong lúc coi nhà, ông Dũng chốc chốc lại ra trông chiếc Honda mới cáu vì sợ kẻ gian cuỗm mất. Ông khoe tài sản quý giá này là do NSƯT Chí Trung ở miền Bắc xa xôi quyên góp từ các anh em nghệ sĩ cộng thêm tiền của bạn bè giúp đỡ.
Ngoài ra, khi biết được hoàn cảnh và tài năng của ông, nhiều đạo diễn cũng ngỏ lời mời ông tham gia các vai diễn để ông có thêm tiền trang trải cuộc sống như Hồng Yến, Trần Vũ Huân, Minh Cao, Nhất Tuấn, Thoại Chương...
Ông Dũng và chiếc xe do các nghệ sĩ hỗ trợ.
Biết ông bị bệnh tiểu đường, một chiều nọ có hai cô gái tìm tới cửa nhà để gửi cho mấy bao bún, gạo, cơm rang, miến toàn bằng gạo lứt và tảo biển Nhật Bản để bồi bổ sức khỏe.
Một đôi vợ chồng khác tạt qua gửi cho ông một bao gạo và phong bì. Ông từ chối phong bì thì họ vội vã nổ máy xe chạy đi...
Tất cả đều đến rồi đi vội vã như sợ ông sẽ không nhận tấm chân tình của họ.
“Tôi mong có một ngày gặp đông đủ các ân nhân của mình. Tôi xin cảm ơn mọi người đã động viên và giúp đỡ tôi có nhà để ở đàng hoàng hơn, có xe để đi lại. Tôi xin không nhận ơn của bất kỳ ai nữa, bà con hãy dành tình cảm đó cho những người khó khăn hơn” - ông Dũng nhắn nhủ.
Ngày 14-10, báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài “Số phận không ngờ của diễn viên phim Biệt động Sài Gòn”. Từ một gia đình giàu có ở Sài Gòn ngày trước, gia đình ông Aly Dũng rơi vào bi kịch. Những người thân của ông cũng lần lượt ra đi vì tai nạn, bệnh tật. Ông Dũng bán đi chiếc Honda duy nhất để mua lại cái chuồng heo của một người dân quận Bình Thạnh để ở (ảnh). Từ đó trở đi, ông đi bộ hoặc đi xe buýt đến chỗ diễn. Thấy thương tình, một người bạn cho ông chiếc xe đạp. Tiền đi diễn chỉ đủ giúp ông cầm cự qua ngày nhưng ông vẫn háo hức với từng vai diễn dù nhỏ, thời gian còn lại ông dạy miễn phí cho các diễn viên trẻ không chuyên. Ông bén duyên với phim truyện qua vai diễn là lính cận vệ của Đại tá Sông trong phim Biệt động Sài Gòn. Có một kịch bản viết về cuộc đời ông mà người ta không chịu chuyển thể thành phim vì quá buồn. Có người biết chuyện đã tìm đến ngỏ ý muốn được mua lại để xem. Ông Aly Dũng nói: “Chị muốn thì tôi sao kịch bản ra tặng chứ không bán buôn gì đâu!”. |