Nghệ sĩ Phạm Bằng: 'Câu chuyện nào cũng có bóng dáng vợ'
Ông thương vợ từ dáng vẻ hiền lành, cam chịu ngay trong ánh mắt đến cảnh lo toan, bươn chải hàng ngày.
Tìm đến địa chỉ số 30, phố Hàng Giầy (Hà Nội) từng được lưu vào cẩm nang ẩm thực Hà Nội với thương hiệu bánh trôi nước của nghệ sĩ Phạm Bằng, chúng tôi khá bất ngờ khi không còn cảnh cũ, người xưa. Quán đồ uống hiện đại đã thế chỗ hàng bánh trôi vốn quây quần, ấm áp ngày nào. Người dân quanh đây cho chúng tôi biết, NSƯT Phạm Bằng đã nghỉ bán quán vài năm nay.
NSƯT Phạm Bằng. Ảnh: Ngọc Trần
Tuổi già không thể “đánh đu”
Bước qua những pho tượng đá im lìm đầu ngõ, chúng tôi được chỉ dẫn lên tầng 2 ngôi nhà cổ - nơi nghệ sĩ Phạm Bằng gắn bó đến 60 năm. “Các cô đến đúng lúc quá, tôi vừa ở ngoài phố về, lát nữa lại đi tiếp”, NSƯT Phạm Bằng vừa đón khách, vừa xua đàn bồ câu đua nhau gù ở hiên nhà.
Bước qua cánh cửa gỗ, gian nhà rêu phong, nền gạch cũ lở tróc và vô số pho tượng sơn son thếp vàng, mùi khói hương phảng phất ngay lập tức mang đến cho chúng tôi cảm giác lạ lẫm, u tịch. Như đoán biết được điều ấy, nghệ sĩ Phạm Bằng đưa tay hướng về phía di ảnh trắng đen: “Bà cụ thân sinh ra tôi góa bụa sớm, một mình gánh vác lo toan bao việc nên lập ra điện thờ cho khuây khỏa. Khi cụ mất, vợ tôi trông nom rất chu đáo nhưng tính đến nay, vợ tôi cũng qua đời 14 năm rồi, còn mình tôi ở lại”. Một người đàn ông đã 86 tuổi, ngày ngày lặng lẽ thắp từng nén hương trong căn nhà trống trải thì sẽ thế nào? Chúng tôi không dám nghĩ tiếp, nhưng chợt tưởng tượng ra có gì đó xót xa, cam lòng phía sau chân dung nghệ sĩ hài vốn tinh anh, dí dỏm.
NSƯT Phạm Bằng chia sẻ, ông nghỉ quán bánh trôi vì lý do sức khỏe. Gần 2 năm, ông lên bàn mổ đến mấy lần, hết bệnh tiền liệt tuyến lại sang ruột thừa, mật, gan... Sức khỏe giảm sút nhưng năm nay, ông vẫn tham gia tiểu phẩm hài “Chôn nhời 3” của đạo diễn Phạm Đông Hồng. Nhắc đến chuyện đóng phim, ông hào hứng ngay: “Giờ mình không “đánh đu” với đám trẻ được nên xác định chỉ đóng vài tiểu phẩm. Tôi vẫn nói với các đạo diễn, nếu có lòng thì cứ giao cho tôi vai thứ, phim ngắn cho vui chứ phim dài tập là chịu. Tuổi già, thu nhập không quan trọng lắm nhưng vẫn thích có vai diễn bởi làm cái anh nghệ sĩ được sống với nghề là hạnh phúc rồi”.
Từng ghi dấu ấn với nhiều vai hài, trong đó có những vai để đời như Lý trưởng trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”… sự chắt lọc, nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản cũng như năng khiếu trời cho tạo thành nét diễn rất riêng của NSƯT Phạm Bằng. Ông có một nguyên tắc: Khi đã nhận vai diễn thì phải dẹp hết ưu tư trong lòng để mang đến tiếng cười cho khán giả. Bởi vậy, không ít lần, ông bị người đời “quở trách” vì vợ mất rồi mà cứ đi… ôm gái trẻ. Dù chỉ là vai diễn nhưng ông thừa nhận, phía sau tiếng cười là bao lần nuốt cay đắng vào trong.
Ông kể: “Điều ra tiếng vào khó lòng tránh khỏi nhưng gia đình, mọi người nhìn chung vẫn thông cảm với tôi. Hồi trẻ, tôi đóng cặp cùng nghệ sĩ Hoàng Cúc. Cô này đi đâu cũng có cậu người yêu kè kè nên khi đóng những cảnh ôm hôn thắm thiết tôi phải bảo với đạo diễn: Ông kia ở đây tôi không diễn được. Không ngờ cậu ấy nghe được chạy lại nói: Anh cứ yên tâm làm việc của anh, em đứng đây chơi là việc của em, không vấn đề gì cả”.
Nghệ sĩ Phạm Bằng được phong danh hiệu NSƯT từ năm 1993. Trước câu hỏi, vì sao ông không làm hồ sơ để được xét NSND, ông bộc bạch: “Thực ra, tôi cũng có được cơ quan, đồng nghiệp vận động nhưng tôi chỉ nghĩ thế này, thuở mình mới vào nghề đã có những danh hiệu kia đâu, mình vẫn đi diễn vì niềm đam mê trong sáng nên bây giờ, được hay không cũng rất bình thường. Là nghệ sĩ, điều quan trọng là tạo ra phong cách riêng, đừng hiu hiu bàng bạc. Thời chúng tôi, bao người đã gửi cả máu thịt vào vai diễn. Thế là thanh thản rồi”.
Tại thời điểm việc xét tặng danh hiệu còn để lại nhiều dư luận trái chiều, nghệ sĩ Phạm Bằng nhận định: “Trong suy nghĩ của người làm nghề không thể tránh được việc băn khoăn, nghĩ ngợi. Chẳng hạn, người này cống hiến như vậy mà được NSND thì người khác cũng xứng đáng, vậy mà không được. Mình cứ nghĩ cho nhau vậy thôi chứ mọi sự so sánh đều khập khiễng và nhìn chung nghệ sĩ thường mừng cho nhau, nhất là mừng cho những người trẻ. Họ coi danh hiệu như sự ghi nhận, khích lệ để làm nghề thì tôi cũng mong họ xứng đáng, trước hết là trong lòng công chúng”.
Ưu tư còn lại…
Cuộc đời NSƯT Phạm Bằng từng trải qua nhiều biến động. Gia đình gắn bó với phố phường Hà Nội từ thuở còn “thắp đèn gõ kẻng”, ông hết sống ở phố Lò Đúc, lại về phố Hàng Than, rồi Hàng Giầy. Câu chuyện nào về gia đình của nghệ sĩ Phạm Bằng cũng phảng phất bóng dáng vợ. Ông thương vợ từ dáng vẻ hiền lành, cam chịu ngay trong ánh mắt đến cảnh lo toan, bươn chải hàng ngày.
Ông chia sẻ: “Tôi có được sự nghiệp như ngày hôm nay, được làm nghề đến cuối đời thế này là nhờ công sức của bà ấy. Thời chiến tranh ác liệt, bố mẹ hai bên gia đình đều mất, tôi đi diễn khắp công trường, mặt trận có khi cả năm mới về. Giai đoạn bao cấp tôi cũng chẳng bén nhà, một mình bà ấy chăm lo, dạy dỗ 4 đứa con ăn học nên người. Bốn lần vợ sinh nở, chỉ một lần tôi ở nhà. Bởi vậy, khi bà ấy qua đời, tôi mất thăng bằng và trống trải vô cùng”. NSƯT Phạm Bằng nhớ lại, thời đói khổ, vợ chồng ông đã tìm tòi kinh nghiệm từ những quán bánh trôi tàu của người Hoa trên phố Hàng Giầy rồi mở quán. Nhờ bàn tay khéo léo, tảo tần của vợ mà ông được sống trọn với những vai diễn sau những lúc tưởng chừng phải bỏ nghề vì miếng cơm manh áo.
Con cái lập nghiệp ở xa, nghệ sĩ Phạm Bằng truyền nghề làm bánh trôi cho người giúp việc gia đình từ năm mới 14 - 15 tuổi đến giờ đã ngoài 30. Ông cứ đau đáu mãi, ai đã ăn bánh của gia đình mình làm hẳn một ngày kia sẽ quay về bởi đó không đơn thuần là phong vị ẩm thực mà còn thấm đượm kí ức, ân tình. Nghệ sĩ Phạm Bằng kể lại, mỗi năm, cứ vào dịp giáp Tết, những người gốc Hà Nội sống tha phương lại tìm về, ghé quán bánh trôi và ôn lại chuyện cũ, nhẩn nha ăn từng miếng bánh ngọt thanh, ấm nồng trong lúc người chủ quán lúc thì nấu ăn, lúc lo cắt tỉa những khóm hoa ngâu, mẫu đơn nở bung chờ Tết.
Trong các người con, hai con gái của NSƯT Phạm Bằng từng theo nghiệp bố nhưng sau khi lấy chồng, định cư nước ngoài thì họ đều tạm biệt ánh đèn sân khấu. “Tôi cũng nói với con, có lẽ phụ nữ “chơi” thế là đủ rồi, lúc lấy chồng nhiều khi sẽ khác. Lúc đó bỏ nghề, cả tôi và chúng nó đều hơi tiếc, nhưng có lẽ ý chồng hơn ý bố chứ nhỉ?”, ông nói vui. |