Nghệ sĩ Lê Khanh lộ chuyện “tu sĩ” phá giới vì tướng cướp
Đã 37 năm trôi qua nhưng nhắc đến bộ phim Săn bắt cướp (SBC), Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh vẫn nhớ rất rõ những kỷ niệm đẹp suốt mấy tháng trời ăn ngủ cùng đoàn làm phim.
Ở đó, chị đã gặp người đàn ông của đời mình và bị "phá giới" bởi "tướng cướp" Phạm Việt Thanh chứ không phải Bạch Hải Đường - tu sĩ Băng Thanh trong phim hóm hỉnh mở đầu cuộc trò chuyện xung quanh bộ phim Săn bắt cướp.
NSND Lê Khanh trong vai nữ tu sĩ Băng Thanh trong phim Săn bắt cướp . Ảnh: TL
Bị ghét từ cái nhìn đầu tiên
Khi nhận lời NSND Trần Phương vào vai nữ tu sĩ Băng Thanh, Lê Khanh khi đó đang là diễn viên sáng giá của sân khấu phía Bắc. Chị bảo, Săn bắt cướp là bộ phim đánh dấu sự trở lại sau 10 năm vắng bóng với điện ảnh nên dù không nói ra nhưng chị trộm nghĩ trong đầu, đó phải là một dự án ấn tượng để tạo dấu mốc cho lần "tái xuất" này.
Trước khi được mời vào vai nữ tu sĩ xinh đẹp Băng Thanh, Lê Khanh đang quay bộ phim Ám ảnh của cố đạo diễn Đức Hoàng. Chị nhớ lại: "Cuộc tìm kiếm vai diễn này diễn ra khá âm thầm và bí mật. Hôm đó, tôi đang ở phim trường quay "Ám ảnh" thì nhìn sang thấy có một gã trông xù xì, gai góc và có phần phong trần nữa, đang nhìn mình chằm chằm. Cảm giác ban đầu là rất khó chịu. Hỏi ra mới biết "lão" là quay phim, đi cùng với đạo diễn Trần Phương. Tôi nghĩ trong đầu "nhà mình cũng quen biết nhiều văn nghệ sĩ nhưng sao "lão" này chưa hề nghe tên". Đã thế, trong lúc tôi đang vào vai thì "lão" còn đứng ngoài góp ý về diễn xuất, cứ như thể "lão" mới là đạo diễn vậy. Nghĩ ức lắm, rằng "mình có phải "lính mới" đâu, quay phim mà cũng dám chỉ đạo". Phàn nàn với chú Trần Phương: "Lão kia chả hiểu sao cứ chỉ đạo con chú ạ". Chú Trần Phương ngoài đời vốn dĩ rất hóm hỉnh, hài hước nên nghe thấy thế cũng hùa theo: "Chết thật, sao thằng đó lại láo thế! Dám múa rìu qua mắt thợ?". Mãi đến khi tôi xuống Long Xuyên chính thức nhập cuộc đoàn làm phim Săn bắt cướp, thấy "lão" cũng đang ở đó thì không khỏi ngạc nhiên. Lúc này chú Phương mới cười khoái chí: "Nó là quay phim chính của Săn bắt cướp đấy, không múa rìu qua mắt thợ đâu".
Quá trình gặp gỡ với "định mệnh cuộc đời" của NSND Lê Khanh không có màu sắc êm ái nhưng lại đầy ắp những ấn tượng. Bởi khi đó, quay phim Phạm Việt Thanh nổi tiếng là ngang tàng và "bỗ bã đến mức không sợ người khác mất lòng" - như lời Lê Khanh nhận xét.
Chính vì vậy mà khi được người trong đoàn cảnh báo trước về tính khí của ông quay phim, Lê Khanh đã thủ thế nín nhịn và tinh thần cố gắng cao độ để không bị mắng mỏ. Vậy nhưng, "tránh trời đâu khỏi nắng", khiến Lê Khanh không ít lần bị ấm ức.
Chị kể: "Có một trường đoạn mà tôi rất thích là nhân vật nữ tu sĩ ngước nhìn Chúa, đôi mắt mở to cầu nguyện rồi hai hàng nước mắt từ từ lăn xuống. Để diễn cảnh đó, tôi phải tập trung cao độ, thế nhưng cả đoàn đang im phăng phắc để chờ tôi khóc thì anh Thanh bỗng thốt lên: "Con bé này có đôi mắt thăm thẳm thế kia thì sau này khổ về đường tình cảm lắm". Vậy là làm tôi mất tập trung, phải diễn lại, ức lắm mà phải chịu". Lần khác, tôi quay cảnh mặc áo dài trắng thì "lão" làm cụt hứng bằng nhận xét: "Giờ tôi mới biết bọ ngựa mặc áo dài là như thế nào". Lại phải lờ đi chứ nào dám cự nự câu gì".
Bù lại khoản ăn nói "thẳng tưng", trên phim trường, Phạm Việt Thanh là người giữ linh hồn cho phim thông qua những góc quay đẹp mắt. Khi gay cấn trong những pha rượt đuổi, lúc lại lãng mạn và đầy xúc cảm khi miêu tả tâm lý nhân vật. Đây chính là điều khiến Lê Khanh dù "nhiều lần ức phát khóc" nhưng vẫn không thể ghét nổi vì "anh mang lại cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo và thái độ làm việc say mê, nhiệt huyết hiếm có".
Một cảnh quay minh chứng cho tinh thần này đến giờ Lê Khanh vẫn còn nhớ, đó là cảnh nữ tu sĩ đạp chiếc xe lôi để chở chiến sĩ công an vào nhà thương. "Tu sĩ Băng Thanh là người có tâm hồn mong manh, lại chịu nhiều tổn thương trong đời sống nên luôn trốn tránh tình cảm với tướng cướp Bạch Hải Đường cũng như chiến sĩ công an Năm Hà.
Thế nhưng, giây phút cô ấy gò mình trên chiếc xe lôi, phía sau là người chiến sĩ công an vào nhà thương là một hình ảnh rất... điện ảnh. Nó vừa mỏng manh, cô đơn và lẻ loi lại vừa thể hiện xúc cảm mãnh liệt mà lâu nay cô luôn tìm cách né tránh. Để có được cảnh quay mang tính nghệ thuật ấy, 3h sáng, anh Thanh cho người đổ nước từ dốc chảy xuống để tạo ra những chấm đen và những vệt sáng loang loáng trên đường.
Đó là cảnh quay mang lại cái đẹp về thị giác, lại có màu sắc ẩn dụ. Trong cuộc đời và trong mỗi con người luôn có những khoảng sáng tối đan xen, nhưng điều quan trọng là người ta luôn biết hướng đến sự nhân văn, lòng nhân ái.
Chẳng hạn như vai tướng cướp Bạch Hải Đường, khét tiếng ở miền Tây như vậy nhưng anh ta là người "có nhiều khuôn mặt". Cách cướp của anh ta là lấy của người giàu rồi chia cho người nghèo. Anh ta "hét ra lửa" với đàn em, là nỗi sợ hãi với mọi người nhưng trong quan hệ ruột thịt, anh ta là người vô cùng hiếu thuận và tử tế. Chính vì vậy mà đến giờ, khán giả vẫn nhớ và ấn tượng với vai tướng cướp của anh Thương Tín".
“Nước” và “lửa” chung sống hòa bình
Vợ chồng NSND Lê Khanh.
Hỏi NSND Lê Khanh, sau phim đó thì chị và đạo diễn Phạm Việt Thanh mới yêu nhau hay là yêu luôn trong lúc đang quay, chị bảo: "Sao mà nhanh thế được, đó chỉ là "dấu mốc" gặp gỡ thôi, mãi sau này mới chính thức yêu. Sau phim đó, chúng tôi cùng làm một số phim khác, rồi mới đi đến quyết định là "không thể chung phim nữa mà phải chung nhà".
Nhắc đến câu "dự báo" 37 năm trước, rằng "người có đôi mắt thăm thẳm như thế kia thì sau này khổ về đường tình cảm lắm", có nghệ sĩ thân thiết với vợ chồng Lê Khanh "cám cảnh": Người khổ hóa ra lại là ông Thanh. Không bị "kìm chân" mà từ đó đến giờ tự "kết án chung thân" với Lê Khanh, trong khi vẻ ngoài đẹp trai phong trần của lão cứ nghĩ là phải có thêm vài bà. Rồi lão tự nguyện khổ khi giờ này vẫn như vợ chồng son, vợ đi đâu cũng đưa đi rước về chứ nhất quyết không để vợ đi taxi hay xe ôm, trừ khi đi công tác. Còn NSND Lê Khanh thì hóm hỉnh: "Đấy, tôi lận đận thế nào, khổ ra sao thì mọi người nhìn vào biết hết cả đấy".
Cứ nghĩ một người ăn nói suồng sã như đạo diễn Phạm Việt Thanh sẽ khiến người phụ nữ rất Hà Nội ấy sợ hãi mà tránh xa. Hay nếu có do "duyên số vồ lấy nhau" thì chị cũng bị... át vía. Vậy mà "nước" và "lửa" đã đi cùng nhau mấy chục năm trời trong hòa bình và yên ấm. Chị bảo, “tôi có phải làm gì để "trị" tính khí ngang tàng của anh ấy đâu. Cứ để tự nhiên thuận theo tính cách của cả hai thôi. Trong cuộc sống vợ chồng, nếu tôi và anh đều là "tu sĩ" hay cùng là "tướng cướp" thì chẳng khác nào "dao sắc khó gọt được chuôi". Sự khác biệt ở chúng tôi thực ra là bổ trợ cho khuyết thiếu ở nhau. Khi nào lửa bùng lên thì có nước, ngược lại khi nước lạnh thì có lửa làm ấm lên vậy".
NSND Trần Phương kể rằng, hồi làm phim Săn bắt cướp ông và quay phim Phạm Việt Thanh không ít lần to tiếng với nhau, vì "nó là thằng rất cứng đầu. Nhưng tôi là người cũng ngang tàng không kém, lại nói được làm được nên mới "trị" được. Vậy mà cũng có lần mâu thuẫn đến mức, Phạm Việt Thanh đòi bỏ đoàn về Hà Nội, ý là đòi tôi phải "xuống nước". Thế nhưng vì "dính" phải cái Khanh nên miệng nói mạnh thế mà chân thì không rời đi được.