Nghề “không đội trời chung” với sao
Phương châm của những tay paparazzi là “bất hạnh của bạn là tài sản của chúng tôi”.
Paparazzi đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là lĩnh vực giải trí. Rất nhiều câu chuyện hậu trường nổi tiếng, những bức ảnh kinh điển khiến giới sao rúng động và độc giả có cơ hội "mở rộng tầm mắt". Paparazzi bắt nguồn từ đâu, hình thành phát triển như thế nào, những vụ việc nổi tiếng đặc biệt trong showbiz Việt tất cả đều được giải đáp trong loạt bài: Paparazzi – Lật mở thế giới người nổi tiếng. |
Paparazzi bắt nguồn từ đâu?
Theo Wikipedia, Paparazzi (hay còn được gọi là paparazzo Paparazza theo tiếng Ý) là thuật ngữ dùng để phóng viên ảnh – những người chuyên chụp ảnh các vận động viên, người nổi tiếng, chính trị gia và những người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau…
Paparazzi thường có xu hướng là những người làm việc độc lập chứ không nằm trong các cơ quan truyền thông chính thống. Những người làm việc như thế này thường được người nổi tiếng miêu tả là “không thể chấp nhận”. Rất nhiều những người nổi tiếng phàn nàn về việc những tay săn ảnh can thiệp quá sâu về đời tư của họ và thậm chí họ còn đệ đơn lên toà án để được “đặt lệnh cấm” hay thậm chí đưa nhau ra toà án để giải quyết.
Trên thế giới hiện chưa có một thống kê đầy đủ có bao nhiêu tay săn ảnh
Thuật ngữ "paparazzi" có nguồn gốc từ bộ phim năm 1960 - La Dolce Vita của đạo diễn Federico Fellini. Một trong những nhân vật trong phim là một nhiếp ảnh gia tin tức có tên gọi Paparazzo (do Walter Santesso thủ vai). Trong cuốn sách của mình có tên Word and Phrase Origins/Từ và cụm từ gốc Robert Hendrickson viết rằng Fellini đã lấy tên gọi này từ một phương ngữ trong tiếng Ý nhằm để mô tả “tiếng ồn ào đặc biệt khó chịu, giống như tiếng muỗi vo ve”.
Như Fellini chia sẻ trong bài phỏng vấn của mình với tạp chí Time: “Paparazzo gợi ý cho tôi về một loài côn trùng vo ve, lơ lửng, nhanh như tên bắn và chua cay”. Nó có ý nghĩa gần giống với từ Ý "pappataci" – tên của một loài muỗi nhỏ. Những phiên bản gốc của từ này hiện tại vẫn gây nhiều tranh cãi”.
Việc sử dụng cụm từ paparazzi trong tiếng Anh bắt nguồn từ nhà thơ người Ý Margherita Guidacci, trong bản dịch cuốn sách về du lịch của George Gissing mang tên By the Ionian Sea (1901) trong đó ông chủ của một nhà hàng được gọi là Coriolano Paparazzo. Tên gọi này được cung cấp bởi nhà biên kịch của bộ phim La Dolce Vita - Ennio Flaiano. Đến cuối những năm 1960 thì cụm từ này đã được sử dụng rất phổ biến trong tiếng Anh để chỉ về những nhiếp ảnh gia chuyên săn ảnh đời tư của người nổi tiếng.
Một số phiên âm của cụm từ paparazzi được sử dụng trong một số ngôn ngữ mà không nằm trong hệ thống bảng chữ cái A,B,C như là tiếng Nhật, Hàn Quốc, Nga và Thái Lan. Cho đến nay, paparazzi đã trở thành ngôn ngữ mang tính đại chúng rất cao.
Càng cấm càng hot
Do đặc thù công việc nên những tay săn ảnh được coi như một mối phiền toái không hề nhỏ. Một số tiểu bang và các quốc gia (đặc biệt ở châu Âu) đã hạn chế hoạt động của họ bằng cách thông qua các điều luật cũng như các lệnh giới nghiêm trong đó có nêu rõ tại những sự kiện mà họ không được phép chụp ảnh.
Tại Na Uy, Đức và Pháp các phóng viên ảnh cần có sự cho phép của các đối tượng chụp hình trong bức ảnh thì mới được quyền phát tán.
Bức ảnh Kanye West đánh phóng viên nổi tiếng trong giới showbiz
Trên thực tế cho thấy rất nhiều vụ việc đình đám trên thế giới đều đã được các tay săn ảnh công khai trên mặt báo, đặc biệt trong giới giải trí. Và dĩ nhiên, món hời mà họ nhận được không hề nhỏ nên họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm kể cả việc bị cấm hay dính líu đến kiện tụng.
Trong chuyên đề đặc biệt của tạp chí Time với tên gọi Phong cách và Thiết kế năm 2005 có thông tin một câu chuyện với tựa đề “Chụp hình một ngôi sao” trong đó Mel Bouzad, một trong những tay săn ảnh hàng đầu ở Los Angeles tại thời điểm đó tuyên bố đã được trả 150.000 đô la cho bức ảnh Ben Affleck và Jennifer Lopez ở Georgia sau khi cặp đôi này chia tay.
“Nếu tôi có một bức ảnh của Britney và con trai cô ấy tôi có thể mua một ngôi nhà mới trên đồi” - Bouzad tuyên bố.
Năm 2008, một tay săn ảnh đã kiện nam diễn viên Keanu Reeves với tội danh cố tình đánh anh ta sau khi bị đeo bám. Nhiếp ảnh gia này tuyên bố đã không thể làm việc từ tai nạn đó vì tay của anh bị thương tật vĩnh viễn và yêu cầu bồi thường số tiền lên đến 700.000 đô la.
Ngôi sao quá cố Amy Winehouse từng nhiều lần gặp sự phiền phức với những tay săn ảnh
Tại Anh, nữ diễn viên Sienna Miller, Amy Winehouse và Lily Allen từng thắng trong số số vụ kiện yêu cầu những tay săn ảnh phải tránh xa ngôi nhà của họ một khoảng cách nhất định. Miller từng thắng kiện số tiền lên đến gần 100.000 đô la.
Năm 2013, rapper Kanye West phải đối mặt với những cáo buộc về tội hành hung một phóng viên ảnh. Tại Hollywood những vụ ẩu đả giữa các ngôi sao với những tay săn ảnh dường như là cơm bữa. Britney Spears trong giai đoạn khủng hoảng từng cầm ô doạ đánh phóng viên là câu chuyện vẫn còn được truyền tai nhau đến tận ngày nay.
Sự thật về một hãng săn ảnh lừng danh
Văn phòng của Splash News - một hãng chuyên cung cấp ảnh của những người nổi tiếng nằm trên cùng một toà nhà với lối vào là một cầu thang rất nhỏ hẹp ở Los Angeles. Trang bìa với những gương mặt nổi tiếng được treo trang trọng giống như những chiến tích đáng khen ngợi. Một nhóm những tay săn ảnh tụm lại với nhau giống như nhóm sinh viên đang học ngoại khoá.
Những người làm việc tại Splash News rất tự hào về công việc của họ. Theo một thống kê, doanh thu của họ luôn tăng ấn tượng qua mỗi năm và con số luôn được tính bằng triệu đô. Họ được coi là một trong những “đế chế paparazzi nổi tiếng” cung cấp hình ảnh cho khoảng 500 bìa tạp chí khác nhau. Họ cũng bán hình ảnh của mình với độ phủ sóng trên 70 quốc gia. Và để có những hình ảnh độc nhất như kiểu Jennifer Lopez trong khi lưu diễn tại Chi Lê đã ngủ với một vũ công, tin đồn công nương Anh mang thai, Alec Baldwin bị đuổi khỏi máy bay vì chửi tục… họ phải có một mạng lưới “tình báo rộng lớn”.
Phương châm của họ là “bất hạnh của bạn là tài sản của chúng tôi”. Và những người nổi tiếng chính là nguồn thu bất tận của họ. Được biết cơ quan này có đến hơn 1.000 nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới với mạng lưới dày đặc. Họ có mặt tại khắp các khách sạn, nhà hàng, rạp hát, bệnh viện, sân bay… Họ cũng được trang bị những phương tiện tối tân vào dạng bậc nhất như những phi cơ không người lái. Và “mọi động tĩnh xảy ra đều không thể lọt qua khỏi ống kính của họ”. Và ngay khi có hình ảnh, chúng sẽ được truyền tải một cách chóng mặt thông qua mạng di động tốc độ cao và thời gian chỉ tính bằng giây.
Ảnh cha con nhà Tom Cruise qua ống kính của Splash New
Dĩ nhiên, để có những hình ảnh độc các nhiếp ảnh gia chấp nhận ăn trực nằm chờ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Ví dụ để có hình ảnh của bé Suri – con gái Tom Cruise chào đời một nhiếp ảnh đã phải canh chừng từ 5 giờ sáng đến 11h đêm cùng với hàng tá những tay săn ảnh khác. Và để có những hình ảnh như Britney cạo đầu hay Michaecl Jackson qua đời họ thậm chí phải hy sinh nhiều hơn thế rất nhiều.
Một điều khá thú vị đó là những tay săn ảnh luôn biết cách lách luật cấm rất có nghề. Ví dụ khi họ công bố hình ảnh của nam tài tử Bradley Cooper và bạn gái trên ban công họ chỉ chụp từ xa giống như vô tình bắt được khoảnh khắc ấy và như thế họ không bị cáo buộc vi phạm pháp luật.
Nói về những chiến tích của mình, đại diện Splash New từng tự hào khoe họ đã có một “hợp đồng béo bở nhất trong lịch sử” khi ngôi sao Anna Nicole Smith qua đời năm 2006. Các tay săn ảnh của họ đã chụp được bức hình cô được chuyển trên đường đến bệnh viện. Và loạt hình này đã mang về cho họ con số khổng lồ hơn 1 triệu đô la.
Thậm chí, ngay cả với những ngôi sao hạng B như Kim Kardashian những hình ảnh đời tư của cô cũng được chào bán với giá vài ngàn đô la.
Mời độc giả đón xem Kỳ 2: Paparazzi và cái giá của sự nổi tiếng vào 11h trưa thứ 4 (ngày 26/2)!