Mảng tối sau sự sang chảnh của nữ tiếp viên hàng không: Top 10 Hoa hậu VN tiết lộ bất ngờ
Cựu tiếp viên hàng không - người đẹp từng lọt top Hoa hậu Việt Nam 2020 - Đặng Vân Ly chia sẻ những góc khuất của nghề.
Đặng Vân Ly sinh năm 1998, đến từ Hải Dương. Trước khi đến với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 (HHVN 2020), cô là tiếp viên hàng không.
Sở hữu gương mặt thanh tú cùng hình thể đẹp, Vân Ly được nhiều người kỳ vọng sẽ làm nên chuyện ở HHVN 2020. Tuy nhiên cô gây tiếc nuối khi lọt Top 10 chung cuộc, Top 5 Người đẹp Nhân ái và Top 5 Người đẹp Du lịch nhưng không thể chạm tay vào vương miện.
Sau hơn 2 năm từ cuộc thi, cuộc sống, công việc của Vân Ly có thay đổi thế nào, cùng lắng nghe chia sẻ của cô nhé!
- Chào Vân Ly, sau 2 năm gắn với biệt danh "người đẹp tiếp viên hàng không đi thi Hoa hậu", cuộc sống, công việc của bạn thay đổi như thế nào?
Thời điểm tôi quyết định thi Hoa hậu Việt Nam là năm 2020, khi dịch bệnh ảnh hưởng mạnh tới nghề tiếp viên hàng không. Gần như tôi không có lịch bay, hàng ngày chỉ ở nhà theo dõi tin tức. Từ đây cũng làm thay đổi suy nghĩ, quan điểm sống của tôi.
Tôi thấy trân trọng bản thân và cuộc sống hơn, muốn cho mình thêm trải nghiệm, thử thách nên đăng ký thi Hoa hậu. Rất may mắn tôi lọt Top 10 HHVN, Top 5 Người đẹp Nhân Ái, và Top 5 Người đẹp Du lịch. Điều này giúp tôi có thêm thu nhập từ việc chụp lookbook, quảng cáo và đi dự sự kiện. Tôi luôn cảm ơn bản thân khi thời điểm đó đã có những quyết định đúng đắn.
- Làm cả hai việc có khiến Vân Ly bị áp lực về thời gian và sức khỏe? Bạn sắp xếp như thế nào để cân bằng công việc và cuộc sống?
Sau cuộc thi, tôi không có áp lực về mặt thời gian vì được công ty tạo điều kiện rất nhiều. Hơn nữa thời điểm đó vẫn ảnh hưởng của dịch, lịch bay dễ sắp xếp.
Quan trọng là bản thân mình phải biết cân bằng, không ôm đồm nhiều việc, sắp xếp hợp lí, chuyên nghiệp và hiệu quả cao.
- Để trở thành một tiếp viên hàng không sẽ có những yêu cầu, tiêu chí gì?
Để trở thành một tiếp viên hàng không, điều đầu tiên chính là phải có niềm đam mê với nghề, hiểu công việc, những điều được và mất khi theo đuổi nó.
Tiêu chí thứ hai là ngoại hình ưa nhìn, nữ cao từ 1m58, nam từ 1m68 trở lên.
Nghề này không yêu cầu bằng đại học nhưng tối thiểu phải tốt nghiệp THPT, bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh và giao tiếp tiếng Anh tốt. Ngoài ra biết nhiều thứ tiếng khác hoặc đã từng có kinh nghiệm trong ngành dịch vụ là 1 lợi thế.
- Phải thừa nhận rằng các tiếp viên hàng không đều rất xinh đẹp, ngoại hình có phải là yếu tố hàng đầu của nghề này?
Đó là yếu tố cần nhưng chưa đủ, ngoài ngoại hình xinh đẹp bạn cần phải trau dồi nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp ứng xử, có 1 sức khoẻ thật tốt vì nghề tiếp viên hàng không không nhẹ nhàng như mọi người vẫn thấy (cười).
- Hành trình để trở thành một tiếp viên hàng không của Vân Ly như thế nào?
Tôi xuất phát điểm không phải là người giỏi tiếng Anh, không có ngoại hình chuẩn. Hơn nữa gia đình, bạn bè không ai ủng hộ tôi theo nghề này vì trong suy nghĩ của mọi người, tiếp viên hàng không vẫn là một công việc xa vời với cô bé nông thôn.
Tôi đã cố gắng rất nhiều để vượt qua buổi phỏng vấn, sau đó là 3 tháng đào tạo bằng 100% tiếng Anh chuyên ngành, giờ nghĩ lại mình vẫn thấy sợ. Rất may thời điểm đó tôi được sự giúp đỡ của các anh chị cùng lớp, sự quý mến từ các thầy cô nên có thêm động lực.
Về cân nặng thì tôi cũng phải giảm 12kg để đáp ứng tiêu chuẩn hãng đề ra. Cuối cùng sự cố gắng đã cho tôi gặt hái được trái ngọt!
- Từ trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ nghề tiếp viên hàng không được đi nhiều nơi, trang điểm đẹp, ăn mặc sang chảnh. Đó có phải là tất cả về công việc này?
Ngày trước tôi theo đuổi nghề cũng vì những lý do này nhưng thực ra đó chỉ là bề nổi, là 1 phần thôi. Làm nghề rồi mới biết bất kỳ công việc hay ngành nghề nào đó đều có những góc khuất, tâm tư riêng.
Mọi người thường quen với hình ảnh những tiếp viên hàng không quần là áo lượt kéo vali trông thật đẹp, kể cả trên máy bay đang làm việc nhưng vẫn rạng rỡ, tươi tắn. Vì công việc của chúng mình không được phép thả lỏng bản thân, không được phép mệt mỏi trước các hành khách, không được mang cảm xúc cá nhân vào những chuyến bay.
Có những ngày cả thời gian làm việc và di chuyển lên tới 14-16h, thời tiết xấu, người mệt phờ nhưng vẫn luôn cố gắng mang đến những hình ảnh chuyên nghiệp tươi tắn.
Một ngày tiếp xúc hàng nghìn hành khách, mỗi người một tính, gặp khách khó tính tới mấy cũng phải luôn điềm tĩnh rồi về nhà khóc sau vậy (cười). Chưa kể lịch bay trùng những dịp lễ Tết đoàn viên phải xa nhà, tủi thân lắm nhưng đều phải tự an ủi, cân bằng cảm xúc.
Làm tiếp viên hàng không giúp tôi trưởng thành và gai góc hơn nhiều (cười).
- Có lẽ ngành nghề nào cũng có những áp lực, "mặt tối", với nghề tiếp viên hàng không thì sao? Vân Ly có thể chia sẻ cụ thể để mọi người hiểu hơn về công việc này?
Đúng là nghề nào cũng có góc khuất, tiếp viên hàng không cũng có những cám dỗ, mọi người đã nghe rất nhiều và điều đó có thật.
Cám dỗ từ đồng nghiệp, từ hành khách… nhưng tôi nghĩ để vượt qua được những điều đó bản thân mỗi người phải nhận thức được điều gì nên và không nên làm, việc làm của mình có trái đạo đức, trái pháp luật hay không? Có ảnh hưởng tới tập thể, tới bản thân, gia đình và xã hội không? Việc gì cũng có 2 mặt thậm chí là nhiều mặt, nếu không suy nghĩ chín chắn có thể dẫn tới kết quả khiến bản thân phải hối hận.
- Những ngày qua trên các diễn đàn mạng xã hội bàn tán về thu nhập của tiếp viên hàng không lên đến 40-50 triệu? Vân Ly nói gì về thông tin này?
Thật sự nghề tiếp viên hàng không ở Việt Nam không có mức lương này được. Tôi nghĩ tiếp viên trưởng cũng hiếm người đạt được mức lương 40-50 triệu.
Theo luật hàng không, mỗi tiếp viên chỉ được bay trung bình từ 60-110 giờ/ tháng. Lương của tiếp viên được tính theo nhiều bậc, nhiều hạng mục khác nhau ngoài lương cơ bản và giờ bay. Một tiếp viên thường lương sẽ dưới 30 triệu (cười).
- Vân Ly có kỷ niệm bay nào đáng nhớ trong quá trình làm việc?
Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là những chuyến đón kiều bào tại Hàn Quốc trong mùa dịch. Mọi người đều mệt mỏi, bơ phờ, lên máy bay ai cũng khóc khiến mình không cầm nổi nước mắt. Giờ nghĩ lại tôi vẫn có rất nhiều cảm xúc.
- Làm việc trong môi trường đặc thù của ngành dịch vụ, phải tiếp xúc với khách hàng mỗi ngày. Bạn sẽ ứng xử ra sao khi phải đối mặt với những tình huống nhạy cảm, chẳng hạn bị quấy rối?
Trong 3 tháng đào tạo tôi đã được thầy cô trang bị các kỹ năng xử lý tình huống. Tất nhiên cuộc sống muôn hình muôn vẻ và các tình huống không giống nhau nên tôi cũng học hỏi dần từ các anh chị đi trước.
Thật ra có rất nhiều biện pháp xử lý các hành khách có ý định quấy rối hay có hành vi thiếu lịch sự với tiếp viên, nhưng mình phải tích lũy kinh nghiệm, phân tích tình huống và xử lý sao cho hài hòa nhất.
Tình huống nào vượt quá khả năng cho phép thì báo cáo tiếp viên trưởng.
- Nhiều người vẫn tò mò tiếp viên hàng không có giới hạn độ tuổi chăng, đến lúc 40 thậm chí hơn 40 tuổi thì sao?
Về việc giới hạn tuổi thì nghề tiếp viên hàng không cũng như các ngành nghề khác, bay hết tuổi lao động, còn đam mê còn sức khoẻ là bay (cười). Nhưng thực sự hiếm người trụ được với nghề tới năm 40 tuổi, nhất là phụ nữ vì khi có gia đình và con cái rất khó có thể cân bằng với nghề. Thời gian làm việc không phải giờ hành chính như các ngành nghề khác và cá nhân tôi nghĩ tới 1 độ tuổi nào đó, mình phải học cách cân bằng, biết điều gì là quan trọng để ưu tiên lên hàng đầu!
- Cảm ơn những chia sẻ của Vân Ly, chúc bạn luôn thành công trong cuộc sống và sự nghiệp!
Sau thời gian hoạt động showbiz, họ quyết định rẽ hướng sự nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]