Được biết từ trước đến nay, Mạc Văn Khoa chưa từng làm việc chung với Lý Hải, vậy cơ duyên nào đưa anh và vai diễn trong “Lật mặt 4” đến với nhau?
Sau khi được ê-kip anh Hải gọi điện thoại mời vào vai và hẹn đến nhà nói chuyện, lúc đó tôi khá lo lắng vì chưa làm việc với anh Hải bao giờ, series “Lật mặt” cũng đã rất thành công trước đó. Thật sự vừa hồi hộp, vừa háo hức không biết sẽ được đóng vai gì.
Qua tới nhà anh Hải, tôi ngại, phải đứng bên ngoài một lúc mới dám bấm chuông. Rồi khi nghe đến lịch quay, tôi như “sụp đổ” vì trùng lịch, nếu đi phim anh Hải sẽ phải đi suốt 1 tháng vì phim quay trong rừng.
Sau khi 2 bên thỏa thuận và vẫn không sắp xếp được lịch, cảm giác tôi buồn và hụt hẫng lắm, trong đầu đã nghĩ “thôi chắc không có duyên rồi”. Vậy mà sau 1 tuần, bên anh Hải lại gọi điện thoại bảo tôi cố gắng thu xếp, tôi cũng lựa lời nói với những chương trình đã nhận để họ thông cảm. Cuối cùng sau một chút khó khăn ban đầu thì cái duyên cũng đã tới.
Đã từng tham gia một số vai điện ảnh, vậy ở vai diễn này, điều gì khiến anh ấn tượng đến mức “sụp đổ” nếu không được tham gia?
Thật sự nói về vai điện ảnh, trước đây tôi cũng từng tham gia khoảng 7 - 8 phim rồi. Đây là vai diễn lớn thứ 2 từ khi tôi tham gia đóng phim điện ảnh, trước đó là phim “Vợ ơi em ở đâu”. Còn điều khiến tôi ấn tượng nhất đó là sự thành công của 3 phần trước, tôi rất thích series phim này và cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày được vào một vai trong phần 4.
Tôi đã hình dung ra vai diễn của mình và thầm nghĩ vai diễn như dành cho mình vậy, nếu không được tham gia vai này quả thật rất uổng phí.
Anh Lý Hải vốn được nhận xét là người cầu toàn và rất kĩ tính trong công việc, đặc biệt là ở vị trí cầm trịch cả sản phẩm. Lần đầu làm việc với anh Lý Hải, Mạc Văn Khoa có áp lực hay khó khăn gì không?
Cách làm việc của anh Hải là điều tôi thích nhất, ví dụ trước khi bấm máy sẽ có 1 tuần để diễn viên lên tập thoại với nhau, chạy kịch bản, cùng nhau bàn luận nếu ai thấy cần chỉnh sửa phân đoạn nào và hợp lí thì anh Hải cũng cho sửa.
Đến khi ra hiện trường, tất cả các khâu anh Hải đều chuẩn bị rất kĩ, rất nhanh. Anh cũng có chỉ dạy, sửa sai về tâm lý để diễn viên làm tròn vai nhất có thể, còn theo tôi thấy anh Hải là người ít nói, hiền lành và thường tập trung cao độ vào công việc thôi.
Khán giả gọi Mạc Văn Khoa là “thánh lầy” bởi bất cứ đâu anh xuất hiện, từ phim đến gameshow hay trên mạng xã hội... đều mang lại tiếng cười cho mọi người. Vậy con người thật của anh sau sân khấu sẽ thế nào?
Khi tôi lên ti vi, mọi người đều sẽ nhận xét hình ảnh bên ngoài của tôi là “xấu lạ”, rất nham nhở, “lầy lội”... Còn ở đời thường, gần như là trái ngược, tôi là người rất ít nói, lúc nào cũng lủi thủi một mình. Cũng vui nhưng phải là những người quen thân mới dám thể hiện cảm xúc. Tôi bị ngại đám đông từ nhỏ, trước nhiều người lạ tôi rất khó hòa nhập được ngay như nhiều người khác. Bản chất “nhây” của tôi chỉ xuất hiện khi nhận thấy “bắt được sóng” với người này sau vài lần gặp, vài lần nói chuyện, không thì vẫn hiền lành, nhút nhát lắm. Nếu ai không biết tôi mà nghe nói tôi là diễn viên chắc không tin đâu.
Suốt những năm anh hoạt động nghệ thuật, khán giả đã đóng đinh Mạc Văn Khoa vào hình ảnh hài hước, nhiều người nhận xét “chỉ cần nhìn mặt đã phải cười”. Vậy anh có ý định xây dựng cái hài làm thương hiệu riêng hay sẽ thử sức với nhiều dạng tâm lí khác nữa?
Tôi là một diễn viên trẻ, bản thân tôi rất đam mê hài, mỗi lần đứng trên sân khấu hay phim ra rạp, được nghe tiếng cười của khán giả cho tôi cảm giác phấn chấn khó tả. Dù thế nào tôi vẫn sẽ là một diễn viên hài, tuy nhiên là một diễn viên, tôi cũng nhận thức được việc mình phải đa dạng hơn nữa ở cả bi – hài – kịch. Vì không phải sở trường của mình nên tôi sẽ học nhiều hơn, khi đi diễn, các anh chị cũng chỉ cho tôi nhiều. Khi diễn bi thì từ giọng nói đến biểu cảm, ngôn ngữ hình thể đều phải thay đổi, tôi sợ nhất là đang diễn bi mà khán giả lại cười.
Nhiều khán giả thường nhận xét anh có nét diễn giống với nghệ sĩ này, hay lời thoại giống nghệ sĩ kia... Vậy trong làng hài Việt, cái tên nào đã truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất để tạo nên một Mạc Văn Khoa của hiện tại?
Tôi nghĩ ai cũng có một hình tượng để mình theo đuổi, nếu nói về người đã cho tôi tình yêu lớn thế này với hài kịch, đam mê diễn xuất, thích sự hài hước là nghệ sĩ Chiến Thắng. Tôi coi hài của anh rồi ước được như anh, được mang lại tiếng cười cho quý vị khán giả. Đó là người đầu tiên ảnh hưởng nhiều đến tôi nên mọi người có nhận xét nét diễn của tôi giống nghệ sĩ Chiến Thắng cũng là đúng thôi.
Hiện nay, tôi thấy mình rất may mắn khi được làm việc với các nghệ sĩ tên tuổi trong nghề như chú Hoài Linh, chị Việt Hương, anh Trường Giang, anh Trấn Thành... Đều được mọi người thương và chỉ dẫn từng chút một. Như tôi diễn với chú Hoài Linh, chú cho “miếng”, chỉ tôi thoại cách nào để hài hước, nhiều khi chú còn cho mượn cả đồ.
Phần lớn các nghệ sĩ khi hoạt động nghệ thuật được ít lâu, ngoài chăm chút, đầu tư cho sản phẩm, cho hình ảnh của mình hơn thì họ cũng suy nghĩ đến chuyện mua nhà, mua xe. Riêng với Mạc Văn Khoa thì thế nào?
Tất nhiên đó là nhu cầu của mỗi người mà, bản thân tôi mấy năm qua, làm được bao nhiêu đều lo cho gia đình hết. Ở quê bố mẹ rất vất vả, lại nuôi mình từ nhỏ đến lớn, bây giờ tự lập được, kiếm được tiền thì phải lo cho bố mẹ trước.
Tôi luôn nghĩ mình còn trẻ, sống sao cũng được, còn bố mẹ đã lớn tuổi rồi, tôi muốn họ sống đầy đủ, khỏe mạnh để tôi yên tâm làm việc.
Còn riêng phần mình, hiện tại tôi vẫn ở nhà thuê với bạn, đi xe máy đi diễn. Sau một thời gian nữa, tôi cũng sẽ nghĩ đến chuyện tích góp để có một căn nhà ở Sài Gòn.
Được biết gia đình anh không có ai theo con đường nghệ thuật, gia đình lại khó khăn. Vậy lúc quyết tâm vào Sài Gòn theo đuổi đam mê, bố mẹ có ngăn cản hay thuyết phục anh từ bỏ?
May mắn là bố mẹ cực kì ủng hộ tôi. Nhà tôi không có ai theo nghệ thuật nhưng được cái từ ông nội đến bố, ai cũng vui tính. Tôi chắc cũng thừa hưởng được cái gen đó (cười).
Lúc tôi nói sẽ thi trường nghệ thuật thì bố mẹ nhiệt tình ủng hộ, cái khiến bố mẹ tôi suy nghĩ nhiều nhất là lo một mình con vào miền Nam lại không quen ai. Vì hiểu được gia đình thương mình nhiều thế nào nên thường tôi không chia sẻ những khó khăn, vất vả từ khi đặt chân vào Sài Gòn đến giờ.
Tôi còn nhớ vừa rồi khi tham gia “Sao nhập ngũ”- chương trình thực tế, trải nghiệm cuộc sống trong quân đội, tôi không dám cho bố mẹ coi vì có nhiều đoạn là trải nghiệm thật như phải dậy đúng giờ, phơi nắng luyện tập... Về sau khi mẹ coi được chương trình này, mẹ khóc, bố thì suy nghĩ nhiều lo tôi vất vả.
Bố mẹ cũng thường xuyên theo dõi các hoạt động của tôi, cứ 2 - 3 ngày lại gọi điện thoại vào hỏi “sắp tới có gì không? Chương trình nào? Kênh nào để bố mẹ mở xem”. Hầu như chương trình nào có tôi bố mẹ cũng coi không sót.
Anh từng chia sẻ đã có vài cái tết không thể về quê bên gia đình, anh lại là con trai duy nhất trong gia đình, vậy anh có ý định sẽ đón bố mẹ vào Sài Gòn để tiện chăm sóc?
Tất nhiên là có rồi, tôi rất muốn làm điều đó nhưng chắc bố mẹ tôi chưa chịu đâu. Hôm trước tôi có mở quán kinh doanh ẩm thực cho chị, bố vào vài ngày là đòi về ngay vì đã quen không khí ở quê rồi. Sau này khi bố mẹ già đi, bắt buộc tôi phải ở gần bố mẹ để chăm sóc vì các chị đã đi lấy chồng hết.
Hiện tại ở quê, bố mẹ tôi không đi làm đồng áng nữa, nhà tôi được cái nhiều đất, mà đất thì rất rẻ nên cho người ta thuê để làm. Bố mẹ chỉ ở nhà chăm cháu để các chị vào Sài Gòn làm, hay làm một số việc nhẹ trên chùa, trồng vài cây ăn quả quanh nhà...
Mạc Văn Khoa từng gây xúc động với chia sẻ về gia cảnh khó khăn, xuất thân từ vùng quê nghèo, không có nhiều điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật... Vậy đó có phải động lực lớn nhất khiến anh không ngừng nỗ lực trong suốt những năm qua?
Chính xác là vậy, hoàn cảnh chính là điều giúp tôi không bao giờ nản lòng mỗi khi gặp khó khăn. Suốt 3 năm sinh viên, rồi vào Sài Gòn học thêm nửa năm ở sân khấu kịch là số tiền không là gì với những gia đình có điều kiện. Nhưng đối với nhà tôi, khoảng hơn 200 triệu đồng là tất cả mồ hôi của bố mẹ. Họ phải đi gặt lúa, nhổ lạc, bẻ vải... dồn tiền để cuối tháng gửi cho con ăn học.
Khi quyết tâm vào Sài Gòn học nửa năm, tôi thấy con đường mình đi rất mù mịt, biết đến bao giờ mới có thể tự kiếm tiền để bố mẹ không phải khổ nữa. Thật sự lúc đó tôi rất bế tắc, học sân khấu nếu đi làm thêm việc khác thì không có thời gian tập bài. Mà không có việc làm thêm thì buộc phải dùng tiền bố mẹ cho để chi tiêu, cứ tiếp nối những ngày tháng đó làm tôi như muốn gục ngã.
Thỉnh thoảng thời gian rảnh tôi cũng có phụ anh bốc gạch, khuân vác vật liệu xây dựng. Thời gian đó tôi ở nhà anh chị nên cũng tranh thủ phụ chị bán hàng lúc nào không đi học. Chính vì lịch tập diễn, lịch học không thể cố định nên tôi không xin được công việc bán thời gian nào khác.
Rồi đến cơ duyên với cuộc thi, suốt những đêm thi từng tuần, tôi đều nghĩ về bố mẹ, về gia đình, nếu mình làm tối ở cuộc thi này thì bố mẹ sẽ bớt vất vả.
Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, Mạc Văn Khoa còn khá “mát tay” trong kinh doanh khi được đông đảo khán giả ủng hộ. Trong tương lai anh có dự định phát triển hơn về công việc kinh doanh đang khá suôn sẻ hiện tại?
Thực chất tôi mở quán để các chị ở quê vào làm, có cơ hội cải thiện cuộc sống hơn. Các chị ở quê làm chăn nuôi, công việc vất vả và khó khăn lại không ổn định. Vậy nên tôi quyết định mở quán để các chị vào rồi chị em cùng làm. Nhìn thấy các chị em ở gần nhau, bố mẹ tôi vui lắm, cũng bớt lo vì giờ đã có các chị, có ốm đau gì tôi cũng không còn một mình nữa.
Tự nhận mình là ca “xấu lạ” của showbiz Việt, hiện nay rất nhiều nghệ sĩ chọn biện pháp phẫu thuật thẩm mĩ để tân trang nhan sắc, còn đối với anh, anh nghĩ thế nào về vấn đề này?
Đã làm nghệ thuật thì cần có ngoại hình, kể cả trong cuộc sống đời thường, ai có ngoại hình cũng dễ dàng hơn. Về phần tôi, nhiều khi cũng buồn, thấy người ta khoác trên người bộ đồ vest sang trọng vậy mà sao mình mặc vào nó không hợp, có lúc chụp chung tấm hình với mọi người, nhìn mình sao khác hẳn với người khác...
Tuy nhiên tôi nghĩ đó cũng là cái tạo nên điểm đặc biệt của mình, nhiều người hỏi sao không đi phẫu thuật thẩm mĩ thì xin thưa tôi không bao giờ làm chuyện đó. Thứ nhất tôi thấy mặt tôi không hợp với phẫu thuật, lại sợ làm xong không thành công lại “đẹp” theo kiểu khác thì dở khóc dở cười lắm. Ngày xưa còn buồn, bây giờ tôi thấy cái xấu của mình cũng là lợi thế để diễn hài, xấu nhưng “xấu lạ” thì người ta mới để ý nhiều khi đẹp trai quá lại khó diễn hài lắm.
Thứ hai nữa gia đình tôi cũng không đồng ý về việc này, bố mẹ mà nghe tôi nói sửa này sửa kia chắc không để yên cho tôi đâu. Tôi cũng cố gắng thay đổi cách ăn mặc của mình sao cho phù hợp với từng nơi mình xuất hiện, đầu tóc, thần thái làm sao cho khuôn mặt sáng một chút. Đối với tôi, thay đổi làm sao cho lịch sự hơn, “sạch sẽ” hơn là được, còn nếu bảo đụng dao kéo hay nâng mũi, bơm môi... thì với Mạc Văn Khoa là không bao giờ có.
Nhiều khán giả nhận xét phong cách thời trang, hình ảnh xuất hiện trước công chúng của Mạc Văn Khoa ngày một chỉn chu hơn. Vậy anh suy nghĩ thế nào về việc chăm chút cho vẻ bề ngoài và “chọn đồ hiệu mới thể hiện đẳng cấp”?
Tôi nghĩ tùy tính cách, sở thích mỗi người thôi. Riêng tôi, không quan trọng giá tiền bộ đồ bao nhiêu, quan trọng là có hợp với mình hay không. Bản thân tôi thì toàn người yêu mua đồ cho thôi, mua cho gì thì mặc nấy, cũng không bao giờ tự đi mua đồ nên tôi không quan tâm mấy đến đồ hiệu hay bình dân.
Nhắc đến người yêu, khán giả khá bất ngờ khi lần hiếm hoi thấy anh trong tay cùng người yêu đi sự kiện. Khác với nhiều nghệ sĩ chọn cách công khai và thoải mái chia sẻ tình cảm với công chúng, anh thì ngược lại. Lí do gì khiến anh giữ kín bạn gái đến vậy?
Tôi muốn mọi thứ được tự nhiên nhất. Lúc trước hai đứa yêu nhau bình thường, sau khi cùng nhau đi đám cưới anh Trường Giang, tôi thấy có một số bình luận trái chiều, người khen không ít nhưng kẻ chê cũng không thiếu khiến người yêu tôi dù không nói ra nhưng cũng khá buồn. Cô ấy lại không trong nghề nên nhiều khi khó lòng hiểu hết được nên thôi tôi muốn hai đứa cứ yêu nhau như trước, không khoe khoang hay cố tình công khai.
Nhưng cũng không phải tôi giấu, đa số bạn bè thân thiết ai cũng biết. Những ngày đầu quen nhau cũng là lúc tôi mới chập chững trong nghề thôi, hồi đó người yêu tôi thích đi theo đến phim trường xem tôi diễn lắm. Nhưng vì có những hôm quay thâu đêm, điều kiện ăn ngủ cũng không đảm bảo nên tôi không dám cho đi nữa. Bây giờ ví dụ tôi quay phim ở Sài Gòn hay tham gia chương trình, thỉnh thoảng người yêu cũng đến thăm lúc rảnh.
Tôi may mắn khi bạn gái tâm lý, rất hiểu cho tính chất công việc của mình, vì vậy mọi chuyện vui buồn tôi đều có thể chia sẻ cùng người yêu. Hai đứa cũng được gia đình hai bên ủng hộ và bao giờ ổn định mới có đám cưới dù bố mẹ đã hối thúc cưới rồi.