K-pop bị "lột mặt nạ": Ngập tràn hợp đồng nô lệ và nghệ sĩ sử dụng chất cấm
Từ câu chuyện "không sống như con người" của trưởng nhóm TWICE đến scandal dùng chất cấm của G-Dragon, có vẻ như K-pop đang dần bị "lột mặt nạ".
Tảng băng chìm dưới sự hào nhoáng của K-pop
TWICE vừa có buổi fan meeting cùng người hâm mộ nhân dịp kỷ niệm 8 năm debut. Trưởng nhóm Jihyo cũng có cơ hội chia sẻ về cuộc sống khắc nghiệt khi trở thành một thần tượng và là thành viên thuộc nhóm nhạc Kpop đình đám: "Tôi rất bận rộn và không thể sống như con người được. Dù điều này nghe có vẻ khá cực đoan, nhưng tôi chắc chắn rằng không bao giờ hối hận về khoảng thời gian đó".
Jihyo là cái tên nổi bật ở Hàn Quốc.
Từ năm 2015 đến 2022, TWICE chính là một trong những nhóm nhạc chăm chỉ nhất của K-pop. Nhóm phát hành 19 album trong 7 năm, thậm chí có năm phát hành 8 album ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, TWICE cũng từng phát hành 10 MV chỉ trong một năm.
Cũng từ câu chuyện này, nhiều khán giả nhận ra việc trở thành thần tượng không chỉ toàn màu hồng. Bề nổi dễ thấy của các idol K-pop là những sân khấu hào nhoáng, những gương mặt rạng rỡ, tươi trẻ và vẻ ngoài "vô thực" như các thiên thần. Tuy vậy, những thử thách lẩn khuất phía sau là điều đáng sợ.
Tờ Koreaboo nhận định trong một bài báo: "Ngành công nghiệp K-pop thích xây dựng một hình ảnh hào nhoáng và hoàn hảo, nhưng thực tế lại vô cùng nham hiểm”. Những thực tập sinh phải sống với khoảng thời gian dành cho hoạt động cá nhân gần như bằng không.
LISA cũng là một nghệ sĩ từng trải qua thời thực tập sinh đầy khó khăn.
LISA của BLACKPINK từng kể về câu chuyện này khi tham gia một chương trình tại Trung Quốc: "Tôi hoàn toàn có thể hiểu tất cả các bạn bởi vì tôi cũng đã trải qua trải nghiệm đó. Khi tôi 14 tuổi, tôi muốn trở thành một ca sĩ… Tôi đã tự mình rời nhà và đến một đất nước xa lạ để làm thực tập sinh. Tôi đã trải qua khóa đào tạo cấp cao và phải vượt qua rào cản ngôn ngữ".
Theo Kong Yoo Jin - cựu thành viên của nhóm nhạc BONUSbaby - cô cùng các thành viên trong nhóm nhạc của mình trải qua những tháng ngày rèn luyện khắt khe và cực khổ, khối lượng tập luyện điên cuồng hàng chục giờ đồng hồ, tập cả ngày đến sáng sớm. Mỗi ngày, cô chỉ được ngủ khoảng 3 - 4 tiếng.
Kiệt sức - hợp đồng nô lệ - sử dụng chất cấm
Sau khi debut, một nghệ sĩ K-pop còn đối diện với vô vàn áp lực: duy trì ngoại hình, hình ảnh và hành vi cá nhân. Chính điều này khiến nhiều nghệ sĩ vướng phải căn bệnh trầm cảm, thậm chí nặng nề hơn là kết thúc cuộc sống của mình. Sulli, Goo Hara, Kim Jong Hyun gây chấn động showbiz xứ Hàn và cả châu Á khi quyết định ra đi ở tuổi còn trẻ.
Các công ty quản lý K-pop cũng bị chỉ trích vì bóc lột thần tượng thông qua các hợp đồng làm việc quá sức, được gọi là “hợp đồng nô lệ”. Gần nhất là vụ kiện chấm dứt hợp đồng độc quyền giữa 3 thành viên EXO và SM Entertainment.
Những hợp đồng có thời hạn hàng chục năm khiến các nghệ sĩ như trở thành "nô lệ".
Theo luật sư của Baekhyun, Xiumin và Chen, họ đã gửi 7 lần giấy xác nhận để yêu cầu công ty công khai bản sao các báo cáo quyết toán và cơ sở quyết toán một cách minh bạch, nhưng công ty vẫn không thể cung cấp. Ngoài ra, sau hợp đồng có thời hạn từ 12 - 13 năm, công ty lại thúc ép nghệ sĩ ký tiếp hợp đồng độc quyền nên thời hạn có thể lên đến 17 - 18 năm.
Các idol luôn hoạt động nhóm với cường độ cao, dẫn đến kiệt sức phải nhập viện là chuyện “như cơm bữa”. Trong show diễn BORN PINK tại Úc, thành viên Jennie buộc phải rời sân khấu vì sức khỏe yếu.
Giọng ca SOLO từng tiết lộ cô không có sức đề kháng tốt, thường xuyên đổ bệnh: "Tôi từng kiệt sức về thể chất và tinh thần sau chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới (năm 2020). Cường độ làm việc khiến chúng tôi không có thời gian ngủ, ăn uống không khoa học và không cung cấp đủ nước cho cơ thể".
Jennie từng phải dừng biểu diễn lập tức vì sức khỏe không đảm bảo.
Vấn đề chất cấm của K-pop vẫn luôn là chủ đề chưa bao giờ hết hot, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Nữ idol Serri (Dal Shabet) cho biết từng có 1 idol ở nhóm nhạc khác mời cô dùng ma túy. Idol đó nói rằng: "Nếu cậu uống cái này, cậu sẽ thấy vô cùng dễ chịu. Cậu có muốn thử không?".
Thành viên Dal Shabet từ chối và không nghĩ gì nhiều. Một thời gian sau, cô bàng hoàng khi nghe tin đồng nghiệp mời mình đã bị bắt vì sử dụng ma túy. Mới đây, G-Dragon (BIGBANG) vướng phải nghi vấn sử dụng ma túy. Trước đó, vào giữa năm 2011, nam ca sĩ cũng từng bị phát hiện hút cần sa ở Nhật Bản.
Anh giải thích đã nhận "điếu thuốc từ một người mà mình không quen biết tại một bữa tiệc" và nhanh chóng vứt bỏ sau khi nhận ra điếu thuốc có mùi vị lạ. Ngoài G-Dragon, một thành viên khác của Big Bang là T.O.P cũng từng lao đao sau khi bị kết tội sử dụng cần sa trái phép vào năm 2017.
Hai thành viên đình đám một thời của BIGBANG đều vướng vào câu chuyện chất cấm.
John Lie - giáo sư ngành xã hội học tại Đại học California, Berkeley - nêu quan điểm rằng ngành công nghiệp K-pop “hình tượng hóa” sự hoàn hảo về các ngôi sao. Khi xảy ra các sự việc, người hâm mộ dễ bị sốc bởi nhân cách thực sự của thần tượng.
Jennie chua chát tâm sự: "Bắt đầu sự nghiệp tại Hàn Quốc với tư cách một nghệ sĩ K-Pop đã hạn chế tôi về rất nhiều khía cạnh bởi tôi không được phép thể hiện bản thân chỉ vì tôi là một thần tượng K-Pop. Tôi nghĩ mình cũng sợ thể hiện bản thân.
Nhiều người đã lạc đường vì mải làm hài lòng những người đào tạo. Đó là hành trình nhiều năm chứ không phải vài giờ. Vì vậy, bạn thực sự bị cuốn vào cuộc sống mà họ định ra".
Lee Hyori thể hiện sự hào hứng về đêm diễn sắp tới ở Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]