Hoài Linh: "Sức khỏe yếu vì mất ngủ gần như trắng đêm"
Hoài Linh chia sẻ về tâm nguyện của mình và những chê trách anh phải nghe từ không ít người.
Được khởi công từ tháng 9/2014, từng vướng phải những vấn đề về thủ tục xây dựng... mới đây, công trình nhà thờ Tổ nghề sân khấu của NSƯT Hoài Linh đã khánh thành và đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan.
Bên cạnh sự chia sẻ, ngưỡng mộ, dư luận cũng dấy lên nhiều băn khoăn như: Quan niệm về Tổ nghề thế nào cho đúng, các nghệ sĩ đến nhà thờ tư nhân của Hoài Linh giỗ Tổ nghề có đúng tín ngưỡng hay không?
NSƯT Hoài Linh trong ngày giỗ Tổ nghề sân khấu. Ảnh: TL
Làm gì cũng phải có tâm!
Từ ngày 11/9, nhà thờ Tổ sân khấu của NSƯT Hoài Linh ở phường Long Phước (quận 9, TPHCM) đã mở cửa đón khách với đa dạng thành phần nghề nghiệp, lứa tuổi. Từ những nghệ sĩ gạo cội của làng nghệ thuật cổ truyền như: NSƯT Út Bạch Lan, NSND Lệ Thủy, NSND Đinh Bằng Phi, NSND Trần Ngọc Giàu... đến dàn nghệ sĩ trẻ thuộc nhiều lĩnh vực giải trí và khán giả ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đều nô nức đến chiêm ngưỡng công trình tâm huyết của nghệ sĩ Hoài Linh.
Tại đây, cũng đã diễn ra lễ giỗ Tổ nghề sân khấu được thực hiện với những nghi thức trang trọng vào ngày 12.8 (Âm lịch). Tuy nhiên, nhiều ý kiến đang tỏ ra băn khoăn trước câu hỏi: Việc giỗ Tổ nghề sân khấu diễn ra ở nhà thờ của nghệ sĩ Hoài Linh có đúng với tín ngưỡng hay không? Và nếu không thì phải làm thế nào cho đúng?
Bình luận về câu chuyện này, một khán giả tỏ ra gay gắt: “NSƯT Hoài Linh từng nói: Tổ nghiệp cho tôi cái gì thì tôi sẽ trả lại hết. Vậy anh đang trả cho ai? Muốn trả nợ hết cho đời, cho nghề thì có nhiều cách để trả. Tiền tỷ có thể xây một ngôi trường cho trẻ mồ côi rồi anh em nghệ sĩ cùng nhau chung sức hỗ trợ ngôi trường ấy. Tiền tỷ cũng có thể xây học viện sân khấu để đào tạo những thế hệ tiếp theo kế thừa. Đó mới gọi là trả lại những gì Tổ nghiệp đã ban cho mình”.
Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ, quan niệm, cách thức làm giỗ Tổ nghề sân khấu vẫn gây nhiều hiểu nhầm, tranh cãi là do Tổ nghề sân khấu của người Việt có nhiều tuồng tích. Ngoài tích phổ biến rộng rãi nhất liên quan đến hình ảnh người ăn mày không danh phận thì còn tích về hai vị thái tử bị bệnh nhưng lén trốn đi xem hát bị dẫm chết trong đám cháy sau được dân gian thờ phụng.
Vậy việc các nghệ sĩ tham gia vào ngày giỗ Tổ sân khấu thể hiện niềm tin, đam mê, trách nhiệm với nghề nghiệp mình theo đuổi. Theo đó, họ có thể thực hiện nghi thức này ở nhiều nơi bằng tinh thần thiêng liêng hóa công việc mình đang làm và đặt đạo nghề cao hơn tín ngưỡng.
Trở lại câu chuyện về nhà thờ Tổ nghề sân khấu của NSƯT Hoài Linh, liệu có công bằng khi tâm huyết 16 năm của anh bị đem ra “mổ xẻ”, “ném đá”? Ngay cả khi công trình này tạm đóng cửa để làm công tác vệ sinh, sửa chữa… cũng bị đồn đoán là chỉ mở cửa một vài ngày theo kiểu “rắc thính” sau đó sẽ bán vé cao.
Chỉ những người trong ban phục vụ công trình mới thấm thía, sau cuộc “đổ bộ” của khách thập phương trong 2 ngày 11 và 12/9, toàn cảnh nhà thờ đã ngổn ngang như một công trình dang dở. Chưa kể, nhiều chi tiết nhỏ trong khuôn viên như thảm cỏ, cây cối còn bị hư hại. Thế nhưng, trước “sức ép” dư luận, sau vài tiếng dọn dẹp, nghệ sĩ Hoài Linh đã tiếp tục mở cửa để đón khách tham quan.
“Tôi nghe lời chê trách quen rồi!”
Liên hệ với NSƯT Hoài Linh, chúng tôi nhận được lời chia sẻ ngắn gọn: “Thời gian gần đây tôi hay mất ngủ, mấy ngày qua lo lễ lạt và đón khách gần như mất ngủ trắng đêm nên sức khỏe hơi kém. Tôi nghe lời chê trách quen rồi. Người ta còn chỉ thẳng mặt mắng mỏ: Sao anh đổ tiền xây nhà thờ mà không đi làm từ thiện? Tôi nghe cũng chỉ biết cười trừ vì mỗi người một cách làm, làm việc này không có nghĩa là cắt việc kia mà làm cái gì cũng phải có tâm. Không có tâm thì tài mấy cũng khó trụ”.
Kinh phí xây dựng nhà thờ Tổ khá nhiều nhưng một mình NSƯT Hoài Linh chắt chiu, trang trải. Anh thừa nhận, mình chủ động không tiếp nhận đóng góp vì sợ bản thân nóng tính, chỉ cần nghe một câu nói ra nói vào không lọt tai sẽ lập tức mang sang nhà người ta mà trả hết. Trong khuôn viên công trình, chỉ có một vài chậu hoa cảnh mang tên của những nghệ sĩ thân thiết với NSƯT Hoài Linh như một món quà chúc mừng anh.
Bên cạnh sự hoài nghi về cách danh hài này dồn cho công trình bạc tỷ, những khán giả ủng hộ anh cho rằng, đây là nhà thờ của cá nhân Hoài Linh chứ không phải là công trình được đóng góp xây dựng bởi số đông, nên nếu trong tương lai, nghệ sĩ này có hạn chế mở cửa hay thu vé cũng là điều hết sức bình thường. Việc mở cửa thường xuyên luôn cần một bộ máy vận hành gồm những nhân viên bảo vệ, phục vụ, chăm sóc, dọn dẹp.
Hỏi danh hài Hoài Linh về kế hoạch trong tương lai với công trình tâm huyết này, anh tâm sự, bản thân vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn và sẽ tiếp tục hoàn thiện nhà thờ Tổ bởi “Thờ thì dễ, giữ lễ mới khó”. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cũng chia sẻ: “Sắp tới, nhà thờ Tổ của Hoài Linh có thể là một nơi để tập hợp, trao đổi nghề nghiệp... phối hợp cùng với hội hay không có lẽ sẽ còn nghiên cứu thêm”.
Từ khi công trình nhà thờ Tổ của NSƯT Hoài Linh được cấp phép xây dựng trở lại và mở cửa đón khách, bố mẹ anh gần như mất ăn, mất ngủ theo con. Bố danh hài cho biết, vợ chồng ông đã khóc suốt từ lúc con trai bắt đầu dốc tâm sức, tiền bạc vào công trình. Trong mắt đấng sinh thành, NSƯT Hoài Linh vốn sống đơn giản, ít ăn tiêu tụ tập mà chỉ đi diễn và làm từ thiện nên dù âu lo, một khi con đã quyết thì bố mẹ không còn cách nào ngăn cản.