Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

 

Nhắc đến Danh Thái, người hâm mộ nhớ ngay đến nam diễn viên vào vai tù tội nhiều nhất nhì màn ảnh Việt. Sở hữu gương mặt gồ ghề, góc cạnh khiến anh gần như “đóng khung” vào vai phản diện. Trong suốt 30 năm hoạt động nghệ thuật, chính Danh Thái cũng không nhớ nổi mình đã đóng vai tội phạm, xã hội đen bao nhiêu lần. Tuy nhiên với khán giả quen thuộc của màn ảnh nhỏ, mỗi vai diễn của anh đều để lại ấn tượng sâu đậm đến mức mọi người gọi anh với tên nhân vật thay vì tên thật, khiến Danh Thái vô cùng xúc động.

Trong cuộc gặp gỡ mới nhất với chúng tôi, Danh Thái lần đầu chia sẻ về cuộc sống hiện tại bên bà xã giáo viên cùng hai con gái và những chuyện đời, chuyện nghề suốt 30 năm qua.

"Đệ tử ruột của Người phán xử" hóa ra là ông chủ quán nhậu bình dân nổi tiếng Hà Nội - 3

- Chào anh Danh Thái, sau 2 năm dịch bệnh, cuộc sống hiện tại của anh như thế nào?

Thật sự dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc của tôi. Tôi không được đi diễn trong suốt thời gian dài, nhà hàng phải đóng cửa, tiền thuê nhà dù được giảm nhưng không nhiều nên rất khó khăn.

Khi dịch bệnh bớt và bỏ lệnh giãn cách xã hội, tôi mới bắt đầu đi diễn trở lại, mỗi tuần diễn được khoảng 2 đêm, nhà hàng cũng được hoạt động, đến giờ mọi thứ cũng đã ổn định.

- Tình hình kinh tế hiện tại từ kinh doanh hay hoạt động nghệ thuật của anh thế nào?

Tôi đã gắn bó với nghệ thuật tuồng, nhà hát và cả phim truyền hình khoảng 30 năm. Tôi theo học nghệ thuật truyền thống, vừa ra trường - khoảng năm 1993 là bắt đầu làm việc ở nhà hát và đóng phim. Chúng tôi vẫn thường trêu nhau những người làm nghệ thuật truyền thống là đi làm vì đam mê, bởi rất vất vả. Bây giờ lương các cháu mới ra trường chỉ 2,8 triệu - 3 triệu đồng một tháng, đi diễn mỗi đêm chỉ 120 - 200 nghìn một buổi nhưng dịch bệnh và sân khấu tuồng cũng khó, kén khán giả.

Thời điểm tôi bắt đầu ra trường và đi làm là giai đoạn thay đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường, mất khoảng 5 năm đi làm không được biên chế. Khi ấy được đi diễn nhiều nhưng không có lương cơ bản, mỗi đêm được 30 nghìn, nhận tiền về mấy anh em đi chợ nấu cơm với nhau. Vì nghèo nên chúng tôi thường ra chợ chịu đồ ăn, đi diễn tầm 10 ngày có tiền thì lại ra trả (cười).

Bây giờ chế độ tốt hơn ngày xưa nhưng cơ chế thị trường khắc nghiệt hơn. Ví dụ như tập một vở tuồng truyền thống, khoán 40 ngày cho một vai diễn quần chúng được khoảng 1,2 triệu hoặc 1,4 triệu. Tập ở nhà hát thì dễ hơn nhưng khi lên rạp tiền ăn phải tự túc mỗi ngày khoảng 150 nghìn thì số tiền còn lại cũng chẳng được là bao. Như tôi lương ở Nhà hát được 7 triệu đồng/tháng, hết dịch mỗi tuần được đi diễn 2 đêm, có khi được 120 nghìn, có khi được 160 nghìn.

Bản thân tôi thấy nghệ sĩ trẻ của nghệ thuật truyền thống bây giờ rất khó khăn vì cơ chế thị trường cạnh tranh, kén khán giả. Còn diễn viên phim truyền hình dễ hơn, họ có thể làm TikToker, YouTuber và nhận được nhiều lời mời quảng cáo. Tôi cũng nhận được một số lời mời quảng cáo thuốc nhưng từ chối vì bản thân chưa kiểm định chắc chắn, dù có được nhiều tiền tôi cũng không nhận.

Tôi còn kinh doanh và cả đóng phim truyền hình nên thu nhập đỡ hơn. Trước đây cũng vay mượn bạn bè kinh doanh, mở quán nhiều lắm nhưng bị sập hết (cười), đến cái này mới cầm cự được lâu dài hơn. Đầu tiên là mở quán bia, rồi đến một quán chân gà nướng to đùng,… nhưng đều không ăn thua. Đến cửa hàng này tôi mở cách đây 5, 6 năm và vẫn cầm cự, chèo chống để hoạt động đến bây giờ.

"Đệ tử ruột của Người phán xử" hóa ra là ông chủ quán nhậu bình dân nổi tiếng Hà Nội - 4

- Là một diễn viên nổi tiếng từ lâu nhưng ở nhà tập thể 10 năm chưa trả hết nợ, sau rất nhiều năm làm việc mới đổi sang căn chung cư mới. Anh có thể chia sẻ với khán giả về tổ ấm mới?

Trước đây gia đình tôi sống ở một căn nhà tập thể nhỏ. Thế hệ tôi là thế hệ cuối cùng được nhà nước phân nhà, khi đó 3 anh em được phân cho một căn hộ rồi chia nhau, mỗi người được khoảng 20m2, sau đó tôi mua lại phần của người bạn khác nên diện tích căn nhà đó được khoảng 31m2, vào năm 2007.

Sau đó, vợ chồng tôi phấn đấu mãi vì vợ làm việc ở Bắc Giang, tôi ở Hà Nội. Cách đây 2 năm, vợ tôi bàn mua căn nhà mới vì hai con gái cũng lớn, cần có không gian riêng. Quyết định chuyển nhà, vợ chồng tôi vay bạn bè, người thân mỗi người một ít, khoảng vài trăm triệu không lấy lãi và còn thiếu bao nhiêu thì cầm sổ đỏ, vay ngân hàng. Căn chung cư mới rộng 95m2, đầy đủ tiện nghi và cho các con có không gian riêng. Đến hiện tại, vợ chồng tôi vẫn chưa trả hết nợ ngân hàng mua nhà (cười).

- Anh còn nhớ cơ duyên nào đưa anh đến với biệt danh “người chuyên trị vai giang hồ”?

Nói đến cơ duyên với phim truyền hình thì đầu tiên tôi đóng phim nhựa với cô Bạch Diệp. Đến khi phim truyền hình phát triển, anh em bạn bè từng làm trợ lý cho cô Bạch Diệp vào làm ở VFC nên cũng quen biết nhau, khi có vai phù hợp thì mời tham gia. Tôi sở hữu gương mặt gồ ghề, khi lên hình dữ dằn hơn nên được giao nhiều vai giang hồ, phản diện.

- Đến thời điểm hiện tại, anh còn nhớ mình đã bao nhiêu lần vào vai giang hồ?

Thật sự quá nhiều và tôi không nhớ nổi (cười). Khi xem trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ những đoạn cắt từ các phim, có khi tôi cũng không nhớ mình đã đóng từ bao giờ, năm nào nữa.

"Đệ tử ruột của Người phán xử" hóa ra là ông chủ quán nhậu bình dân nổi tiếng Hà Nội - 5
Video: Diễn viên Danh Thái và những câu chuyện đời, chuyện nghề

- Vai nào để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?

Tôi thấy vai nào cũng ấn tượng, từ những nhân vật đầu tiên trong "Cuồng phong" của series "Cảnh sát hình sự", rồi vai Đinh Văn Vận quay ở Hải Phòng và Lạng Sơn, cách đây mười mấy năm khán giả vẫn nhớ, khi gặp tôi có người vẫn gọi là "anh Vận".

Hay khi đọc kịch bản của "Người phán xử" với vai A Lý, tôi thấy hay và đoán khi đóng A Lý thì sẽ mất tên của những vai diễn cũ và đúng là như thế. Nhưng sau đó lại đến anh Lê Văn Tỵ - Phó Giám đốc mỏ đá của phim "Sinh tử", mọi người lại nhớ ngay đến anh Tỵ.

Thời gian gần đây, tôi nhận được khá nhiều vai diễn không hẳn phản diện, giang hồ nhưng cũng là tuyến nhân vật có số phận, khắc khổ như trong "Phố trong làng", ban đầu không phải "đầu trộm đuôi cướp" nhưng do nghèo quá, dòng đời đưa đẩy nên đi ăn trộm hòm công đức của nhà thờ.

- Thường xuyên vào vai giang hồ với những cảnh hành động, đánh đấm, anh có từng bị thương?

Trong quá trình quay phim tôi cũng bị thương nhưng không quá nặng, chỉ là trầy xước bởi cũng từng học võ một thời gian và diễn tuồng nên biết cách né đòn. Tôi vẫn nhớ những cảnh quay đánh đấm với anh Vũ Hải, anh ấy là võ sư nên cũng phải cố gắng rất nhiều để tránh chấn thương. Bản thân tôi có biết võ nhưng không luyện tập thường xuyên như anh ấy, đánh nhau trên nhà sàn, anh Hải quăng một cái đầu tôi suýt đập vào cột. Mọi người vẫn trêu bảo số ông Thái vất vả, phim nào cũng ăn đòn.

Tôi nhớ nhất là cảnh trong phim “Người phán xử”, khi Lương “bổng” cố tình bắn trượt và chôn sống A Lý. Khi đó tôi rất lo lắng, không biết sẽ phải đóng như thế nào, lấp đất lên cả mắt biết làm sao, không có kỹ thuật nào hỗ trợ mình cảnh đó. Hơn nữa có khi quay cận cảnh, phải nín thở, nếu để bông vào mũi thì khi Lương “bổng” vuốt đất trên mặt sẽ bị lộ ra là giả. Cảnh đó quay ở Phú Thọ, từ khoảng 3h đến tối và cả người toàn là đất.

"Đệ tử ruột của Người phán xử" hóa ra là ông chủ quán nhậu bình dân nổi tiếng Hà Nội - 6

- Quá trình phấn đấu của anh để sống với nghề như thế nào ở cả lĩnh vực sân khấu và truyền hình?

Sân khấu tuồng rất kén khán giả, hầu hết chỉ đi diễn phục vụ là chính nên để sống nhờ nghề là điều rất vất vả. Nhưng người xưa vẫn có câu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", có 5-7 triệu vẫn đủ mà 50-70 triệu thì vẫn đủ. Vì thế bản thân mình phải làm thêm nhiều việc khác, rồi cả đóng phim truyền hình thì cuộc sống dễ thở hơn một chút.

- Hình như trong suốt những năm qua, các vai diễn của anh đều là vai giang hồ, vai phụ. Anh có cảm thấy buồn lòng khi nhìn sang những người cùng thời với mình đã có vai chính để đời?

Tôi thấy bản thân mình toàn đóng vai phụ nhưng cũng có nhiều vai để đời (cười). Những vai diễn của tôi là vai phụ, rất ngắn nhưng khán giả vẫn nhớ đến. Bản thân tôi không quan trọng vai chính vai phụ, vai nhỏ hay vai lớn, cái chính là người diễn viên diễn như nào để khán giả nhớ đến và yêu mến.

- Sau nhiều năm như thế, công việc diễn viên mang đến cho anh điều gì?

Làm nghệ thuật mang đến cho người ta nhiều cảm xúc, vui, buồn... Tôi cảm nhận rằng mình làm nghệ thuật con người lúc nào cũng trẻ trung, yêu đời hơn. Dù về kinh tế có eo hẹp một chút nhưng vì đam mê, sở thích nên cũng chấp nhận.

- Thời đại công nghệ hiện đại, mạng xã hội phát triển mang đến nhiều thuận lợi cho người hoạt động nghệ thuật khi lan tỏa nhanh hơn, được công chúng biết đến nhiều hơn và có thêm hợp đồng quảng cáo, từ đó kinh tế, thu nhập tăng lên. Đó dường như là một thuận lợi với nghệ sĩ, đặc biệt lớp trẻ. Là người đi trước, nói chính xác hơn thì thời của anh không phải là thời của mạng xã hội, anh có thấy tiếc nuối?

Hiện tại tôi cũng đã có tuổi, muốn đầu tư vào vai diễn có chiều sâu hơn chạy theo sự nổi tiếng nhất thời. Tôi cũng nhận được nhiều lời mời đóng các sản phẩm ngắn trên YouTube hay TikTok nhưng không nhận lời vì cảm thấy không phù hợp. Hơn 30 năm theo nghề và cũng được khán giả nhớ mặt, biết tên nên làm gì cũng phải lựa chọn. Kinh tế cũng quan trọng nhưng tôi không muốn vì kinh tế mà mất đi hình ảnh, giá trị của mình.

Các bạn trẻ làm YouTuber, TikToker rất nhanh nổi tiếng nhưng tùy theo quan điểm của từng người, họ muốn nổi tiếng nhanh nhưng với suy nghĩ của tôi, nó không được bền lâu, chắc chắn. Các bộ phim truyền hình hay nghệ thuật chính thống được trau chuốt có thể lâu nổi tiếng, thu nhập ít hơn nhưng có giá trị.

- Việc nổi tiếng trên mạng xã hội cũng như 1 con dao hai lưỡi với những nghệ sĩ, bởi có người mải mê chạy theo nên không còn thời gian chăm chút khả năng nghệ thuật, diễn xuất. Anh có nghĩ như thế?

Thật ra việc phát triển trên mạng xã hội rất tốt nhưng tôi cảm nhận hơi dễ dãi, tức là ai cũng làm được, ai cũng diễn được. Còn với các nghệ thuật chính thống, phim truyền hình thì được đạo diễn có kinh nghiệm, có kiến thức chỉ bảo, trau chuốt nên mình có chiều sâu hơn.

"Đệ tử ruột của Người phán xử" hóa ra là ông chủ quán nhậu bình dân nổi tiếng Hà Nội - 7

- Có không ít nghệ sĩ thừa nhận việc thường xuyên đảm nhận vai phản diện, giang hồ ảnh hưởng lớn đến gia đình ngoài đời thật. Anh đã từng gặp trường hợp bị khán giả… “đánh nhầm” vì vai diễn?

Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp rồi (cười). Có rất nhiều khán giả tìm đến cửa hàng, gặp tôi và nói khi xem phim, chỉ muốn gặp ngoài đời để... đấm cho một cái nhưng khi gặp rồi lại thấy khác hoàn toàn.

- Các con cái khi đi học bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Thế còn gia đình anh thì sao, con gái lớn đang học cấp 3 có gặp tình huống nào khó đỡ?

Tôi có hai cô con gái, bạn của con đều rất muốn được gặp bố nhưng các con lại ngại (cười). Nhiều khi tôi nhận kịch bản, con gái lại hỏi: "Bố lại đóng vai đểu à?". Tôi cũng chỉ bật cười và bảo rằng, mặt mình chỉ đóng được vai đểu thôi. Khi ở nhà, phim thường chiếu vào giờ các con học bài nên chúng cũng không xem, nhưng khi nghe giọng bố là lại chạy ra xem: "Biết ngay mà, lại đóng vai đểu mà".

Hai con gái đã lớn, chị cả đang học lớp 11 còn cô thứ 2 đang học lớp 9 và chuẩn bị thi vào cấp ba. Cô thứ 2 cũng đang học đàn bầu ở Nhạc viện và con nói rằng mục tiêu hiện tại là thi chuyển cấp nên bảo lưu 1 năm ở Nhạc viện.

Các con muốn học gì, định hướng gì, vợ chồng tôi để con quyết định chứ không bắt ép.

- Hoạt động nghệ thuật và thường xuyên xa nhà, vợ chồng anh có những mâu thuẫn hay ghen tuông?

Tôi theo đuổi nghệ thuật từ khi còn rất trẻ. Khi cưới nhau xong, vợ đi dạy ở Bắc Giang nên giờ chúng tôi vẫn trêu nhau, nếu ngày xưa cô ấy không xin được về công tác tại Hà Nội thì chắc chồng lấy vợ 2, vợ 3 rồi. Rất may mắn vợ tôi không ghen tuông, cảm thông với công việc của chồng.

- Trong thời gian tới, anh có dự định đặc biệt nào về công việc, cuộc sống?

Hiện tại tôi đang tập tuồng để chuẩn bị cho hội thi ở Vinh, Nghệ An nên khi có một số bộ phim mời tham gia, tôi từ chối vì không sắp xếp được thời gian. Trong đó có phim "Đấu trí", cũng là về Cảnh sát, tôi hy vọng nếu xong hội diễn về và vẫn còn vai thì có thể tham gia cùng đoàn.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

"Đệ tử ruột của Người phán xử" hóa ra là ông chủ quán nhậu bình dân nổi tiếng Hà Nội - 8

Thực hiện: Đoàn Hòa - Tuấn Anh

Thứ Bảy, ngày 09/07/2022 11:03 AM (GMT+7)
Theo Đoàn Hòa - Tuấn Anh ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN