Đạo diễn Đặng Thái Huyền: 'Đừng mua vui bằng chiêu bẩn'
Cách đây ít ngày, diễn viên Ngọc Lan đã chia sẻ trên trang cá nhân vấn đề "chiêu trò" trong thời đại xã hội thông tin bùng nổ, tạo nên tranh cãi trong cộng đồng mạng. Chia sẻ với chúng tôi về chủ đề này, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đưa ra những suy nghĩ thẳng thắn trước việc nhiều sao trẻ hiện nay thích dùng "chiêu trò" để đánh bóng tên tuổi.
Chiêu trò bẩn mới cần quan ngại
Tôi là một đạo diễn làm phim nhà nước nên không quan tâm lắm về cái gọi là “chiêu trò” để đánh bóng tên tuổi hay đánh bóng các sản phẩm để câu view, câu like, gây sự chú ý của khán giả và truyền thông. Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng đây là điều đáng để khoe hay tự hào, vì xét một cách sòng phẳng, đây đôi khi cũng là thiệt thòi của các nghệ sỹ và các tác phẩm nhà nước khi họ ít nhận được sự quan tâm của báo giới và dư luận.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, điều này cũng đồng nghĩa với việc mà dân trong nghề chúng tôi hay nói đùa là “chết lâm sàng”. Chưa bao giờ ở Việt Nam, khi chúng ta mở cửa, bước ra đường lại gặp nhiều văn nghệ sỹ như hiện nay.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền phim "Bánh đúc có xương" nói lên quan điểm về chiêu trò trong showbiz Việt hiện nay
Vận may dường như quá mong manh, xa vời nên nếu không muốn chìm nghỉm trong mớ hỗn độn đó. “Chiêu trò” được nghĩ tới như một phương thức, một cứu cánh, một giải pháp hữu hiệu để đánh bóng tên tuổi, hoặc để hướng sự quan tâm của báo giới, dư luận tới một sản phẩm nghệ thuật nào đó.
Ở nước ngoài, trong ngành học PR (public relations: quan hệ công chúng) – có dành hẳn giờ học bàn về cách xây dựng các “chiêu trò” sao cho văn hoá, văn minh và hiệu quả nhất.
Theo quan điểm của tôi, xuất phát điểm, mục đích của “chiêu trò” trong giới giải trí hoàn toàn không có gì sai, đáng lên án. Tuy nhiên nếu “chiêu trò” sử dụng như từ có nghĩa tương đồng với “scandal” thì chúng ta mới cần quan ngại. Bởi lẽ, chưa bao giờ “scandal” – chiêu trò bẩn, được coi là cách ứng xử khôn ngoan.
Chưa bao giờ “scandal” – chiêu trò bẩn, được coi là cách ứng xử ngôn ngoan (Ảnh minh họa)
Người Á Đông luôn đặt nặng vấn đề thể diện, danh dự và lòng tự trọng. Khi phải dẫm đạp, phải vượt qua cả ba điều đó để đạt được điều mình muốn trong nghề nghiệp thì đó đã là sự thất bại, ít nhất là về mặt tinh thần.
Các nghệ sỹ muốn khẳng định cá tính nghệ thuật, muốn khẳng định tên tuổi và giá trị của tác phẩm mang tên mình thì hãy đầu tư “chiêu trò” dựa trên hai yếu tố: văn minh, thông minh. “Chiêu trò” phải đủ cho dư luận nhớ và nhớ lâu dài.
Việt Nam nên mở lớp... đào tạo về cách xây dựng chiêu trò
Thật ra tôi thấy bây giờ làm nghệ thuật chân chính khó hơn ngày xưa, khi các phương tiện thông tin giải trí chưa bùng bổ nhiều, các nghệ sỹ làm việc trong giới giải trí chưa hằng hà sa số. Tính cạnh tranh thị trường, cạnh tranh tên tuổi để khẳng định thương hiệu cá nhân không tới mức khốc liệt và căng thẳng thẳng như hiện nay.
Một năm có một vài phim ra rạp, tên tuổi các ngôi sao dường như không mở rộng. Những gương mặt đã có thương hiệu cứ vậy xuất hiện từ hết phim này sang phim khác. Nhân dân cả nước cứ vậy mà ngóng chờ, mong đợi.
Bây giờ làm nghệ thuật khó hơn cũng một phần vì dân trí cao hơn và người dân có quá nhiều sự lựa chọn. Để họ yêu thích một tên tuổi nào đó và quyết định bỏ tiền ra đi xem một tác phẩm nghệ thuật (mặc dù hàng ngày trên tivi vẫn chiếu một loạt các phim giải trí bom tấn của nước ngoài) là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và gian khổ.
Nói làm nghệ thuật ở Việt Nam “dễ như trở bàn tay” là quá phiến diện. Ai cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí có thể là máu để được biết tới và nhớ tới.
"Làm nghệ thuật chân chính bây giờ khó hơn xưa" - đạo diễn phim "Bánh đúc có xương" nhận định
Anh chìm nghỉm giữa thế giới nghệ thuật hoạt động sôi động đồng nghĩa với việc anh sẽ bị loại khỏi cuộc chơi quá khốc liệt và khắc nghiệt. Tuy nhiên để được “nổi” theo cách tung “chiêu trò bẩn” và cực nhảm nhí kiểu như: phát ngôn gây sốc, tung ảnh giường chiếu, các mối quan hệ với đại thiếu gia, mập mờ về giới tính… chỉ là “múa vui một vài trống canh”. Nó không thể giúp chủ nhân tồn tại lâu dài và bền vững.
Có lẽ Việt Nam cũng nên nghiên cứu về ý tưởng mở hẳn một lớp đào tạo về cách xây dựng chiêu trò và tung chiêu trò sao cho thật bài bản, khoa học, kỹ năng cao và thật chuyên nghiệp cho các ngôi sao hoặc quản lý của các ngôi sao. Hẳn đó là một ý tưởng không tồi.
Sau tất cả những giọt mồ hôi, nước mắt, những nỗ lực của các nghệ sỹ thì điều cuối cùng họ hướng tới chính là sự yêu mến, công nhận của khán giả. Dù nhiều nghệ sỹ chưa định hình một cách rõ ràng nhưng tôi có thể khẳng định đó là sự cống hiến cho nghệ thuật, cho đất nước.
Tại sao tôi lại dám khẳng định thế. Vì chúng ta có thể lựa chọn công việc mà chúng ta yêu thích, lựa chọn cách mà chúng ta tồn tại, ứng xử trong xã hội nhưng chúng ta không thể lựa chọn bậc sinh thành, lựa chọn nơi sinh ra. Chẳng phải tất cả những gì ta làm xuất phát điểm là muốn ba mẹ tự hào và muốn mảnh đất đã nuôi dưỡng ta đón nhận?
Vì vậy tôi trộm nghĩ, nếu như lựa chọn theo đuổi cuộc đời của một người nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật dù là “nghệ sỹ” thực thụ, hay “nghệ sỹ” tự phong, thì bạn hãy xác định mình là một anh hùng. Mà bạn biết đấy, đã là một anh hùng thì có thể sống vinh quang nhưng cũng có thể hy sinh tủi nhục tại chiến trường, tùy cách chúng ta lựa chọn thôi.
Cách đây ít ngày, Ngọc Lan - một diễn viên kín tiếng và nổi tiếng thận trong trong các phát ngôn đã bất ngờ chia sẻ trên trang cá nhân về công việc nghệ thuật mà cô đang theo đuổi. Đây là vấn đề mà đa số mọi người đều biết nhưng không phải ai cũng dám lên tiếng. Đó là các chiêu trò trong thời đại xã hội thông tin bùng nổ, giá trị đích thực của một bài báo hay một bộ phim đã có nhiều biến đổi. Với góc nhìn sắc sảo cùng tâm sự khá thẳng thắn, status của Ngọc Lan đã nhận được gần 11 nghìn lượt thích cũng rất nhiều bình luận ủng hộ cũng như tranh cãi từ bạn bè, công chúng. Nguyên văn status của Ngọc Lan: "Ngày xưa,để có một bài báo khó lắm. Người nghệ sĩ phải thực sự có tài và cống hiến thì mới có mặt trên báo. Ngày nay để có một bài báo dễ lắm, hở hang hay phát ngôn ngu dốt là có ngay. Ngày xưa, một bộ phim làm ra muốn khán giả xem thì phim phải hay, diễn viên phải giỏi. Người ta đi xem thấy hay thì sẽ truyền tai nhau để mọi người cùng xem. Ngày nay, một bộ phim làm ra muốn khán giả xem thì phải tạo cái gì gây sóng gió dư luận, giả trân, khiến mọi người đi xem vì tò mò để thu lợi nhuận cho phim. Ngày xưa làm nghề khó lắm. Ngày nay làm nghề dễ như trở bàn tay. Hai từ CHIÊU TRÒ dường như là xu hướng!". |