ấn Beo đã từng là một cây hài nổi danh số 1 ở sân khấu phía Nam, nhưng khi các nghệ sĩ hài “nổi đình nổi đám” trên các TVshow thì anh chọn cho mình cách đứng ngoài cuộc. Đời thường Tấn Beo bình dị, anh mặc áo phông, quần soọc, chạy xe gắn máy tà tà ngoài đường như một người ham chơi, la cà đây đó.
Nhưng trò chuyện với anh mới thấy, bên trong Tấn Beo là một khoảng ắp đầy những tâm sự chứa chan dành cho nghiệp diễn. Tấn Beo đau đáu để gìn giữ hai chữ “nghệ thuật” và “nghệ sĩ”, để không vì miếng cơm manh áo mà làm chuyện trái với đạo đức, lương tâm.
Anh luôn biết “tiết kiệm” sự xuất hiện của mình để dành cho bạn bè, đồng nghiệp, khán giả sự trân trọng và tình thương mến.
Tấn Beo nghĩa hiệp, đúng như tính cách của anh hai Nam bộ, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Trong giới nghệ sĩ, anh hay đứng ra gánh thay những chuyện này chuyện nọ cho người khác, không chút so đo. Những người trượng nghĩa như Tấn Beo, lứa nghệ sĩ sau anh, thật tiếc là hiếm thấy.
Những năm gần đây truyền hình thực tế bùng nổ giúp các nghệ sĩ hài củng cố lại tên tuổi nhưng Tấn Beo vẫn đứng ngoài sân chơi này, vì sao vậy?
Tôi không dám xuất hiện nhiều vì sợ khán giả bảo “mới thấy ông này trên tivi, giờ lại xuất hiện tiếp”. Hiện nay có khá nhiều chương trình nhưng kịch bản giống nhau, tôi lại không muốn làm kiểu bát nháo.
Nhà sản xuất cũng ngại, đôi khi tránh mời vì tôi không chịu đi theo đường dây của họ. Nếu ngồi ghế giám khảo, tôi phải nói hoặc làm những điều người ta không vừa ý. Nhưng tôi chỉ muốn nói thật, không thích diễn trò trước công chúng.
Dạo này, tôi thường nghe công chúng nói với nhau “tối qua có chương trình này, cũng bấy nhiêu gương mặt làm giám khảo”. Nhưng họ lại chẳng nhớ game show đó nội dung ra sao, có điều gì đáng lưu tâm.
Show này vừa dứt, show khác xuất hiện, chương trình nối đuôi nhau nhưng lại không có sự mới mẻ. Khán giả khi xem cũng mang theo tâm lý “thôi kệ, xem cho đến giờ đi ngủ”.
Tôi sợ khán giả trông chờ ở mình nhưng mình lại làm họ hụt hẫng. Tôi không muốn phải đánh đổi sự tin yêu của người xem chỉ vì miếng cơm manh áo. Có thể, tôi không ở nhà mặt tiền, không đi xe sang nhưng lương tâm mình thanh thản.
Thế hệ đàn em của Tấn Beo như Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương… đã tận dụng rất tốt sức hút của truyền hình thực tế. Việc anh đứng ngoài cuộc chơi sẽ khiến người ta nói Tấn Beo hết thời. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Nghệ thuật không có nấc thang cuối cùng. Tôi chỉ mới đi nửa chặng hành trình. Mà thậm chí, khi anh lên đến đỉnh rồi, anh còn biết đi đâu ngoài việc đi xuống? Tạm thời tôi đang ẩn náu, đợi đến khi giá trị thật được đặt về đúng chỗ, lúc đó tôi mới xuất hiện.
Có câu “ăn ít thì ngon, ăn nhiều thì ngán”. Nghệ sĩ dù tài năng, đỉnh cao ra sao nhưng xuất hiện ồ ạt sẽ làm người ta bội thực, dẫn đến nhàm chán. Tôi không lo lắng, cũng không cuốn theo cơn lốc truyền hình dù tôi cũng rất sợ khán giả quên mình. Nhưng tôi tin giá trị thật sẽ được trả về đúng chỗ sau khi mọi thứ bị cuốn đi.
Sẽ nhiều nghệ sĩ hoặc nhà sản xuất cho rằng tôi không được mời tham gia game show nên mới phát biểu như thế, nhưng chúng ta phải nhìn vào sự thật để thay đổi nó. Bất kỳ thời nào cũng vậy, xu hướng ra sao cũng phải giữ lại cốt lõi của nó.
Tôi thà xuất hiện ít cũng không sao nhưng kịch bản phải được đầu tư, chắt lọc tử tế chứ không cười dễ dãi rồi quên luôn mình đang cười vì điều gì.
Có một thực tế không phủ nhận được là trong thời cuộc chuyển giao khán giả, thế hệ trẻ không biết đến Tấn Beo nhiều. Anh có cảm thấy chạnh lòng vì điều này?
Như tôi đã nói, nghệ sĩ không hết thời. Nghệ thuật giống như bậc thang, tôi vẫn đang đi nhưng ở giai đoạn nào đó, tôi phải dừng lại để xem thế hệ trẻ họ có ưu điểm gì mình cần phải học hỏi.
Tôi đang đứng ở giữa bậc thang, nhìn lên đỉnh mới cảm nhận được tinh hoa nghệ thuật tới đâu để tiếp tục học hỏi.
Hiện nay có nhiều người cứ ảo tưởng về chữ nghệ sĩ, cứ biết ca là ca sĩ, biết diễn là diễn viên. Họ bước ra từ một cuộc thi đã ảo tưởng mình nghệ sĩ, nổi lên nhờ hiện tượng mạng cũng vỗ ngực xưng danh nghệ sĩ. Các em không biết rằng để được công nhận là nghệ sĩ, ngoài tài năng còn có đạo đức nữa.
Tre tàn thì măng mọc, đó là quy luật. Nhưng có khi tre chưa tàn mà măng đã trụi, tôi đã thấy điều đó rồi. Tre vốn làm được nhiều thứ, nó quý hơn vì măng chỉ có xào ăn mà thôi.
Tấn Beo nhìn nhận thế nào về làng hài hiện nay?
Làng hài bây giờ bị bão hòa. Tôi nghĩ cái khó nhất của hài là làm thế nào để truyền tải tính thẩm mỹ, giáo dục vào trong từng câu nói mà không mất đi sự dí dỏm, hài hước.
Những tiểu phẩm của tôi xưa nay vẫn định hướng giá trị thuần phong mỹ tục. Tôi muốn khán giả cười sảng khoái nhưng vẫn đọng lại trong họ bài học về cách đối nhân xử thế.
Mối quan hệ của Tấn Beo và Hoài Linh thân tình thế nào?
Ngày Hoài Linh trầy trụa ở miền Trung thì tôi cũng lăn lộn khắp miền Tây để kiếm miếng cơm. Sau đó Linh ra nước ngoài, tôi cũng dần tìm về Sài Gòn. Khi 2 anh em được khán giả biết đến thì mỗi đứa mỗi nơi. Mặc dù chưa gặp nhau bao giờ nhưng chúng tôi đều biết và quý mến người kia.
Khi Hoài Linh về Việt Nam lập nghiệp, nhờ anh em bên Nụ cười mới cho số điện thoại nên Linh gọi tôi. Linh nói “anh Ba ơi, em vừa về nước được mấy ngày, anh em mình gặp nhau nhé”. Tôi bảo “em ở đâu, anh chạy xe qua ngay”.
Ngày đó tôi vẫn còn đi chiếc xe gắn máy nhưng vui lắm. Hoài Linh chưa quen với công việc nên tôi hỗ trợ. Ban đầu, Linh cũng mới có ý định về thăm quê, vì chưa biết sân khấu Việt Nam thế nào, diễn ra sao. Rồi Linh nói muốn định cư, tôi chở đi xem đất.
Hai anh em ngồi trên chiếc honda rong ruổi khắp nơi để tìm được mảnh đất vừa túi tiền. Hồi đó còn nghèo nên cũng chỉ mua mảnh đất nhỏ. Từ đó, anh em gắn bó với nhau dù không nhiều cơ hội diễn chung. Tôi cần gì gọi điện Hoài Linh hỗ trợ, Linh cần gì tôi cũng sẵn sàng giúp.
Giờ đây Hoài Linh vẫn duy trì được sức hút, Tấn Beo lại thờ ơ với thời cuộc. Có người cho rằng mối quan hệ của 2 anh không còn như trước. Anh nói sao về điều này?
Lúc đầu tôi cũng nghĩ sao tự nhiên em nó qua mặt mình lẹ vậy, khán giả cũng yêu mến nó nhiều hơn nữa. Tôi bắt đầu suy nghĩ mình diễn sao để công chúng còn khen. Người ta nói Hoài Linh số 1, Tấn Beo số 2 nhưng đó chỉ là con số, vị thế không thật sự quan trọng.
Tôi không ngại so sánh vì đồng nghiệp với nhau không tránh khỏi điều đó, không riêng gì Hoài Linh đâu. Quan trọng anh em hiểu với nhau thôi. Tôi đã được nhiêu đó rồi thì tới Hoài Linh. Khán giả cho chén cơm, tôi ăn được phân nửa thì mấy anh em ăn chung, nghệ sĩ phải chia nhau mà sống.
Nhưng có tin đồn nói rằng sau này Hoài Linh đi đâu cũng có một đoàn người như tùy tùng, vậy nên Tấn Beo mới không còn thân thiết nữa?
Tôi và Linh đã hiểu tính nết nhau rồi nên dù người ngoài có cố gắng thế nào cũng không làm sứt mẻ tình thân của anh em. Tôi đảm bảo Linh không có tính xấu đó với tôi, và tôi cũng vậy.
Nếu có chuyện gì, tôi nói thẳng với Hoài Linh, không đôi co với người ngoài. Trong nghề này, tối kỵ nhất hạ đồng nghiệp để làm bấc thang cho mình bước lên.
Giới showbiz hiện này thường dùng những cụm từ như “sớm nở tối tàn”, “trở mặt nhanh như chớp”, “bằng mặt không bằng lòng”… để nói về tình bạn. Nhìn lại tình đồng nghiệp của thời trước, anh thấy điều gì khác biệt?
Showbiz giờ bắt đầu có đấu đá chứ thời tôi với Hoài Linh giúp nhau không hết, miếng ăn còn không có, lấy đâu ra thời gian đâu mà tranh giành. Những người giờ lên mặt báo chửi nhau qua lại, vạch áo cho người xem không phải nghệ sĩ đâu. Thế hệ trước đã phải lao động cực khổ để xóa bỏ định kiến “xướng ca vô loài”.
Nhưng sau này các em trẻ lại dùng chiêu trò, công nghệ PR rẻ tiền để khi nhắc đến nghệ sĩ, quần chúng lại bảo “con này, thằng kia” khiến không ít người bị ảnh hưởng theo. Ngày đó tình nghệ sĩ gắn bó lắm, không như bây giờ.
Vậy nên ngày Phước Sang gặp nạn, cũng vì tính “hiệp sĩ” mà anh đứng ra gánh nợ 2 tỷ thay cho bạn. Anh có thể kể rõ hơn về mối thân tình với Phước Sang?
Tôi tuyên bố đứng ra gánh nợ dù thú thật lúc đó tôi không có tiền. Chỉ vì tôi không muốn bạn của mình bị người ta sỉ nhục, kiện tụng. Nếu lúc đó người ta quay qua đòi tiền tôi, chắc tôi trốn luôn vì làm gì có tiền (cười to).
Tôi muốn cứu vãn tình thế cho Phước Sang lúc đó. Nhưng việc đòi nợ của vị doanh nhân đó cũng có uẩn khúc nên họ không gọi cho tôi. Tất nhiên, họ đòi tôi phải trả nhưng tôi không có đủ 2 tỷ ngay. Tôi sẽ kêu gọi anh em, bạn bè cùng giúp Phước Sang qua cơn hoạn nạn. Thật sự lúc đó tôi “nổ” nhưng vì để cứu bạn mình, tôi không còn cách nào khác.
Giới nghệ sĩ hay gọi Tấn Beo là “anh Ba” hay “đại ca đường phố” vì ngưỡng mộ nghĩa khí của anh. Chuyện tình nghĩa của anh và bạn bè trong showbiz ra sao?
Tính tôi từ xưa đến giờ vẫn vậy, không thích màu mè hay phô trương. Nghệ sĩ diễn trên sân khấu vốn đã không thật rồi, về nhà phải cởi vẻ ngoài ra để cuộc sống thoải mái hơn.
Tôi có thể tự tin nói, từ anh em nghệ sĩ đến khán giả, tôi chưa hề mích lòng ai. Giới đồng nghiệp, từ đàn anh đến đàn em, ai gặp khó khăn tôi đều sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng tôi không thích lên báo vỗ ngực xưng danh về điều đó.
Khán giả cũng thường xuyên gọi cho tôi, họ bảo ngày xưa Tấn Beo lưu diễn có ăn cơm nhà anh chị, nay họ vào Sài Gòn làm ăn và gặp khó khăn nên tìm đến tôi. Có thể tôi không giúp họ được nhiều, nhưng phải gặp và mời họ miếng cơm.
Ngày xưa mình ăn được thì giờ phải trả tử tế. Có nhiều người tôi còn không nhớ nhưng họ đã tìm đến mình thì nhất định mình phải làm tròn ơn nghĩa ấy. Có thể tôi không giàu tiền bạc bằng người ta nhưng tình nghĩa đủ nuôi sống tôi cả đời này.
Song, tôi không thích kiểu bành trướng thế lực, ép nhà sản xuất hay nghệ sĩ phải làm theo ý mình. Tôi sống thế nào, mọi người đáp lại thế đấy, khi gặp nhau ai cũng gọi bằng “anh Ba Beo” là vì thế.
Và Tấn Beo cũng là người sẵn lòng bảo vệ đàn em nếu họ bị hiếp đáp. Anh không sợ mích lòng sao?
Trong giới showbiz, tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp “ma cũ ăn hiếp ma mới”, thậm chí là hăm dọa. Người bị ăn hiếp lại hiền quá, tôi bèn đứng ra bênh vực.
Từ xưa đến nay, cứ nghe trong sân khấu ai bị áp bức là tôi nổi máu. Tôi rất ghét chuyện đó, tôi sẽ hỏi thẳng người ta làm gì mà ăn hiếp. Cuộc đời này còn dài lắm, hôm nay đối xử với họ thế này, chắc gì ngày mai mình không nhờ vả họ?
Tôi hiền thật, nhưng ai muốn chơi gì tôi chơi đó. Cái này gọi là “xiềng xích nô lệ”, tôi chứng kiến nhiều lắm rồi nhưng em út còn nhỏ nên không thể nào “tức nước vỡ bờ” thì để tôi.
Nhưng tôi cũng không phải kiểu hồ đồ, mỗi lần ai đó “mắng vốn” người này người kia, tôi đều tìm đến 2 bên để giải quyết khách quan hơn.
Thậm chí, với Tấn Bo cũng vậy. Nếu em tôi nói bị ai đó ăn hiếp, tôi hỏi họ thật rõ ràng rồi nói không nên đối xử với em tôi như vậy. Nếu nó sai, cứ nói với tôi để tôi còn dạy lại em mình.
Tấn Beo từng trải qua những năm tháng cơ cực nhất để trưởng thành và nổi tiếng. Nhưng làng giải trí hiện nay có người chỉ sau một đêm thành sao, hoặc nhờ scandal mà đắt show. Cuộc đời dường như bất công với anh và những thế hệ cha chú của anh?
Bây giờ các em may mắn hơn thời chúng tôi. Ngày xưa, các bậc cha chú và tôi phải đi đến các vùng sâu vùng xa cho khán giả thấy mình. Họ là người đánh giá tài năng, thực lực của nghệ sĩ.
Chúng tôi diễn phải để lại dấu ấn cho người xem, từ đó họ truyền miệng rằng người này diễn hay, người kia diễn dở. Vì thiếu công nghệ nên sự nổi tiếng của nghệ sĩ bằng con đường truyền miệng có hơi chậm.
Còn bây giờ công nghệ tiến bộ, ở đâu làm nghề cũng được, làm nhiều thứ rồi may mắn khán giả thích tài lẻ nào đó các em sẽ nổi tiếng. Hồi đó không có TV, bây giờ các em được YouTube, mạng xã hội hỗ trợ. Khán giả muốn xem các em lúc nào cũng được. Lớp nghệ sĩ chúng tôi thiệt thòi nhiều lắm.
Nhưng ngày xưa nghệ sĩ sống khép kín lắm, không bao giờ phơi bày đời sống riêng tư vì sợ bị công chúng tẩy chay. Lương tâm của nghệ sĩ không cho phép bản thân bộc lộ quá nhiều. Khi tâm trạng nghệ sĩ không vui, không bao giờ họ diễn hay được.
Bây giờ nghệ sĩ cởi mở hơn, khán giả cũng thấy gần gũi hơn nhờ mạng xã hội. Nhưng scandal của nghệ sĩ cũng từ đây mà ra. Rất nhiều người trẻ thích “vạch áo cho người xem lưng”.
Là một nghệ sĩ chân chính, kiếm sống bằng tài năng và lòng hâm mộ của khán giả, anh nghĩ thế nào về đồng tiền? Mức cát-xê nào lớn nhất anh từng nhận được?
Nghệ sĩ lúc đó muốn nổi tiếng để có nhiều show, cát-xê cao hơn. Khi tôi có danh tiếng rồi, tôi giúp lại nhiều người. Nếu họ cần Tấn Beo, mà tôi lấy cát-xê tôi cao quá họ sẽ buông. Thà tôi nhận ít hơn một chút để phục vụ cho đông đảo quần chúng, đáp lại tình thương của khán giả thì thích hơn.
Ước nguyện của tôi là đời này đứng trên sân khấu phục vụ công chúng. Nên nếu bầu show khó khăn, tôi đều san sẻ cát-xê của mình để khi mình có cơm ăn, họ cũng có cháo húp.
Cát-xê của tôi rất vô chừng, tùy vào show lớn nhỏ để mình nhận mức hợp lý. Tôi nhớ có một lần, gia chủ mời Tấn Beo đến dự tiệc và diễn hài. Cát-xê họ trả không cao nhưng bất ngờ ở chỗ, đêm đó nhiều khán giả thương nên đến chụp với tôi tấm hình rồi tặng một phong bì nói “gửi cho các cháu ở nhà”. Mà hôm đó rất nhiều người đến tặng theo kiểu tình thương vì họ đâu biết cát-xê mình nhận bao nhiêu.
Đó là tấm lòng của khán giả nên người ta đưa bao nhiêu tôi đều nhận hết, đó là cái lộc của khán giả cho mình. Về nhà khi nhớ lại, tôi mở bao thư ra xem thì tôi không ngờ số tiền lì xì lại nhiều hơn cát-xê tôi nhận. Tôi quá bất ngờ vì nó ở mức tột đỉnh. Mà không phải nghệ sĩ nào cũng nhận được.
Nhưng cũng có nhiều gia đình, họ mời tôi đến diễn và trình bày gia cảnh. Thật ra họ không nhiều tiền, nhưng vì yêu mến Tấn Beo mới đánh liều. Những lúc như vậy, tôi nói gia đình cứ yên tâm, tôi chỉ nhận tiền xăng đổ xe thôi. Tôi đều vui vẻ vì trả ơn cho khán giả yêu mến mình.
Mọi người đều biết, nhóm hài Tấn Beo - Tấn Bo tan vỡ vì anh không chịu nổi tính khí lề mề, không tận tâm của em trai. Nhưng anh lại có 3 cậu con trai rất ngoan, được rèn rũa cẩn thận. Anh quan niệm thế nào về việc uốn nắn một con người?
Ai cũng muốn cho con mình theo con đường tốt của ông bà, ba mẹ. Nếu tôi giữ chức giám đốc, con tôi sẽ làm kế toán hoặc thủ quỹ vì không khó để đưa vào. Nhưng nghệ thuật phải có “máu”, không phải cứ học hành, có bằng cấp sẽ thành công. Nghệ sĩ khác với người kinh doanh là vậy.
Ngày trước, ba mẹ tôi sinh ra 3 người con, dù không hát cải lương hay như ba nhưng chúng tôi đều có âm vực. Bây giờ dường như do thức ăn hay sao mà 3 đứa con của tôi đều không có hơi.
Nhưng nhìn lại, tôi cũng đã huấn luyện cho chúng thành người rồi. Có thể mình không bằng ai, nhưng con cái ngoan ngoãn, không phá làng phá xóm là đủ vui rồi.
Nhiều người bảo Tấn Beo bình dân lắm trong khi giới nghệ sĩ giờ vốn chuộng hình thức. Anh không ngại người ta nói mình quê mùa sao?
Tôi có đủ mọi thứ mà mọi người cho là thời thượng vì bạn bè tặng tôi nhiều lắm. Nhưng tính tôi không thích bon chen hay đua đòi về hình thức. Tôi mặc quần short, áo thun và chạy xe máy nhưng tôi không làm phật lòng khán giả yêu mến mình thì điều đó còn giá trị hơn bộ đồ hàng hiệu. Giá trị con người là vô giá, giá tiền của trang phục không đo lường được.
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!