Cuộc đời thăng trầm của dàn diễn viên 'Biệt động Sài Gòn' sau 36 năm
36 năm kể từ khi "Biệt động Sài Gòn" lên sóng màn ảnh, cuộc đời của dàn diễn viên trong phim đã có nhiều bước ngoặt.
Biệt động Sài Gòn dài 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em, phát sóng năm 1986 do Long Vân đạo diễn, tái hiện lại những sự kiện nổi bật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời điểm đó, bộ phim là điểm sáng của điện ảnh nước nhà, lập kỷ lục phòng vé và đưa tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như Quang Thái, Thúy An, Thương Tín, Hà Xuyên, Hai Nhất, Thanh Loan,… đến gần hơn với công chúng. Hơn 4 thập kỷ trôi qua, Biệt động Sài Gònvẫn luôn được yêu thích. Cuộc đời của dàn diễn viên trong phim cũng có nhiều đổi thay.
Thương Tín
Vai Sáu Tâm - người lính biệt động Sài Gòn là vai để đời trong sự nghiệp của Thương Tín. Thời hoàng kim, ông là cái tên được săn đón nhất màn ảnh, lập kỷ lục là nam diễn viên đóng nhiều phim nhựa nhất trong 1 năm.
Ông từng kể: “Kỳ lạ là khi vào vai Sáu Tâm trong "Biệt động Sài Gòn" tôi đóng tưng tửng, lơ là nhất nhưng tiếng vang lại quá lớn. Cuộc đời làm phim cũng có cái lạ lùng, nhiều vai tôi tâm đắc, dồn tâm trí vào lại không được biết đến nhiều, trong khi nhân vật Sáu Tâm yêu cô bán cháo vịt Ngọc Lan (Thúy An) cứ được khán giả nhắc mãi.
Tôi nhớ năm "Biệt động Sài Gòn" chiếu lần đầu ở Hà Nội, 6 rạp phim lớn nhất Thủ đô đều đông kịt người, chen lấn đến nỗi cửa rạp bị đạp vỡ cả. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy điện ảnh có uy đến thế".
Từ một nghệ sĩ được người đời ngưỡng mộ, Thương Tín nhận lại nhiều sự chỉ trích và quay lưng vì lạc vào con đường “đỏ đen”, sự nghiệp “tụt dốc không phanh”.
Ở tuổi xế chiều, ông gặp nhiều khó khăn về kinh tế khi phải lo cho vợ trẻ và con nhỏ. Một thời gian, ông nhập viện vì đột quỵ và được NSƯT Trịnh Kim Chi kêu gọi giúp đỡ. Tuy nhiên, cả hai lại vướng vào vụ ồn ào nhập nhằng tiền bạc quyên góp từ nhà hảo tâm.
Sau những ồn ào, Thương Tín thường lui về quê với mẹ già, vợ con. Ông có thể sẽ trở lại thành phố nếu được mời đóng phim vì ông vẫn dành cho nghệ thuật tình yêu lớn.
NSƯT Thanh Loan
Đảm nhận vai ni cô Huyền Trang, NSƯT Thanh Loan phải hy sinh mái tóc dài của mình để phục vụ cho khán giả. Đây cũng là vai diễn cuối cùng trong sự nghiệp diễn xuất của nữ nghệ sĩ. Bà chọn cách vắng bóng dần trên màn ảnh với lý do "vì sợ không có vai nào vượt qua được ni cô Huyền Trang nữa".
“Ngày xưa chúng tôi đóng phim cầu kỳ lắm. Chẳng hạn, khi được mời đóng vai Ni cô Huyền Trang, tôi phải có thời gian đọc kỹ kịch bản, thậm chí còn phải có quá trình phân tích lý lịch và mối quan hệ quá khứ, hiện tại, tương lai của nhân vật. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn phải trực tiếp đến gặp các nguyên mẫu là những chiến sĩ biệt động Thành năm xưa để lắng nghe, quan sát và nắm bắt tâm tư - tình cảm của họ khi hoạt động cách mạng.
Qua những lần trò chuyện đó, các nghệ sĩ sẽ có thêm nhiều vốn thực tế cũng như tư liệu lẫn cảm xúc để lấp đầy cho vai diễn. Với người nghệ sĩ khi được hóa thân vào một vai diễn có nhiều đất diễn cho mình thể hiện thì đó là một may mắn”, NSƯT Thanh Loan tâm sự.
Vai diễn ni cô Huyền Trang của nữ nghệ sĩ Thanh Loan để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả với vẻ đẹp đằm thắm, thánh thiện
NSƯT Thanh Loan kết hôn năm 23 tuổi với chồng là tiến sĩ khoa học về Công nghệ Thông tin, hơn 10 tuổi. Có thời gian bà chuyển sang học đạo diễn và đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Công an.
Hiện, NSƯT Thanh Loan sống bình yên, hạnh phúc bên con cháu tại Hà Nội. Bà dành nhiều thời gian cho các cháu nội, ngoại, tập yoga, làm công việc thiện nguyện sau khi nghỉ hưu.
Nghệ sĩ Hà Xuyên
Hà Xuyên vào vai Ngọc Mai - chiến sĩ tình báo có bí danh Z20 và là bà vợ đài các cặp với trùm tình báo Tư Chung. Trước đó, bà đã gây được ấn tượng qua bộ phim Xa và Gần - vai cô kỹ sư Hà rất giản dị người Hà Nội.
Nhận được vai từ đạo diễn Long Vân, Hà Xuyên lo lắng vì nhân vật và bà không hề ăn nhập với nhau. Bà đọc sách văn học rất nhiều để hình thành tính cách nhân vật trong đầu.
Xinh đẹp, tài năng nhưng bà lại lận đận trong tình duyên. Nghệ sĩ Hà Xuyên kết hôn năm 20 tuổi với chồng khi ấy là nhạc trưởng Đoàn ca múa Thái Bình, sinh được hai người con, một trai, một gái.
Sau khi ly hôn, bà làm mẹ đơn thân. Nghỉ hưu, bà thi thoảng xuất hiện trên sóng truyền hình và dành nhiều thời gian cho hoạt động từ thiện.
Cố NSƯT Bùi Quang Thái
Cố NSƯT Quang Thái gắn liền tên tuổi với vai diễn ông trùm tình báo Tư Chung. Ông vốn là nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng ở Hà Nội trong thập niên 1970-1980 trước khi rẽ ngang sang đóng phim truyện.
Vào vai trùm tình báo Tư Chung, ông đã 45 tuổi và vẫn rất thu hút khán giả nhờ ngoại hình cao ráo, gương mặt lãng tử, rất phù hợp với một tư lệnh trưởng mưu trí, dũng cảm.
Ông trải qua hai đời vợ nhưng họ đều mất sớm. Tháng 6/2019, ông qua đời tại Hà Nội vì căn bệnh tai biến, hưởng thọ 83 tuổi.
Diễn viên Hai Nhất
“Kẻ phản bội” Ba Cẩn đem lại tiếng tăm cho nghệ sĩ Hai Nhất. Cuộc đời nghệ sĩ của ông gắn liền với hàng loạt vai phản diện khét tiếng và tham gia nhiều bộ phim như Kẻ giấu mặt, Con gái ông trùm, Tên cướp đêm vượt biên máu lạnh…
Ở tuổi 72, Hai Nhất không còn hoạt động nghệ thuật mà chuyển sang nghề nuôi yến. Cách đây 3 năm, trong chương trình Ký Ức Vui Vẻ, nghệ sĩ Hồng Vân từng tiết lộ: “Anh Hai Nhất ở ngoài rất giàu, ông chủ bự nhưng vì đóng vai phản diện quá đạt nên chúng tôi sợ không dám lại gần”.
Diễn viên Aly Dũng
Aly Dũng vào vai người lính trong Biệt động Sài Gòn. Nam diễn viên là con lai, mang 2 dòng máu Việt - Ả Rập Xê-út. Ông từng tham gia nhiều đoàn kịch nổi tiếng như Cửu Long Giang, Kim Cương, Bạch Lan, đoàn kịch Vui và nhận nhiều dạng vai khác nhau nhưng chỉ là vai phụ.
Hiện, Aly Dũng sống một mình ở căn hộ 9 m2 tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, ông vẫn dành tình yêu cho nghệ thuật. "Tôi vẫn sẽ ráng sống, bám vào nghề để có niềm hạnh phúc, để quên đi những nỗi đau. Tôi mong được sống với nghề đến hơi thở cuối", ông tâm sự.
Nguồn: [Link nguồn]
Hình ảnh của Bảo Ngọc nhận về nhiều chú ý từ dân mạng.