Chủ hit "Ngắm hoa lệ rơi" hát đám cưới cát-xê hơn 200 triệu đồng

Theo chủ nhân hit "Ngắm hoa lệ rơi" sân khấu đám cưới không sang trọng, nghệ sĩ nhận lời hát phải đánh đổi danh dự nên thường hét giá cát-xê rất cao.

Video Châu Khải Phong chia sẻ về cát-xê hát đám cưới.

Châu Khải Phong được khán giả biết đến qua các ca khúc nhạc thị trường, đánh trúng tâm lý của giới trẻ như Anh thích em như xưa, Let's go, Chỉ yêu mình em... Sau hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật, dù ít xuất hiện nhiều trên truyền thông nhưng tên tuổi Châu Khải Phong nóng trên mạng xã hội khi các sản phẩm đều hút hàng chục triệu lượt xem, lọt vào các bảng xếp hạng.

Mới đây, MV Ngắm hoa lệ rơi của nam ca sĩ hút gần 7 triệu lượt xem sau 1 tuần ra mắt. 

Chủ hit "Ngắm hoa lệ rơi" hát đám cưới cát-xê hơn 200 triệu đồng - 1

Châu Khải Phong đang gây chú ý qua ca khúc Ngắm hoa lệ rơi.

Từng đi phụ hồ, bưng gạch thuê... kiếm sống

- Khán giả cho rằng nhờ hiện tượng livestream Hoa Vinh và nhiều bản cover khác trên mạng nên ca khúc Ngắm hoa lệ rơi của anh mới hot trở lại, dù đã ra mắt từ năm 2017. Anh thấy sao về điều này?

- Tôi phải cảm ơn Hoa Vinh rất nhiều bởi không có cậu ấy thì Ngắm hoa lệ rơi không bao giờ hot như vậy. Khi phát hành năm 2017, ca khúc này không phải không có người nghe nhưng để thành hiện tượng thì phải nhờ Hoa Vinh cover lại. 

Để khán giả nghe nhạc của tôi, bản thân tôi nghĩ cần nhất là sản phẩm phải chất lượng. Không phải ngẫu nhiên mà Châu Khải Phong được khán giả yêu mến trong 10 năm qua. Nếu tôi là hiện tượng thì chắc chắn người ta chỉ biết đến tôi ở năm 2010 - khi phát hành ca khúc Anh thích em như xưa nhưng bây giờ tôi vẫn chạy show đều trong và ngoài nước. Tôi nghĩ mình vẫn có những đối tượng khán giả riêng và trung thành. Còn vấn đề để bài hát đến với khán giả ngoài chất lượng, bản phối thì rất cần sự may mắn và đúng thời điểm.

- Các nghệ sĩ thường có nhiều chiêu trò, thậm chí là scandal để đánh bóng tên tuổi trong khi anh hoạt động ca hát hơn 10 năm nhưng tên tuổi rất ít xuất hiện trên truyền thông. Tại sao lại như vậy?

- Tôi có 2 ước mơ lớn nhất trong cuộc đời là thoả được ước mơ ca hát và giúp bố mẹ thay đổi cuộc sống. Trước đây tôi chưa thấy bố mẹ sống sướng được một ngày. Vì vậy, tôi miệt mài làm việc bằng công sức thay vì nghĩ chiêu trò để được truyền thông chú ý. Tôi dùng sản phẩm để nhận lại sự quan tâm của khán giả. Đến bây giờ tôi đã thực hiện được ước mơ là xây được nhà cho bố mẹ, sắm sửa đầy đủ và bố mẹ không phải vất vả nữa. 

Về cá nhân tôi hiện vẫn đi hát, thu nhập kiếm được bản thân tự lo cho tương lai. Song tôi vẫn phải cố gắng rất nhiều trong công việc và cuộc sống chứ không thể chững lại được. 

Chủ hit "Ngắm hoa lệ rơi" hát đám cưới cát-xê hơn 200 triệu đồng - 2

Trước khi đi hát, Châu Khải Phong từng làm nhiều nghề để kiếm sống.

- Như anh chia sẻ gia cảnh quá khứ rất khó khăn, vậy cơ duyên nào giúp anh trở thành ca sĩ?

- Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nghệ An. Thời đó, trào lưu của giới trẻ là đều muốn trở thành cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Tuy nhiên, bố mẹ tôi không đồng ý cho con theo nghề đá bóng vì quá gian nan. Tôi cũng chưa từng dám nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ, mọi thứ đến đều như một cơ duyên. 

Tôi nhớ mãi câu nói của mẹ rằng: "Dù gia đình mình có nghèo cỡ nào, mẹ vẫn cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn". Không ai nghĩ cái tên Lê Minh Thuận ngày xưa trở thành Châu Khải Phong và được nhiều người biết đến như bây giờ. 

Sinh ra trong gia đình lao động nên tôi từng làm mọi việc như chăn nuôi, trồng trọt... Có những thời gian rảnh rỗi không đi học tôi còn đi phụ hồ, bưng gạch, làm thuê... kiếm mỗi ngày mấy chục nghìn đồng, về phụ giúp bố mẹ. 

Năm 2006, khi sắp học hết chương trình phổ thông tôi có tham gia một số cuộc thi tiếng hát học sinh - sinh viên và đạt được một số giải thưởng. Thầy cô và bạn bè ai cũng khuyên tôi nên thi vào trường văn hoá, nghệ thuật thì sẽ đúng sở trường. Sau đó tôi đỗ vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. 

- Theo đuổi nghệ thuật ngoài tài năng phải có nhiều chi phí để đầu tư. Anh có nghĩ một chàng trai nhà quê như anh từng quá liều?

- Trong quá trình học và đi làm tôi mới ngộ ra theo đuổi con đường ca hát phải gặp vô vàn khó khăn, không như những gì mọi người nghĩ sẽ được trải đầy hoa hồng. Hát ở đoàn nhà nước, một nghệ sĩ phải kiêm nhiều việc. Có rất nhiều lần khi tôi bước lên sân khấu hát được nhiều người yêu mến thì khi bước xuống sân khấu tôi chảy nước mắt vì cuộc sống quá khó khăn. Tôi phải bê loa, dựng sân khấu, chuẩn bị trang phục, làm mọi thứ giữa trời mưa. 

Năm 2007, tôi tham gia cuộc thi Liên hoan tiếng hát truyền hình miền Trung và đạt giải nhì. Tuy thành tích không lớn nhưng đó là bàn đạp, giúp tôi tự tin ra Bắc lập nghiệp và theo đuổi dòng nhạc trẻ. Sau 3 năm ca hát tại miền Bắc, tôi phát hành ca khúc Anh thích em như xưa và trở thành hit. Ca khúc đó tôi không đầu tư nhiều nhưng đánh trúng được tâm lý giới trẻ thời bấy giờ. 

Thời điểm vào Nam lập nghiệp tôi gặp nhiều khó khăn vì một thân một mình giữa đất khách. Tôi nhận lời đi hát mọi sân khấu từ bar, hội trợ, đám cưới... để có thu nhập và nuôi tên tuổi. Dần về sau, tôi quen cuộc sống ở Sài Gòn và tạo dựng được các mối quan hệ trong công việc.

"Ai bảo sân khấu hội chợ rẻ tiền là sai lầm"

- Thời gian qua, từ sự việc ca sĩ Châu Việt Cường dùng chất cấm dẫn đến cái chết của một cô gái trẻ đã khiến nhiều khán giả có cái nhìn e dè với các ca sĩ hội chợ... Anh nghĩ sao về điều này?

- Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau. Trong giới giải trí, nếu ai không đủ bản lĩnh thì rất dễ bị sa ngã. Không chỉ trong giới nghệ thuật, mọi người trong cuộc sống ai cũng từng phải dối diện trước cám dỗ ma tuý, thuốc lắc, chất kích thích... Đi hát ở bar, khán giả mời rượu, tôi không thể biết trong đó họ pha gì vào. Cách xử lý của tôi là vẫn lịch sự nhép môi. Diễn xong tôi tìm cách ra về thật nhanh. Thậm chí có những quý bà, quý ông thuộc thế giới thứ 3 gạ gẫm tôi nhưng bản thân luôn chuẩn bị tâm lý đối diện và sẽ có cách xử lý từng tình huống một cách êm đẹp, không lớn tiếng hay vũ lực.

Nhiều ca sĩ hạng A như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm... vẫn đi diễn hội chợ bình thường. Vấn đề ở đây là các chương trình hội chợ được tổ chức ở đâu. Thường sẽ được tổ chức ở các thành phố lớn với số lượng từ 10.000 đến 15.000 khán giả thì mới đủ kinh phí chi trả cát-xê cho nghệ sĩ. Ở những tỉnh thành nhỏ lẻ, bầu show sẽ chọn những ca sĩ tên tuổi ít hot hơn. Tuy nhiên, trong chương trình đó vẫn phải cần một vài ca sĩ tên tuổi để kéo khách.

Cá nhân Châu Việt Cường vướng vào vòng lao lý tôi nghĩ do xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là sai lầm của Cường nên tôi không thể phán xét điều gì. Và tôi hy vọng khán giả cũng không dùng một cá nhân để quy chụp một tập thể. 

Chủ hit "Ngắm hoa lệ rơi" hát đám cưới cát-xê hơn 200 triệu đồng - 3

Châu Khải Phong hát tại một hội chợ với sân khấu đầy đủ ánh sáng, đèn led...

- Các ca sĩ gắn mác hội chợ thường bị khán giả không xem trọng. Anh suy nghĩ sao về điều này?

- Từ xưa đến giờ, đa số khán giả quan niệm sân khấu hội chợ là thấp nhất, rẻ tiền nhất so với các sân khấu khác. Tuy nhiên nếu khán giả nào đã từng đến xem thì sẽ có suy nghĩ khác. Sân khấu hội chợ vẫn có đèn led, có bảo vệ, âm thanh, ánh sáng chỉn chu, đủ tiêu chí để ca sĩ hát. Thậm chí tôi thấy sân khấu hội chợ còn hơn nhiều sân khấu sự kiện khác.

Những chương trình tôi nhận hát rất nhiều dạng. Ngoài đi hát hội chợ tôi còn hát bar, sự kiện, gameshow, lưu diễn nước ngoài và thậm chí là hát đám cưới. Tôi không chê bất cứ một sân khấu nào vì có đi hát thì khán giả mới biết đến mình nhiều hơn. 

Nhiều ca sĩ đi hát hội chợ gặp nhiều tai nạn như lật xe, bị khán giả đuổi đánh... May mắn tôi chưa từng gặp trường hợp như vậy. Trên hết, cá nhân tôi luôn biết vị trí của mình ở đâu. Không chỉ đến hát xong rồi về, tôi còn quan sát từng con người để tập thích nghi với từng môi trường. Tôi nghĩ mình cứ làm việc nghiêm túc thì khán giả sẽ trân trọng và không ai làm hại mình. 

Chủ hit "Ngắm hoa lệ rơi" hát đám cưới cát-xê hơn 200 triệu đồng - 4

Châu Khải Phong, Mỹ Tâm và Khang Việt. Anh cho biết, các sao hạng A như Mỹ Tâm, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng... vẫn đi diễn sân khấu hội chợ.

- Nhiều ca sĩ tiết lộ đi hát đám cưới với cát-xê hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tiền tỷ. Cá nhân anh có từng "hét giá" khi nhận lời hát đám cưới không?

- Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường bởi ca sĩ đã đánh đổi danh dự để hát đám cưới. Từ trước đến giờ những chương trình nào sang trọng, truyền thông tốt, giúp tên tuổi nghệ sĩ sạch sẽ hơn thì bao giờ giá cát-xê cũng thấp hơn. 

Ca sĩ đi hát đám cưới hầu như mọi người sẽ nghĩ rằng: "Tại sao lại đi hát đám cưới, thiếu gì sân khấu hay vì tên tuổi chỉ đến mức đó thôi". Vì vậy, chỉ có một cách để ca sĩ nhận được sự tôn trọng từ những người làm việc là phải lấy giá cát-xê cao để xứng đáng với công sức và sự đánh đổi bỏ ra.

Có những đại gia mời tôi đi hát nhưng bản thân không muốn nhận vì vướng phải nhiều show khác. Vì vậy tôi báo giá cát-xê thật cao để họ không mời mình nữa. Tuy nhiên có khi họ lại chấp nhận giá cát-xê đó nên tôi nghĩ chắc họ thích và trân trọng mình lắm nên đã đồng ý để đáp lại tình cảm. Tôi từng đi hát nhiều đám cưới tỉnh và nhận cát-xê từ 150 triệu đến hơn 200 triệu đồng. Show đám cưới như vậy không nhiều, mỗi năm tôi nhận từ 1-2 show, có khi vài năm mới có 1 show vì không phải ai cũng nhiều tiền để trả cho mình như vậy. 

Nguyễn Phi Hùng: Tên tuổi không còn đình đám, cát-xê vẫn cao không tưởng

Không còn ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng tần suất chạy show của Nguyễn Phi Hùng không kém bất kỳ ngôi sao nào, mức cát-xê...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Trai Úc ([Tên nguồn])
Châu Khải Phong Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN