Bộ ba "lắm lời" phạm luật Youtube khi lăng mạ nghệ sĩ?
Youtube ghi rõ nguyên tắc tạo ranh giới cho người dùng. Với "Bitches in town", ranh giới đã vượt ngưỡng.
Đời sống giải trí Việt Nam lâu lắm rồi mới lại có một talkshow gây được chú ý đến thế, bất chấp sự chú ý ấy phần lớn mang tính tiêu cực. Trên sóng Youtube, Những kẻ lắm lời gồm ba nhân vật, một phụ nữ và hai người đàn ông cùng nhau mổ xẻ từ tủn mủn cái váy, cái ví, bó hoa, dáng đứng của nghệ sỹ cho tới rộng rãi bao la là cái gu văn hóa.
Ai cũng có thể là nạn nhân
Cần phải khẳng định, chê bai hay nhận xét theo hướng phê bình ai đó không phải là điều dễ dàng. Phần lớn cá nhân tồn tại trong xã hội đều có xu hướng tránh né và tỏ ra phiền lòng với những lời góp ý trực diện vào tồn tại của bản thân.
Thế nên, “lời chê không bằng cách chê”, chê để bày tỏ sự gằm ghè, hờn trách, “chê cho nó không ngóc đầu lên được” lại là một khía cạnh rất khác nữa. Hành vi khen và chê ai đó vì thế cũng luôn là một hành vi phải được đo lường hậu quả và dựa trên một tính toán ngôn từ, phương cách cụ thể.
Bộ ba dẫn dắt của "Những kẻ lắm lời"
Trước khi có Những kẻ lắm lời, một số trang điện tử đã sử dụng khá thành công phương án soi vào trang phục của nghệ sỹ, và đưa bình luận cá nhân về cách ăn mặc đó. Cuối cùng, bên cạnh những sao đẹp có cả những sao xấu, và không phải sao xấu nào bị điểm tên cũng chọn phương án “em chỉ biết câm nín nghe tiếng ai trách”. Tuy nhiên, cách thức nhắm vào "cái ăn, chỗ ở" của giới báo chí giải trí đối với nghệ sĩ Việt xưa nay vẫn dừng lại ở sự đánh giá, góp ý, và hầu như chưa có so sánh nào khiến nghệ sỹ mang cảm giác bị xúc phạm.
Còn nhớ hồi năm 2008, Mỹ Lệ -Thu Minh - MC Thanh Bạch từng cùng nhau tổ chức một cuộc họp báo nhằm bày tỏ thái độ khi bị đưa vào danh sách “Nghệ sỹ ăn mặc phản cảm” do một tờ báo bình chọn. Trước đó, những nghệ sỹ khác được chọn đứng vào danh sách này cũng đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối hệ thống xếp hạng nói trên.
Tuy nhiên, những ngôi sao cá tính ấy sẽ là may mắn hơn nhiều so với những nghệ sỹ không may trở thành “nhân vật bình luận” của bộ ba "lắm lời". Bởi không chỉ bỏ qua những đánh giá khách quan, êkip "bà tám" còn thực hành một hành trình vượt ngưỡng phê bình, mang yếu tố xúc phạm cá nhân bằng những ngôn từ thiếu tôn trọng.
Đỉnh điểm của "những bà tám showbiz" rơi vào nữ ca sĩ Đông Nhi. Dựa trên một bức hình được lấy trên mạng, êkip "lắm lời" cùng nhau bình phẩm bằng vô số ngôn từ khiến nhiều người không khỏi cảm thấy "ngứa miệng".
Mở đầu, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch nói: "Ngày xưa có Bạch phát ma nữ đúng không, ngày nay có Kim Mao sư vương, vàng từ đầu tới đ**, cầm cái bông cũng vàng”. Chưa hết, anh chàng nhà văn này còn bình luận: “Mặt Đông Nhi nhìn già quá, nhìn như bà ngoại Ông Cao Thắng chứ không phải vợ chồng hay tình nhân đâu”. Đáp lại, VJ Thùy Minh và stylist Lê Minh Ngọc bung ra những tiếng cười hết cỡ sảng khoái.
Bình luận về trang phục của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Lê Minh Ngọc còn khéo lo xa : “Bộ trang phục với cầu vai kim loại, ra đường sẽ bị sét đánh chết".
Và rồi mô-típ quen thuộc: "Một người bình, người còn lại rình để cười" theo đó diễn ra xuyên suốt tất cả các tập của Những kẻ lắm lời.
Mất ranh giới văn hóa
Nhìn lại bộ ba "linh hồn của talkshow", nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch từng là nhân vật gây chú ý trên cộng đồng mạng xã hội. Ngoài tư cách một người cầm bút, Nguyễn Ngọc Thạch còn thường xuyên có những bài review phim khá ấn tượng, chứng tỏ được sự sành nghề trong đánh giá. Tuy nhiên, thông qua những gì thể hiện trên trang cá nhân, có thể thấy Ngọc Thạch là một người khá phóng khoáng về ngôn từ.
Tần suất Nguyễn Ngọc Thạch công khai sử dụng những từ ngữ có yếu tố tục tĩu có thể xếp hàng số lượng "khủng", và đều là những từ độc, lạ. Sự xuất hiện của Thạch được coi là một mảng màu hợp lý cho talkshow "lắm lời", khi anh đưa ra những lời bình luận có yếu tố hài hước. Không may, thói quen dùng từ phóng khoáng của Thạch đã mang đến rủi ro cho chương trình. Khả năng kiểm soát ngôn từ còn non kém đã khiến Thạch buông ra một cách rất tự nhiên những từ ngữ phản cảm, khó phù hợp với môi trường phát ngôn, dù về bản chất, Bitches in town có fomat "nói thẳng chẳng sợ ai" .
Nguyễn Ngọc Thạch - nhà văn chuyên viết chuyện đồng tính
Đứng trước Nguyễn Ngọc Thạch, cái tên Thùy Minh là một MC có thương hiệu, nhưng trong chương trình này, bà mẹ đơn thân sinh năm 1983 lại đóng vai một cái máy cười. Thỉnh thoảng để khẳng định sự có mặt của mình, Thùy Minh chêm vào câu chuyện những câu "vô thưởng, vô phạt, vô duyên", thậm chí còn khó có sức nặng hơn hình ảnh một nhân vật phụ họa.
Stylish Lê Minh Ngọc cũng tỏ ra là một người có nghề trong những đánh giá của mình. Tuy nhiên Minh Ngọc bị quên mất điều cơ bản, đó là trong lúc anh mải mê phán xét trang phục của người khác bằng nhãn quan cá nhân, thì chính anh lại bị người xem đánh giá về trang phục "không giống ai".
Trong một tập "tám" chuyện mới đây, Nguyễn Ngọc Thạch đề cập đến kiểu mix đồ với tất trắng thiếu thẩm mỹ của Minh Ngọc. Ngay lập tức, thay vì thực hành công việc thường xuyên là đi chê bai người khác, Minh Ngọc dành rất nhiều thời gian để trình chiếu hình ảnh mẫu từ các nơi trên thế giới với kiểu trang phục, phối đồ tương tự. Khẳng định phong cách mình theo đuổi chính là xu hướng thế giới mà người Việt chưa kịp cập nhật, tuy nhiên "cái giật mình" của Minh Ngọc cũng phần nào chứng tỏ sự kém tự tin của bản thân về gu thẩm mỹ gắn mác stylish.
Lê Minh Ngọc - stylish cũng có lúc giật mình vì thẩm mỹ của chính mình
Thùy Minh cũng nằm trong danh sách bị chê về cách lựa chọn thời trang. Ngay trong lúc bình luận về trang phục xấu của nghệ sỹ, MC này đã phải đối mặt với lời nhắc của khán giả xem show khi thiết kế cô đang mặc khoe trọn vòng bụng có vẻ phì nhiêu của nữ chủ nhân.
Góp ý khác hoàn toàn lăng mạ
Giữa hai ranh giới một bên kịch liệt lên án chương trình, bên kia bao dung đồng cảm thì xu hướng phản đối vẫn chiếm ưu thế hơn cả. Những người đồng cảm cho rằng bản chất chương trình ngay từ đầu đã hướng đến việc tạo ra một không gian mở để mọi người cùng bàn luận, tám chuyện thoải mái. Tuy nhiên, cần nhớ rằng ngay cả trên môi trường Youtube cũng có những nguyên tắc giới hạn sự bộc lộ hành vi của người dùng.
Quy định về "Chính sách, an toàn và báo cáo" đăng tải công khai trên kênh Youtube định rõ hành vi quấy rối, trong đó những sản phẩm được coi là quấy rối người khác bao gồm: “Video, nhận xét, tin nhắn lăng mạ; Cố ý đăng nội dung để làm nhục người nào đó; Đưa ra nhận xét hoặc tạo video tiêu cực và gây tổn thương về người khác".
Như vậy, một không gian mở như Youtube bản thân nó cũng có những nguyên tắc riêng để cảnh báo, tạo ranh giới cho người dùng. Tuy nhiên với Bitches in town, ranh giới này đang trên đà vượt ngưỡng.
Góp ý, phê bình là hành động tích cực khi hướng đến việc làm cho người bị phê bình nhận thức điểm yếu và có thái độ thay đổi. Tuy nhiên, thật khó có lời phê bình theo kiểu châm chích đi kèm với những cười cợt mang tính chất châm biếm như những gì mà bộ 3 "lắm lời" đang thể hiện.
Nhưng xã hội “thiên hạ bao nhiêu kẻ lắm lời”, bản thân người đánh giá hành vi của "bộ ba chém gió" ấy, cũng đang biến mình trở thành kẻ lắm lời cũng nên?
Liên quan đến những phát ngôn sốc của MC và khách mời trong chương trình “Bitches in town”, trước hết, cần có sự tìm hiểu cơ bản. Đây là talkshow có format trong đó MC và khách mời bình luận về các sự kiện, nhân vật theo quan điểm cá nhân, nhiều khi mang tính châm biếm và giải trí. Do vậy, đầu tiên, có thể thấy, những phát ngôn gây sốc trong chương trình chính là một phần sức sống và điểm nhấn. Dưới góc độ pháp lý, hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nói ở mức độ nào thì bị coi là đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của một người khi bị nhắc tới. Thực tế, những người được nhắc tới trong các chương trình đó rất khó để chứng minh được rằng việc nhắc tên hay khen chê về cách ăn mặc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự và nhân phẩm của mình. Đây chỉ là sự định tính hay nói đúng hơn là do cách quan niệm riêng của mỗi cá nhân. Có người bị chê ăn mặc xấu thì đã coi là bị xúc phạm, nhưng có những người khi bị mắng họ lại coi đó là động lực để sửa sai, để phấn đấu. Trong trường hợp này, nếu để áp dụng một quy phạm pháp luật cứng nhắc để điều chỉnh theo tôi là rất khó. Tuy nhiên, xét dưới góc độ đạo đức xã hội, việc phát ngôn sốc trong chương trình có lẽ chưa phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt. Ông cha ta xưa đã có câu: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Khoan bàn đến tính đúng sai trong các câu chuyện, nhưng những phát ngôn kiểu “sốc” như trên rất có thể không đem lại sự hứng thú cho người xem mà còn gây ra nhiều hiểu lầm, nhiều tranh cãi trong dư luận. Đặc biệt, trong các cuộc trao đổi giữa MC, nhiều lúc mọi người đã đem cuộc sống riêng tư của một vài cá nhân ra soi mói, bàn luận, điều này tuy chưa được coi là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng có vẻ như nó không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam. Luật sư: Trần Tuấn Anh |