Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

 

“Em và Trịnh” là bộ phim điện ảnh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Theo số liệu trên Box Office Việt Nam, bộ phim đạt doanh thu hơn 77 tỷ đồng và hứa hẹn sẽ là bộ phim Việt Nam đầu tiên đạt cột mốc 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Avin Lu (đóng thời trẻ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) là một điểm sáng của phim. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ trò chuyện với chàng trai 9X về những điều thú vị xoay quanh việc hóa thân thành nhân vật kinh điển gắn với nhiều thế hệ khán giả này.

Avin Lu vẽ lại tuổi 19 của Trịnh Công Sơn: Viết 300 bức thư tình cho giai nhân đẹp nhất - 3
Avin Lu nói về những ý kiến tranh cãi xoay quanh “Em và Trịnh”

 

Avin đến với vai diễn Trịnh Công Sơn như thế nào?

- Tôi đọc được thông báo tuyển vai trên mạng một tuần trước khi hết hạn nộp hồ sơ. Tôi phân vân không biết có nên nộp hồ sơ hay không, vì khi đó tôi đang theo âm nhạc và có những đường hướng về âm nhạc. Tôi tự đặt câu hỏi cho mình là nếu may mắn nhận được vai Trịnh Công Sơn, hát nhạc của bác thì âm nhạc của mình sau này sẽ ra sao. Tôi đã suy nghĩ rất lâu.

Vào ngày cuối cùng, tôi mới nhờ bạn thân quay clip giới thiệu bản thân và gửi hồ sơ cho đơn vị casting. Từ cái duyên nọ dẫn đến cái duyên kia. Tôi không có tự tin gì cả và rất áp lực. Khi đậu casting online, tôi được nhận kịch bản. Thật ra không thể gọi là kịch bản, mà chỉ là một đoạn thư tình bác gửi từ B’lao cho cô Dao Ánh. Tôi cảm thấy mình làm không được bởi vì tôi chưa từng trải qua quá trình yêu xa cũng như cảm giác xa gia đình, xa bạn bè, xa người thân trong khoảng thời gian dài như thế. Từ lúc ấy, tôi cũng không biết có được gọi để casting vòng tiếp theo hay không nhưng tôi vẫn luôn chuẩn bị với tư thế sẵn sàng. Vì thế, tôi quyết định đi Đà Lạt. Nói chung là có vô vàn sự khó khăn từ đấy về sau.

Avin có lường trước áp lực cũng như các ý kiến trái chiều sẽ có khi thể hiện một hình tượng kinh điển?

- Ngay từ khi casting, tôi đã không để ý tới những điều đó, chỉ tập trung cho vai diễn, tập trung cho những điều mình cần, làm sao cho năng lượng của mình đối với vai diễn được thể hiện một cách tuyệt đối nhất. Tôi cảm thấy nếu mình quá chú ý vào những ý kiến đó ngay từ lúc đầu thì tôi đã không có đủ tự tin để thể hiện vai diễn một cách xuất sắc, hết mình nhất.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là, trong lòng mỗi người đều có một hình tượng Trịnh Công Sơn khác nhau. Mọi người đều chưa biết tuổi trẻ của bác như thế nào? Bác năm 19 tuổi sẽ ra sao? Những bài nhạc bác viết nằm trong hoàn cảnh nào? Tại sao nó lại ra đời trong hoàn cảnh đó? Qua phim, Avin Lu có cơ hội chứng minh, vẽ lại cho mọi người thấy tuổi trẻ của bác là như vậy. 

Hình tượng Trịnh Công Sơn trong cảm nhận của Avin có phải là Trịnh Công Sơn trong “Em và Trịnh” không?

- Hai hình tượng hoàn toàn khác nhau. Trước đó, tôi chỉ được nghe những bài nhạc của một người tên là Trịnh Công Sơn. Tôi không biết Trịnh Công Sơn là người như thế nào cả, nhưng tôi biết bài “Diễm xưa”, “Tuổi đá buồn” khi bố mẹ, ông bà bật nghe ở nhà. Vì thế, hình ảnh một Trịnh Công Sơn già, trầm tư, sâu lắng ở tuổi trung niên ghi ấn tượng sâu sắc trong cảm nhận của tôi. Nhưng cho đến khi phải nhập vai, tôi được cô Trịnh Vĩnh Trinh là em gái ruột của bác, nói về bác và cho tôi xem những hình ảnh của bác năm 19 tuổi. Lúc ấy, tôi mới vỡ òa là: “Trời ơi, năm 19 tuổi của bác hoàn toàn khác với suy nghĩ của mình”. Tôi rất vui khi biết thêm nhiều thông tin về bác. Đó cũng là lý do tôi muốn lan tỏa những năng lực tích cực về tuổi trẻ của bác đến khán giả. Tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn là như thế đó, rất hiếu động, rất nhiệt huyết, ngây dại và cũng rất bùng cháy.

Trịnh Công Sơn có nhiều bóng hồng nhưng thật ra lại rất cô đơn và có những diễn biến nội tâm phức tạp. Là một người trẻ, chưa yêu đương nhiều, anh lấy tư liệu từ đâu để diễn tả cảm xúc này?

- Để có thể chạm đến những cảm xúc đó, tôi đã quyết định lên Đà Lạt ở ẩn hai tháng để “tập cô đơn” giống bác Trịnh. Tôi chọn một homestay vắng vẻ. Hàng ngày tôi nghe nhạc, đọc tài liệu về cuộc đời, xem các bức thư tình bác đã viết… Sau đó tôi tập viết thư tay, nặn đất sét, đàn, hát, vẽ, sáng tác... Nói chung là trải nghiệm những gì bác đã từng làm để tái hiện lại cuộc đời bác một cách rõ nét, chân thật. 

Anh nói đã viết nhạc khi ở Đà Lạt. Đó là bài hát có giai điệu như thế nào? Anh có định phát hành trong thời gian tới không?

- Trong khoảng thời gian “ở ẩn” trên Đà Lạt, tôi đã dành cho bản thân và âm nhạc rất nhiều không gian riêng. Tôi không biết phải miêu tả về giai điệu như thế nào nữa, tôi chỉ viết một cách thật nhất, là chính tôi trong âm nhạc. Sắp tới chắc chắn tôi sẽ phát hành các ca khúc này nghiêm túc và chỉn chu nhất có thể. Mong là sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người.

 

Nếu khán giả cho rằng hình tượng Trịnh Công Sơn trong phim nhạt nhòa, thì một số người từng tiếp xúc với bác như NSND Bạch Tuyết, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh lại dành nhiều lời khen cho Avin. Anh nghĩ sao về điều này?

- Đối với tôi, đó là niềm vui không còn gì bằng. Avin không còn điều gì để nói nữa. Xét cho cùng vẫn có các ý kiến trái chiều nhưng vui hơn cả là được sự công nhận của gia đình bác và những người thân với bác. Tôi nghĩ là khi mình đã thu thập đủ tư liệu về bác, khi mình tái hiện lại và nhận được lời khen thì chẳng còn hạnh phúc gì hơn.

Anh cảm nhận được mình thể hiện được bao nhiêu % tính cách, con người của Trịnh Công Sơn?

- Tôi không biết tôi thể hiện được tuổi trẻ của bác bao nhiêu %. Nhưng khi nhập vai, tôi thật sự đã sống một cuộc đời mới chứ không phải cuộc đời của người tên Avin Lu nữa. Có những thói quen, cử chỉ bác làm hàng ngày hoàn toàn trái ngược với mình. Ví dụ như, bác Trịnh phải lên B’lao, lên Đà Lạt một mình, đi cà phê một mình, viết thư tay, vẽ lại người mình thương... Tất cả những điều đó khiến cho mình không biết là mình có thể hiện được giống bác không? Tôi chỉ biết là mình đã thật sự sống một cuộc đời khác.

Nếu Avin là Trịnh Công Sơn, anh nghĩ anh sẽ động lòng và muốn gắn bó cả đời với nàng thơ nào?

- Nếu tôi là bác, chắc chắn tôi vẫn lựa chọn Dao Ánh, vì những điều bác làm cho Dao Ánh. Thương cô Dao Ánh, bác có thể ngồi viết 300 – 400 bức thư, vẽ chân dung, viết thư, tâm sự với ngòi bút mỗi ngày như vậy. Thêm một điều đặc biệt nữa là, bác chờ cô. Cả bác và cô Dao Ánh đều trải qua một giai đoạn là chờ nhau. Cách yêu của thời xưa khác với bây giờ. Tôi cảm thấy người trẻ bây giờ yêu nhau dễ dàng quá, nhắn tin là liên lạc được ngay. Còn ngày xưa thì phải chờ. Viết thư xong là hồi hộp không biết người kia đã nhận được chưa, đã đọc chưa, đọc được rồi thì không biết khi nào người ta mới hồi đáp bằng một lá thư khác. Qua đó, tôi cảm thấy tình cảm của bác dành cho cô Dao Ánh thật sự đậm sâu.

Còn ngoài đời, tôi chỉ là Avin. Tôi cũng động lòng với nhiều cô nàng và lấy đó làm chất liệu viết nhạc. Điều khác với bác chắc là khác hoàn cảnh và khác thời gian thôi.

Anh nghĩ vì sao “Trịnh Công Sơn” lại thất thu trước “Em và Trịnh” để bị rút khỏi rạp sau 5 ngày? Bản thân anh thích bản phim nào hơn?

- Tôi đã xem cả hai bản rồi. Tôi cảm thấy như mình đang có món chính và món phụ ấy, ví dụ như đậu phộng phải kèm bia (cười). Không có bàn cân nào cho hai phim này cả. Mỗi phim là một cách kể chuyện, một trạng thái khác nhau. Ở “Em và Trịnh” là từ lúc Trịnh Công Sơn còn trẻ cho tới tuổi trung niên với mối tình trải dài qua 40 năm. Đó là món ăn thật sự cảm xúc. “Trịnh Công Sơn” thì tập trung hoàn toàn vào tuổi trẻ nên mình có cảm giác đây là một món ăn nhẹ nhàng cho các bạn trẻ bây giờ. Với tôi, đó là hai món ăn tinh thần, hai cách thể hiện khác nhau, hai trạng thái khác nhau.

Về vấn đề “Trịnh Công Sơn” rút khỏi rạp, tôi chỉ là một người diễn viên góp một phần nhỏ cho một dự án lớn như thế này. Nhiệm vụ của tôi là làm tròn trịa vai diễn tốt nhất có thể. Tôi đã cố gắng hết sức mình rồi. Còn những việc bên lề, tôi quả thật không có câu trả lời nào cả.

Hỏi thật, anh có cảm thấy áp lực về doanh thu bộ phim sẽ đạt được không?

- Nếu gọi là áp lực thì làm sao tôi áp lực bằng các anh chị sản xuất và nhà phát hành? (cười). Nhưng nếu nói là không áp lực thì cũng không đúng, vì tôi nghĩ, doanh thu bộ phim là một trong những yếu tố đánh giá việc phim có được công chúng đón nhận hay không. Mong là quý khán giả sẽ ra rạp thưởng thức “Em và Trịnh” một cách công tâm và thoải mái nhất.

Cảnh quay nào trong phim khiến anh đến giờ vẫn nhớ mãi? Cảnh quay nào khiến anh phải quay đi quay lại nhiều lần?

- Tôi nhớ nhất là cảnh quay trên cầu Tràng Tiền. Khi đó bão về và ê-kíp quay cả mấy trăm người đều ướt nhẹp từ đầu tới cuối. Mình không được mặc áo mưa vì mỗi khi quay xong 1 cảnh mà mặc áo mưa vào, rồi khi quay tiếp lại cởi áo mưa sẽ rất lâu, không đảm bảo được thời lượng và thời gian cho một set quay. Thế nên mọi người rất rét, rất lạnh, chỉ biết ngồi sát nhau để giữ ấm. Lúc đó, gió lớn như muốn thổi bay mình xuống sông vậy. Đó cũng là cảnh quay khó khăn nhất mà đoàn phim phải trải qua nên tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ.

Những cảnh quay nặng nề, tôi hoàn thành rất nhẹ nhàng. Trong khi những cảnh quay tôi nghĩ nó đơn giản nhưng lại phải quay đi quay lại hết 5, 6 lần. Đó là cảnh tôi từ trên ban công đi xuống, nhìn cô Diễm đi ngang qua nhà. Thực tế không có cô Diễm nào cả. Tôi phải nhìn vào một điểm vô định và tưởng tượng ra. Cảm giác của tôi về điểm nhìn đó không tốt nên chưa thể hiện được tròn trịa cảm giác khi thưởng thức cái đẹp. Thế là phải quay lại. Có một cái hay là vào lần cuối cùng, khi tôi bước xuống thì từ đâu cô Diễm xuất hiện. Cô mặc một chiếc đầm trắng, tóc dài, đi ngang qua và nhìn về tôi. Tôi đã đắm chìm vào khoảnh khắc đó và được đạo diễn duyệt. Đó là một kỷ niệm khá tuyệt vời và thú vị.

 

Là một ca sĩ, Avin thấy mình đến với diễn xuất như một cuộc dạo chơi hay đây là kế hoạch cụ thể? Giữa âm nhạc và phim ảnh, Avin sẽ ưu tiên phát triển con đường nào?

- Đối với Avin Lu, âm nhạc là đam mê, trong khi diễn xuất là một lối rẽ khá bất ngờ. Trong thời gian sắp tới, tôi muốn ưu tiên phát triển sự nghiệp âm nhạc hơn. Tuy nhiên, nếu có một bộ phim nào phù hợp thì chắc chắn tôi vẫn sẽ hết mình với nó.

Là người mới nhưng đã vào vai chính trong cả 2 tác phẩm điện ảnh đầu tay. Việc chưa được tích lũy nhiều kinh nghiệm diễn xuất gây khó khăn thế nào cho anh? Anh khắc phục điều đó như thế nào?

- “Sài Gòn trong cơn mưa” và “Em và Trịnh” đã mang đến cho tôi rất nhiều kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thú vị. Tôi cảm thấy rất biết ơn. Bên cạnh đó cũng có một vài điều ở bản thân giúp tôi tự tin hơn rất nhiều, ví dụ như là âm nhạc. Nếu không có âm nhạc, chắc chắn tôi đã không thể đảm nhận được hai vai diễn này. Trong quá trình làm phim, tôi cũng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các cô chú, anh chị đi trước. Về việc khắc phục những khiếm khuyết của bản thân, trước khi vào vai, tôi luôn cố gắng làm hết mọi thứ, tập tin bản thân mình chính là nhân vật, chuẩn bị kỹ lưỡng để đến khi ra trường quay, vào khoảnh khắc đạo diễn hô “action”, tôi tự tin hóa thân vào vai diễn.

Cả hai vai diễn của anh đều là hình tượng người nghệ sĩ nghèo trăn trở trong cuộc sống mưu sinh, và đều liên quan với âm nhạc. Anh có lo sẽ bị rập khuôn trong các tác phẩm sau không? Sắp tới, anh muốn thử sức với một vai diễn như thế nào?

- Tôi cũng khá lo lắng bản thân sẽ bị rập khuôn. Vì vậy nếu có cơ hội, tôi mong có thể tham gia vào vai diễn có nhịp độ nhanh, thoát ra khỏi những sự trầm tư, nhẹ nhàng như các vai tôi đã thể hiện. Tôi khá hứng thú với thể loại phim hành động hoặc phim âm nhạc, đặc biệt ở thể loại dancing. Tôi muốn diễn vai hành động vì trước giờ tôi toàn vào những vai ốm yếu, gầy gò nên cũng muốn một lần hóa thân vào nhân vật vạm vỡ, mạnh mẽ. Còn với nhảy thì đây là nghề tôi đã gắn bó được gần 10 năm, cũng là nghề giúp tôi được lần đầu tiên được đứng trên sân khấu.

Vì sao anh lại lấy nghệ danh là Avin Lu mà không sử dụng tên tiếng Việt?

- Nghệ danh Avin Lu là do một người bạn đặt cho tôi, lấy ý tưởng từ chú sóc chuột trong phim hoạt hình nổi tiếng “Alvin & The Chipmunks”, và thú vị là tên này khá vần với tên thật. Vì vậy tôi quyết định dùng nó làm nghệ danh cho đặc biệt.

Avin Lu ở hiện tại so với chàng trai mới chập chững bước chân vào showbiz có những thay đổi gì?

- Tôi nghĩ bản thân mình thay đổi hơn so với trước đây khá nhiều. Thay đổi ở đây không phải là thay đổi về tính cách hay con người mà là thay đổi về cách mình nhìn nhận vấn đề. Ngày xưa, tôi cứ nghĩ diễn viên, ca sĩ là phải bọc lên mình sự hào nhoáng, xa vời. Nhưng thực ra bản chất của việc làm nghệ thuật là mình cố gắng theo đuổi những mục tiêu đã đề ra một cách chân chính nhất. Cho đến hiện tại thì tôi nghĩ mình đang được là chính mình, và cũng tự tin hơn rất nhiều so với trước kia.

Theo anh, điều gì trong cuộc sống là quan trọng nhất?

- “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” (hát). Với Avin, điều quan trọng nhất với mình chính là tấm lòng, tình người. Nếu tất cả chúng ta đều đối đãi với nhau hết lòng và chân thành, thì thế giới này sẽ bớt đi những đau thương đúng không mọi người? (cười)

Anh có thể tiết lộ về các dự án nghệ thuật sắp tới của anh?

- Sau “Em và Trịnh”, tôi muốn tập trung cho âm nhạc. Hiện tại mọi thứ đều đang trong quá trình chuẩn bị, khi nào sẵn sàng tôi sẽ sớm thông báo cho khán giả.

Cảm ơn Avin Lu vì những chia sẻ thú vị!

Avin Lu vẽ lại tuổi 19 của Trịnh Công Sơn: Viết 300 bức thư tình cho giai nhân đẹp nhất - 10

Thực hiện: Thúy Vi - Dương Đặng

Sự kiện: 24h Gặp Gỡ
Thứ Hai, ngày 27/06/2022 08:43 AM (GMT+7)
Theo Vi Đinh ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN