Vừa ngồi "ghế nóng" Eximbank, tân Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú mất hàng chục tỷ đồng
Khối tài sản của tân Chủ tịch ngân hàng Eximbank Lương Thị Cẩm Tú tiếp tục mất hàng chục tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm tích cực.
Ngày 17/2 vừa qua, bà Lương Thị Cẩm Tú một lần nữa được Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Đây là lần thứ hai bà Tú được bầu vào vị trí này. Ở lần được bổ nhiệm hồi tháng 3/2019, quyết định chưa ráo mực đã vấp phải những tranh cãi khi ông Lê Minh Quốc - người tiền nhiệm đã khởi kiện. Sau đó tòa án đề nghị ngừng thực hiện bổ nhiệm này.
Sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch EIB ngày 17/2, mã cổ phiếu của ngân hàng này đã trải qua 4 phiên giảm liên tiếp
Tuy nhiên, kể từ khi được bầu làm Chủ tịch ngân hàng Eximbank nhiệm kỳ 2020 - 2025, khối tài sản của bà Lương Thị Cẩm Tú và các cổ đông của nhà băng này đã liên tục “bốc hơi” cùng đà giảm của cổ phiếu EIB. Trong đó khối tài sản của nữ chủ tịch sinh năm 1980 đã giảm hàng chục tỷ đồng.
Theo đó, mã cổ phiếu EIB đã trải qua chuỗi 4 phiên giao dịch giảm điểm liên tiếp (kể từ ngày 18 đến 23/2). Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 23/2, EIB của Eximbank bất ngờ bị bán mạnh cuối ngày để giảm đến 5,7% về mức thấp nhất 33.000 đồng dù thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 8,83 điểm (0,59%) để đóng cửa ở mức 1.512,3 điểm. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng 8,11 điểm (1,87%) lên 442,54 điểm. Chỉ số UPCoM-Index cũng ghi nhận mức tăng 0,5 điểm để đóng cửa ở mức 113,51 điểm.
Đây cũng là phiên giảm điểm sâu nhất của cổ phiếu EIB kể từ khi bà Tú được bầu làm Chủ tịch của ngân hàng này. Sau 4 phiên giao dịch gần nhất, thị giá của EIB đã giảm 8,79% so với giá đóng cửa ngày 17/2.
Cùng với đà giảm của cổ phiếu EIB trong 4 phiên giao dịch gần nhất, khối tài sản của tân chủ tịch Eximbank Lương Thị Cẩm Tú ghi nhận mức giảm hơn 42 tỷ đồng. Tính theo giá đóng cửa ngày 23/2, khối tài sản của nữ chủ tịch ngân hàng sinh năm 1980 giảm chỉ còn hơn 455 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 24/2, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thị trường có thể duy trì quán tính tăng trong phiên sáng nhưng có thể sẽ điều chỉnh giảm vào phiên chiều do lực bán tại kháng cự của các chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa và nhỏ (VNMidcap, VNSmallcap, HNX-Index) và VN30 cũng cần phải có một sự củng cố để kiểm định lại hỗ trợ MA10 tại 1.531 điểm vừa vượt qua nhưng chưa thực sự thuyết phục.
Theo đó, chỉ số đại diện VN-Index có thể sẽ giảm kiểm định hỗ trợ tại vùng 1.500 - 1.508 điểm. Nếu không vi phạm hỗ trợ này và đảo chiều vượt qua mốc 1.515 điểm, VN-Index sẽ tiến lên vùng 1.530 - 1.535 điểm; ngược lại, chỉ số có thể sẽ giảm về vùng 1.487 - 1.490 điểm.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) nhận định sau khi trải qua "diễn biến bất thường" với tín hiệu hỗ trợ từ dòng tiền, thị trường đã trở lại trạng thái vốn có và tiếp tục quá trình thăm dò vùng cản quanh 1.515 điểm. Mặc dù thị trường giao dịch sôi động với nhiều mã tăng giá nhưng nhìn chung vẫn tồn tại sự thận trọng tại vùng cản, thể hiện qua thanh khoản thấp và VN-Index vẫn chưa thể vượt được mức cản.
VDS khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời vẫn nên quan sát động thái giao dịch của thị trường tại vùng cản. Đồng thời xem xét cơ cấu danh mục hợp lý nhằm giảm thiểu rủi ro cho danh mục, nên ưu tiên những cổ phiếu đang có xu hướng tích cực và xem xét giảm tỷ trọng tại những cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn hoặc xu hướng kém.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường đang có nhiều yếu tố tích cực cả trong và ngoài nước để hướng tới vùng đỉnh cũ 1.536 điểm. Trong kịch bản tích cực, chỉ số VN30 cũng đang có cơ hội để vượt vùng đỉnh kéo dài từ tháng 7/2021, nếu chỉ số này bứt phá thành công, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ được hưởng lợi khi đã có nhịp điều chỉnh nhẹ vừa qua.
Trong khi đó, các chuyên gia của công ty chứng khoán SHS lại cho rằng trong phiên giao dịch tiếp theo, thị trường sẽ khó có khả năng tiếp tục bứt phá mà nghiêng nhiều hơn về khả năng sẽ có những giằng co cũng như rung lắc nhất định tại vùng giá trên ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
Sau khu phức hợp 80.000 tỷ đồng tại TPHCM, mới đây tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết tiếp tục gây chú ý với đề xuất làm dự án đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng.
Nguồn: [Link nguồn]