Tiếp quản “con cưng” của tỷ phú Vượng, một đại gia Việt lại vào danh sách tỷ phú USD Forbes
Cú tăng giá ấn tượng của cổ phiếu Masan đã giúp ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes, bên cạnh các tỷ phú USD của Việt Nam.
Cú đột phá của ông Nguyễn Đăng Quang, giành lại ngôi tỷ phú USD
Theo Forbes, hiện tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) đạt 1 tỷ USD nhờ cổ phiếu MSN tăng mạnh mẽ lên mức cao nhất trong vòng khoảng 5 tháng qua.
Cổ phiếu MSN tăng mạnh trong bối cảnh mảng thực phẩm tiêu dùng nhanh của doanh nghiệp này ghi nhận những kết quả tốt bất chấp đại dịch, trong khi đó mảng bán lẻ vừa nhận chuyển nhượng từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt những kết quả ban đầu khá tốt.
Hiện tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đạt 1 tỷ USD.
Theo báo cáo vừa công bố, trong quý 1, doanh thu bán lẻ của VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu VinMart, VinMart+) tăng 40% so với cùng kỳ lên hơn 8,7 ngàn tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tiếp quản hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, vốn được tỷ phú Phạm Nhật Vượng gầy dựng trong 5 năm trước đó.
Với mức giá cổ phiếu hiện tại, Masan có vốn hóa thị trường đạt gần 74,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD).
Cú tăng giá ấn tượng của cổ phiếu Masan đã giúp ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes, bên cạnh các tỷ phú USD khác như: Phạm Nhật Vượng (6 tỷ USD), Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD), Trần Bá Dương và gia đình (1,5 tỷ USD) và ông Hồ Hùng Anh (1,2 tỷ USD).
Thaco muốn gia tăng sở hữu tại công ty bầu Đức
Công ty CP Ôtô Trường Hải vừa đăng ký mua thêm 25,87 triệu cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) để tăng tỷ lệ sở hữu.
Mục đích gia tăng tỷ lệ sở hữu của Thaco lần này là để đầu tư tài chính. Dự kiến, thời gian mua sẽ diễn ra từ 19/5 tới hết 18/6.
Ông Trần Bá Dương muốn tang tỷ lệ sở hữu tại HGN.
Trong cơ cấu cổ đông của HAGL Agrico, Thaco đang là cổ đông lớn thứ 2 nắm giữ trực tiếp hơn 291,3 triệu cổ phiếu, tương đương 26,29% vốn. Nếu mua đủ lượng cổ phiếu đăng ký đợt này, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty nông nghiệp của bầu Đức lên 28,62%.
Tạm tính, để mua đủ số lượng cổ phiếu đăng ký nói trên, doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương sẽ phải chi ra ít nhất 360 tỷ đồng.
Hiện tại, ngoài Thaco, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Trân Oanh (thuộc sở hữu của gia đình ông Trần Bá Dương) và cá nhân vị tỷ phú này cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu HNG.
Tổng tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức có liên quan tới ông Trần Bá Dương tại HAGL Agrico hiện vào khoảng 35%.
Trong khi đó, cổ đông lớn nhất tại công ty nông nghiệp này vẫn là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với 40,83%. Tuy vậy, thông qua vốn sở hữu tại một số cổ đông khác như Công ty CP Hưng Thắng Lợi Gia Lai, tập đoàn HAGL vẫn là công ty mẹ nắm giữ trên 51% vốn tại HAGL Agrico.
HAGL Agrico là doanh nghiệp trung tâm trong mối quan hệ hợp tác giữa tỷ phú Trần Bá Dương và bầu Đức.
Công ty của ông Phạm Nhật Vượng bán 500.000 cổ phiếu Vingroup
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu Vingroup. Đây là cổ đông lớn nhất tại tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Doanh nghiệp này đã bán 500.000 cổ phiếu Vingroup vào ngày 11/5 để giảm tỷ lệ sở hữu tại tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam từ 32,7% xuống 32,5%. Tính theo giá giao dịch 97.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên 11/5, số tiền công ty thu về ước tính gần 50 tỷ đồng.
Chủ tịch Vingroup chính là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Bà Phạm Thu Phương, vợ ông Vượng cũng là cổ đông doanh nghiệp.
Công ty này thành lập năm 2007, có vốn điều lệ 11.800 tỷ đồng và đặt trụ sở tại khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là Tổng giám đốc Phan Thành Long.
Tại Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng đang trực tiếp sở hữu 25,4% cổ phần doanh nghiệp. Bà Phạm Thu Hương cũng nắm giữ 4,2% cổ phần Vingroup. Em gái bà Hương, bà Phạm Thúy Hằng đồng thời đứng tên 2,9% vốn tập đoàn này.
Như vậy, tỷ phú Vượng cùng các thành viên trong gia đình đang nắm giữ khoảng 65% vốn Vingroup, bao gồm số cổ phần sở hữu gián tiếp thông qua Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Vinamilk của đại gia Mai Kiều Liên đăng kí mua 17,5 triệu cổ phiếu quĩ
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố thông tin về kế hoạch mua lại 17,5 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 1% vốn điều lệ của công ty làm cổ phiếu quĩ.
Thời gian thực hiện dự kiến từ 21/5 đến 20/6 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Vinamilk cho biết, nguồn tiền mua sẽ được trích từ quĩ đầu tư phát triển của công ty.
Kế hoạch mua cổ phiếu quĩ của Vinamilk được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu VNM vừa trải qua nhịp lao dốc giữa dịch COVID-19, trong khi tình hình kinh doanh vẫn duy trì ổn định. Trước tình hình đó, nhiều lãnh đạo khác của công ty cũng đồng loạt mua vào nhằm trợ giá cổ phiếu.
Cụ thể, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc mua vào 400.000 cổ phiếu VNM như đã đăng kí trong thời gian từ 24/3 đến 22/4, nâng số cổ phần sở hữu từ 4,9 triệu cp lên 5,3 triệu cp, tương đương tỉ lệ sở hữu tăng từ 0,28% lên 0,31%.
Cổ phiếu 'vua cá' Hùng Vương bị tạm dừng giao dịch
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) vào diện tạm ngừng giao dịch từ 15/5.
Lý do là Hùng Vương tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 3/2018.
Hùng Vương đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhắc nhở lần 2 về việc chưa công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I vào ngày 6/5. Đến nay, doanh nghiệp thủy sản này vẫn chưa công khai số liệu tài chính 3 tháng đầu năm.
Năm 2020, Hùng Vương bắt đầu áp dụng niên độ tài chính mới từ 1/1 đến 31/12. Trước đó, công ty này sử dụng niên độ tài chính 12 tháng bắt đầu từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau.
Doanh nghiệp thủy sản gắn với biệt danh “vua cá” một thời đặt mục tiêu doanh thu 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ trong năm nay. Tuy nhiên, chủ tịch Hùng Vương Dương Ngọc Minh chia sẻ với cổ đông thị trường thủy sản gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 nên chưa thể dự báo chính xác bất cứ điều gì.
Công ty chỉ hoàn thành được 20% chỉ tiêu đề ra trong năm.
Nguồn: [Link nguồn]