Tân Tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank xuất thân thế nào?
Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietcombank, doanh nhân này đã có 26 năm gắn bó với nhà băng.
Theo đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng giữ chức vụ Tổng giám đốc Vietcombank kể từ ngày 30/1. Ông Tùng cũng được bầu bổ sung làm Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2023, tại đại hội cổ đông bất thường của Vietcombank, diễn ra cùng ngày 30/1.
Phía Vietcombank cho biết ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại thương ngành Kinh tế ngoại thương và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ ngành Tiếng Anh, đồng thời là thạc sĩ kinh tế của Đại học Tổng hợp Paris Dauphine/ESCP.
Ông Tùng bắt đầu làm việc tại Vietcombank từ năm 1997 với vị trí là cán bộ phòng tín dụng quốc tế - Hội sở chính Vietcombank. Sau gần 4 năm, ông làm Thư ký Ban điều hành và Thư ký Hội đồng quản trị của Hội sở chính Vietcombank. Tới cuối 2004, ông làm Phó chánh văn phòng kiêm Thư ký Hội đồng quản trị - Hội sở chính.
Ông Nguyễn Thanh Tùng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VCB
Từ đầu năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Vietcombank và tới giữa năm 2013, làm Phó giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch Vietcombank. Sau đó, ông lần lượt giữ cương vị Quyền giám đốc, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tây Hồ, Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp trụ sở chính, Giám đốc khối bán buôn kiêm Giám đốc ban khách hàng doanh nghiệp Trụ sở chính.
Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietcombank, ông Tùng đã được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành từ tháng 8/2021.
Đại hội bất thường tổ chức ngày 30/1 vừa qua, VCB cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.
Cụ thể, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về kết quả kinh doanh trong quý IV/2022, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 12.419 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức lãi kỷ lục trong một quý của ngân hàng và lợi nhuận lũy kế cả năm của nhà băng đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ) và BIDV (23.058 tỷ đồng).
Trong năm 2022, tổng tài sản tăng 28,2% vượt 1,814 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 19,8% đạt hơn 1,12 triệu tỷ.
Tiền gửi khách hàng tăng 9,5% lên trên 1,243 triệu tỷ. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 32,3% với gần 402.104 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch đầu tiên sau Tết nguyên đán Quý Mão 2023 giúp nhiều đại gia Việt có thêm cả trăm đến nghìn tỷ đồng.