Tân Chủ tịch hãng hàng không Vietjet Air giàu cỡ nào?
Với quyết định mới công bố, người phụ nữ giàu nhất Việt Nam sẽ trở thành Tân chủ tịch của hãng hàng không Vietjet Air.
Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air - VJC) vừa có sự thay đổi lớn ở vị trí lãnh đạo cấp cao. Theo đó, từ ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty, kế tiếp vị trí bà Nguyễn Thanh Hà để lại. Trong khi đó, ông Đinh Việt Phương, Giám đốc Điều hành được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của doanh nghiệp.
Trước khi được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của VJC, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nhà sáng lập Vietjet, đồng thời là nữ doanh nhân, nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Nam Á, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietjet trong nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air
Bà Thảo sinh năm 1970, là Cử nhân Kinh tế và Tài chính, Tín dụng - Ngân hàng, Tiến sĩ Kinh tế. Ngoài chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VJC, bà Thảo cũng đang là Chủ tịch CTCP Tập đoàn Sovico (Sovico Group), đồng thời, là Phó chủ tịch HĐQT thường trực HDBank, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny. Cựu CEO Vietjet được mệnh danh là "người phụ nữ làm thay đổi ngành hàng không Việt Nam".
Theo bản danh sách tỷ phú USD năm 2023 mới được Tạp chí (Mỹ) công bố mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang đứng vị trí thứ 2 trong danh sách tỷ phú USD tại Việt Nam khi sở hữu khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD. Với khối tài sản này, bà Thảo lần thứ 7 góp mặt trong danh sách tỷ phú USD thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes và đứng thứ 1.368 trên bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới.
Trong khi đó, ông Đinh Việt Phương cũng gắn bó cùng Vietjet từ những ngày đầu tiên và đảm nhận vị trí Phó Tổng giám đốc Thường trực, Giám đốc Điều hành Vietjet từ tháng 10/2020.
Trước khi được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc của VJC từ ngày 6/4, ông Phương từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn. Ông có bằng kĩ sư Đại học Hàng hải Việt Nam, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại CFVG (Pháp) và Tiến sĩ tại Học viện Quốc gia Matxcơva về vận tải.
Theo giới thiệu của VJC, ông Phương đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giai đoạn ngành hàng không đương đầu với thách thức, khó khăn từ đại dịch Covid-19, đưa Vietjet vượt qua đại dịch, phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn sau đó.
Năm 2022, Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116 ngàn chuyến bay, tăng trưởng khách nội địa 20% so với cùng kỳ 2019. Tổng tài sản cũng tăng 30% lên hơn 67.000 tỷ đồng với chỉ số nợ vay dài hạn trên vốn chủ sở hữu là 0,7 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần, ở mức tốt trong ngành hàng không. Hãng đã nộp ngân sách thuế, phí và lệ phí trực tiếp, gián tiếp là 4.349 tỷ đồng trong năm 2022.
Năm nay được kỳ vọng sẽ là một năm vận chuyển hàng không quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, mang đến cơ hội cho các hãng hàng không có năng lực tài chính và vận hành tốt như Vietjet.
Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán, khối tài sản của Thạc sĩ 50 tuổi này cũng đã vượt mốc 2.150 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]