Tài sản giảm mạnh, đại gia Trần Lệ Nguyên còn sở hữu bao nhiêu tiền?
Cùng với những rung lắc của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản trên sàn của đại gia Trần Lệ Nguyên cũng giảm mạnh cùng đà giảm của cổ phiếu nắm giữ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục rung lắc trong phiên giao dịch ngày 27/6, kết phiên chỉ số VN-Index giảm 2,15 điểm để đóng cửa ở mức 1.259,09 điểm. Cùng với đà giảm điểm, thanh khoản sàn HoSE cũng giảm mạnh chỉ còn 15.173 tỷ đồng, giảm hơn 5.600 tỷ đồng so với phiên liền trước.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,39 điểm để đóng cửa ở mức 240,07 điểm. Chỉ số Upcom-Index giảm 0,37 điểm để đóng cửa ở mức 98,53 điểm.
Trong ngày thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, mã cổ phiếu KDC của CTCP Tập đoàn KIDO tiếp tục giảm mạnh 4,01% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức 55.000đ/cổ phiếu. Chuỗi giảm giá của cổ phiếu KDC đã kéo dài suốt từ phiên giao dịch ngày 13/6 tới nay (trong thời gian này, KDC có 2 phiên giao dịch đứng giá). Theo đó, tính từ phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu KDC đã giảm 10.400đ/cổ phiếu, tương đương mức giảm tới gần 19% so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/6.
Tài sản của Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên giảm mạnh cùng đà giảm của cổ phiếu KDC
Đà giảm của KDC trong phiên giao dịch 27/6, khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch HĐQT CTCP Dầu thực vật Tường An đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn KIDO ghi nhận mức giảm gần 79 tỷ đồng bởi đà giảm của cổ phiếu nắm giữ. Tính từ phiên giao dịch ngày 13/6, khối tài sản của đại gia Trần Lệ Nguyên đã ghi nhận giảm hơn 357 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của đại gia 56 tuổi tại KDC chỉ còn có giá trị hơn 2.126 tỷ đồng.
Cổ phiếu KDC ghi nhận chuỗi ngày giảm mạnh dù doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh tích cực trong năm 2024. Theo đó, tại ĐHCĐ năm 2024 của Tập đoàn KIDO mới tổ chức, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2023.
Sau phiên giảm mạnh về thanh khoản thị trường, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 28/6, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap nhận định VN-Index theo đó có thể sẽ tăng để kiểm định ngưỡng kháng cự MA10 đang nằm tại vùng 1.270-1.275 điểm. Nếu lực mua được cải thiện giúp phiên tăng điểm được duy trì đến cuối ngày với thanh khoản mạnh trở lại, VN-Index sẽ có cơ hội tiếp tục hồi phục trong tuần tới. Ngược lại, nếu thị trường tăng với xung lực yếu, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục đi ngang hoặc giảm để kiểm định lại hỗ trợ tại 1.248-1.255 điểm (MA50, MA100).
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) nhận định thị trường tiếp diễn đi ngang với thanh khoản thấp cho thấy nguồn cung tại vùng MA50. Trong phiên 27/06, thị trường tiếp tục quán tính giảm điểm nhưng thanh khoản không gia tăng theo hướng diễn biến tiêu cực và dần thu hẹp đà giảm trong phiên chiều.
Tuy nhiên, việc thanh khoản duy trì ở mức thấp cũng vẫn là yếu tố đáng lo ngại trong ngắn hạn nên nếu thị trường trở lại diễn biến tiêu cực hơn đi kèm với thanh khoản gia tăng, nhà đầu tư cần đề cao quản trị rủi ro. Do đó, CTCK này cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và tránh bán hoảng loạn trong phiên.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) đánh giá sau các nhịp kiểm định cung - cầu intraday thất bại khi không thể kích hoạt được phản ứng bán tháo mạnh, hay tăng điểm quyết liệt, trạng thái thị trường đang dần có xu hướng đi ngang với thanh khoản nhỏ giọt, cho thấy hoạt động giao dịch đang có phần bị động. Mặc dù vậy, rủi ro giảm điểm vẫn đang có phần lấn át hơn khi nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang cho thấy quán tính điều chỉnh chưa kết thúc.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua lại quá sớm, chỉ giải ngân 1 phần tỷ trọng nhỏ trading quay vòng cho các vị thế đang nắm giữ khi chỉ số lui về vùng hỗ trợ đã đề cập.
Nguồn: [Link nguồn]
Những ngày cuối tháng 6, loạt ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiết kiệm. Sau những lần điều chỉnh tăng thời gian gần đây, mức lãi tiết kiệm từ 6%/năm trở lên được nhiều nhà băng áp dụng ở nhiều kỳ hạn.