Tài sản của "vua thép" đạt 3,8 tỷ USD, vốn hóa công ty lọt Top 15 doanh nghiệp thép hàng đầu thế giới
Vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ngày 6/10 đã đạt hơn 11 tỷ USD. Doanh nghiệp của “Vua thép” Trần Đình Long cũng đã lọt top 15 công ty thép có vốn hoá lớn nhất thế giới.
Ngày 6/10/2021, Hãng dữ liệu của Anh quốc Refinitiv Eikon (tiền thân là Thomson Reuters Data) công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới.
Theo bản công bố này, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long đứng thứ 15 trong danh sách với mức vốn hóa hơn 11 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn Thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings.
Nhà sản xuất thép có sản lượng hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings có vốn hóa 8,9 tỷ USD, đứng thứ 19.
Một doanh nghiệp thép lớn của Úc là BlueScope Steel cũng góp mặt trong danh sách này với vốn hóa 7,3 tỷ USD tương đương vị trí số 23 trong danh sách.
Hòa Phát lọt Top 15 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới (nguồn: Theo Refinitiv Eikon ngày 6/10/2021)
Theo công bố của Refinitiv Eikon, trong top 15 doanh nghiệp thép có vốn hoá lớn nhất thế giới đa phần là công ty Trung Quốc và Mỹ; Ấn Độ có 2 đại diện là JSW và Tata, Hàn Quốc có 1 đại diện là Posco, Nga có 1 đại diện và khu vực Đông Nam Á có duy nhất là Tập đoàn Hoà Phát.
Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép Top 50 thế giới.
Tập đoàn Hòa Phát hiện có vốn điều lệ 44.729 tỷ đồng, lớn thứ 4 trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Trong phiên giao dịch ngày 6/10, cổ phiếu Hoà Phát tăng 1,4% đóng cửa ở mức 56.100 đồng/cp, thiết lập mức đỉnh lịch sử mới sau khi vượt ngưỡng cản 52.000 đồng/cp.
Với tổng số 4,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức vốn hóa của HPG đạt hơn 250.000 tỷ đồng, tương đương hơn 11 tỷ đô la Mỹ.
Cùng với mức giá lịch sử của cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát đã đưa tài sản của ông Trần Đình Long chạm mốc 3,8 tỷ USD trên bảng danh sách tỷ phú của Forbes.
Với khối tài sản này, ông Long đứng vị trí thứ 1.444 trong đanh sách những người giàu nhất thế giới (theo ước tính của Forbes).
Về kết quả kinh doanh, trong tháng 9/2021, sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát đạt 686.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.
Trong đó, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 738.000 tấn, tăng 22% so với tháng 9/2020. Trong đó, thép xây dựng đạt 327.000 tấn, tăng 22% so với tháng 8; thép cuộn cán nóng là 176.000 tấn, còn lại là phôi thép, tôn mạ, ống thép các loại.
Với việc tăng 7% so với tháng 8, đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp Hòa Phát ghi nhận tăng sản lượng tiêu thụ. Trước đó, sau khi đạt 1 triệu tấn thép tiêu thụ trong tháng 3, sản lượng tiêu thụ hàng tháng của tập đoàn này đã giảm liên tục xuống dưới 600.000 tấn vào tháng 6. Từ đó đến nay, sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát đều giữ xu hướng tăng hàng tháng.
Theo Forbes, tỷ phú Trần Đình Long đang sở hữu khối tài sản lên tới 3,8 tỷ USD
Lũy kế 9 tháng 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ.
Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%.
Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 2 triệu tấn. Tôn Hòa Phát ghi nhận 273.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Sản phẩm ống thép là 498.000 tấn, giảm 12% so với 9 tháng 2020.
Các sản phẩm thép tiêu thụ kể trên sẽ là nguồn thu chính đóng góp vào kế hoạch kinh doanh 120.000 tỷ đồng doanh thu và 18.000 tỷ đồng lãi ròng năm nay của tập đoàn trong năm 2021.
Ngoài ra, nguồn thu của Hòa Phát còn đến từ mảng bất động sản và nông nghiệp. Mới đây, tập đoàn này đã chính thức tham gia vào thị trường sản xuất và phân phối điện máy với việc chi gần 1.000 tỷ đồng góp vốn vào Công ty CP Điện máy gia dụng Hòa Phát.
CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) ước tính doanh thu quý 3 của Hoà Phát có thể đạt 38.500 tỷ đồng (tăng 56% cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận ước đạt 10.339 tỷ đồng (tăng 173% cùng kỳ năm trước).
Luỹ kế 9 tháng, HSC ước doanh thu của Hoà Phát đạt 104.795 tỷ đồng (tăng 63%) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 27.038 tỷ đồng (tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước).
Nhiều khối tài sản đảm bảo được các ngân hàng “đại hạ giá” nhưng vẫn không dễ dàng thanh lý.
Nguồn: [Link nguồn]