Sau án phạt 1,5 tỷ đồng, tài sản ông Trịnh Văn Quyết lao dốc còn hơn 4.300 tỷ đồng

Bất chấp đà tăng tích cực của thị trường, khối tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết tiếp tục lao dốc cùng mức giảm của hai mã cổ phiếu chủ lực trong tài khoản là FLC và ROS.

Trong phiên giao dịch ngày 20/1, dòng tiền đã trở lại ở nhiều cổ phiếu đầu cơ và nhóm cổ phiếu nóng như BĐS. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa ghi nhận mức tăng mạnh 22,5 điểm (1,56%) lên 1.465,3 điểm.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận mức tăng gần 2,5 điểm (0,61%) đạt mức 411,8 điểm và chỉ số UPCoM-Index tăng 1,7% lên 109,67 điểm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản mang tính đầu cơ từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm có một phiên giao dịch hưng phấn khi phần lớn các mã kết phiên tăng trần như DIG, CEO, LDG, DRH, HQC, L14... và một số ít tăng nhẹ.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu FLC Group vẫn trong chuỗi ngày khủng hoảng sau hành động bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Dù vậy, nhóm cổ phiếu này đang có một số động thái tích cực cho những người mắc kẹt thoát hàng. Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 20/1 các mã ART, AMD, HAI, GAB, KLF đã có thanh khoản bình thường trở lại.

Nhiều nhà đầu tư vào cổ phiếu nhóm FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã có thể cắt lỗ sau nhiều ngày mắc kẹt do không có thanh khoản

Nhiều nhà đầu tư vào cổ phiếu nhóm FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã có thể cắt lỗ sau nhiều ngày mắc kẹt do không có thanh khoản

Riêng mã chính là FLC có thanh khoản gần 43 triệu cổ phiếu để trở thành mã giao dịch nhiều nhất thị trường, đồng thời là cơ hội để nhiều nhà đầu tư có thể cắt lỗ. Còn mã ROS khớp lệnh hơn 3 triệu cổ phiếu. Cặp đôi cổ phiếu này kết phiên tiếp tục bị bán sàn mạnh với khối lượng gần 73 triệu đơn vị.

Cùng với đà giảm của cổ phiếu FLC và ROS trong những phiên giao dịch gần đây, khối tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết tiếp tục ghi nhận mức giảm mạnh.

Kết phiên giao dịch ngày 20/1, khối tài sản của tỷ phú 47 tuổi người Vĩnh Phúc giảm chỉ còn hơn 4.325 tỷ đồng. Nếu so với khối tài sản theo thị giá kết thúc phiên giao dịch ngày 7/1 (6.678 tỷ đồng), tài sản của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã giảm hơn 2.353 tỷ đồng, tương đương mức giảm 35% sau 9 phiên giao dịch gần nhất.

Liên quan đến hành động bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/1 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phạt 1,5 tỷ đồng, đây là mức phạt cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực đầu năm nay. Ngoài ra, ông Quyết bị SSC đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Nhận định về thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 21/1, các chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá dòng tiền bắt đầu cho dấu hiệu quay lại thị trường trong những phiên gần đây, đặc biệt là phiên 20/1 thể hiện qua sắc xanh lan tỏa rộng ra nhiều nhóm ngành trên thị trường. Bên cạnh đó, những chỉ báo kỹ thuật đã chững lại đà giảm cũng là một thông tin hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư.

VCBS cho rằng nếu chỉ số chung có thể giữ vững mốc 1.460 điểm trong những phiên tới thì nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt chú trọng vào nhóm cổ phiếu “trụ” đóng vai trò dẫn dắt chỉ số, đồng thời cũng nên chọn lọc và đưa vào danh mục đầu tư dài hạn một số cổ phiếu vốn hóa trung bình với nền tảng tài chính lành mạnh và đang tăng trưởng tốt trong năm 2022.

Tương tự, các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cũng đánh giá thị trường phiên 20/01 ghi nhận phiên hồi phục thứ 2 trong bối cảnh thanh khoản tăng khá nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên. Điểm tích cực là dòng tiền lan tỏa khắp các nhóm ngành, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng, đã giúp thị trường trở nên hưng phấn.

Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 21/01, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng kháng cự gần 1.470 - 1.475 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.480 – 1.485 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SHS đánh giá sau ba phiên liên tiếp test lực cầu trong vùng hỗ trợ 1.400-1.450 điểm (đáy tháng 12/2021), thì VN-Index đã chính thức đóng cửa trên vùng giá này, qua đó, phát ra tín hiệu về một đợt hồi phục có thể xảy ra.

Nhờ hai phiên hồi phục liên tiếp này, tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện. Tuy nhiên, tâm lý nghỉ Tết sớm rõ ràng đã xuất hiện trên thị trường, biểu hiện qua việc thanh khoản khớp lệnh 5 phiên liên tiếp dưới mức trung bình.

Với việc vượt qua được ngưỡng tâm lý 1.450 điểm, thì hiện tại SHS đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục đà hồi phục này trong phiên giao dịch cuối tuần để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.475 - 1.490 điểm (MA20-50).

Các chuyên gia của công ty chứng khoán MB (MBS) tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng  thị trường sẽ tiếp tục phục hồi khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 cũng như năm 2021. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí,… có thể là địa chỉ của dòng tiền.

Nguồn: [Link nguồn]

Người người đổ xô chơi chứng khoán, đại gia Nguyễn Duy Hưng kinh doanh thế nào?

Trước cơn sốt đầu tư chứng khoán của người dân trong năm 2021, công ty chứng khoán của đại gia Nguyễn Duy Hưng cũng đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Chỉ số chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN