"Ông trùm thép" giàu thứ 2 Việt Nam có khối tài sản "khủng" cỡ nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhờ giá cổ phiếu Hòa Phát liên tục lập đỉnh, giá trị tài sản của “ông trùm thép” Trần Đình Long đã lên 2,7 tỷ USD, vượt CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và trở thành tỷ phú giàu thứ hai tại Việt Nam.

Theo Forbes, trong ngày 16/4, giá trị tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã tăng thêm 5 triệu USD, lên 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, khối tài sản của CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 50 triệu USD, còn 2,6 tỷ USD.

Ông Trần Đình Long sở hữu trực tiếp 700 triệu cổ phiếu Hòa Phát

Ông Trần Đình Long sở hữu trực tiếp 700 triệu cổ phiếu Hòa Phát

Kết quả này giúp ông Long vươn lên vị trí thứ 1.216 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới, trong khi bà Thảo xếp thứ 1.227. Như vậy, tỷ phú Trần Đình Long đang là người giàu thứ hai tại Việt Nam, sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (9,8 tỷ USD, ông Vượng hiện đang đứng thứ 236 trong top người giàu nhất thế giới).

Trong danh sách những người sở hữu tài sản từ 1 tỷ USD trở lên, Việt Nam có thêm Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,7 tỷ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD), Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1,3 tỷ USD). Đây là năm đầu tiên Việt Nam có 6 tỷ phú.

Thực tế, việc giá trị tài sản của ông Trần Đình Long tăng mạnh chủ yếu do cổ phiếu Hòa Phát liên tục thiết lập mức giá kỷ lục sau 14 năm niêm yết trên sàn chứng khoán (từ năm 2007).

Giá trị tài sản của ông Long đã tăng 31,56% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, khi giá cổ phiếu HPG đã tăng từ 41.600 đồng/cp lên 54.600 đồng/cp, chỉ tính riêng 2 tuần đầu tháng 4/2021, cổ phiếu Hoà Phát tăng 17,4%. Cổ phiếu HPG tăng phi mã sau thông tin Hoà Phát đã vượt Formosa trở thành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam cả về năng lực sản xuất và sản lượng bán hàng. Năm 2021, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng và LNST 18.000 tỷ đồng.

Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam

Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam

Hiện tại ông Long sở hữu trực tiếp 700 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Bên cạnh đó, vợ và con trai của tỷ phú này còn nắm giữ gần 243 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Tính cả cổ phần của một số thành viên khác, gia đình ông Trần Đình Long sở hữu tổng cộng gần 944 triệu cổ phiếu, tương ứng 34,2% cổ phần Hòa Phát.

Năm 2020, “ông trùm thép” Hòa Phát ghi nhận 91.279 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với năm liền trước. Sau khi trừ giá vốn, chi phí vận hành và các khoản thuế, phí liên quan, tập đoàn thu về 13.506 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, tăng 78%.

Dựa trên các chỉ số tài chính và tình hình thị trường hiện tại, ban lãnh đạo Hòa Phát dự kiến doanh thu ghi nhận cả năm 2021 đạt khoảng 120.000 tỷ, tăng 33% so với số ghi nhận năm 2020. Cùng với đó, kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 18.000 tỷ đồng, tăng gấp 1/3 so với năm liền trước.

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 1992, đây là năm đầu tiên doanh nghiệp được mệnh danh là “vua thép” này đặt kỳ vọng doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức kỷ lục.

Ông Trần Đình Long lần đầu được Forbes công nhận là tỷ phú vào tháng 3/2018 với khối tài sản 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, chủ tịch Hòa Phát rớt khỏi danh sách tỷ phú trong 2 năm kế tiếp khi thị giá cổ phiếu công ty đi xuống.

Tháng 5/2020, ông Long trở lại câu lạc bộ tỷ phú khi giá trị tài sản chạm mốc 1 tỷ USD cùng với đà phục hồi của cổ phiếu Hòa Phát. Khi đó, chủ tịch Hòa Phát là người giàu thứ 5 tại Việt Nam với khối tài sản tương đương Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, xếp sau các tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương, Hồ Hùng Anh.

Chia sẻ với báo chí về thành quả này, ông Long nói: “Tôi chẳng phải là ông trùm gì cả. Hòa Phát đã là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, lọt top 50 công ty thép lớn nhất thế giới, nhưng đây là thành quả của cả Hòa Phát, chứ không phải của cá nhân tôi.

Tôi nghĩ có 3 điều làm nên thành công của Hòa Phát. Thứ nhất, chúng tôi đầu tư đúng hướng, kiên định đầu tư theo con đường lâu dài, không làm theo phong trào. Thứ hai, chúng tôi tính toán đúng nhu cầu thị trường về các sản phẩm mà Hòa Phát đầu tư. Thứ ba, Việt Nam là nước công nghiệp mới, nên nhu cầu về sắt thép xây dựng còn rất lớn”.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhờ chăn nuôi lợn, C.P lợi nhuận gần 1 tỷ USD, ngang ngửa Honda và Samsung

Nhờ hưởng lợi từ giá lợn hơi tăng cao, năm 2020 “ông trùm” ngành chăn nuôi đã mang về lợi nhuận ngang ngửa với các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN