1. Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, nguyên quán Quế Võ, Bắc Ninh. Ông Minh tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý các doanh nghiệp quân đội.
Tháng 1/2018 đến nay, ông Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Để đảm nhận vị trí Chủ tịch tại Sacombank, ông Dương Công Minh đã phải từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt.
Được biết Him Lam từng gắn liền với tên tuổi của ông Dương Công Minh khi sở hữu 99% doanh nghiệp có vốn 6.500 tỷ đồng này.
2. Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai
Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh năm 1960, nguyên quán Phú Yên. Không có bằng đại học, song bà Nguyễn Thị Như Loan đã tay trắng làm nên sự nghiệp. Bà là người thành lập và điều hành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG). Hiện nay bà là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Khởi nghiệp với ngành chế biến xuất khẩu gỗ sau đó chuyển sang kinh doanh phân bón, và cơ duyên đã đưa bà sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tham gia thị trường bất động sản trên 10 năm, bà Loan chịu nhiều sức ép lớn vì thị trường có nhiều biến động. Để theo đuổi ngành này buộc bà phải có tinh thần thép, bản lĩnh, quyết đoán và can đảm để ứng phó mọi tình huống bất ngờ trên thị trường.
Mặc dù được ghi nhận là người phụ nữ năng động và tài giỏi, nhưng trong thời gian vừa qua QCG liên miên gặp khó khăn. Chia sẻ tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2019, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc liên tục bày tỏ khổ tâm bởi những khó khăn về thủ tục, hồ sơ tại các dự án đang triển khai trên địa bàn Tp.HCM.
Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của QCG đạt 10.858 tỷ đồng, vốn điều lệ 2.752 tỷ đồng.
3. Ông Trần Bá Dương – CTHĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải
Ông Trần Bá Dương sinh năm 1960, nguyên quán Thừa Thiên Huế.
Ông Dương tốt nghiệp ngành Cơ khí – Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, là người sáng lập và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco). Ngoài ra, ông còn được biết đến tới tư cách Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.
Theo hồ sơ của Forbes, đến năm 2016, Thaco trở thành công ty ô tô lớn nhất của Việt Nam với thị phần ô tô chiếm 32%.
Năm 2018, ông Trần Bá Dương được Forbes công nhận sở hữu khối tài sản 1,76 tỷ USD.
Chia sẻ với báo chí, ông từng nói: “Cuộc đời kinh doanh cũng nhiều nghiệt ngã, nếu thiếu 1% may mắn thì cũng không thành công. Nhưng may mắn không bao giờ đến hoài và may mắn không bao giờ là 99%. May mắn chỉ có 1% để tạo nên thành công, còn 99% là lao động mồ hôi và nước mắt”...
4. Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT - CEO Hung Thinh Corp
Ông Nguyễn Đình Trung sinh năm 1972, nguyên quán tỉnh Bình Định. Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật.
Bằng việc học tập không ngừng từ chính công việc mình làm và internet, ông là minh chứng tiêu biểu cho sự vươn lên của thế hệ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.
Dù chỉ tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, nhưng ông Trung đã đưa Hưng Thịnh – từ một doanh nghiệp nhỏ vươn lên trở thành một tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam với doanh số hàng nghìn tỷ đồng và đội ngũ nhân sự hơn 2.000 người.
5. Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh, sinh năm 1972, nguyên quán tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh có bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh và từng là sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Đại học Kinh tế TP HCM.
Ông từng được nhiều người biết đến như một trong những doanh nhân trẻ có khả năng đảm nhiệm cùng lúc nhiều cương vị khác nhau: Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa Phương Nam (PNC), thành viên HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và là thành viên HĐQT của một số công ty khác trong lĩnh vực giáo dục và xuất bản sách.
Ngoài ra, Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh còn là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM. “Tôi có thể điều hành tốt một doanh nghiệp đang ở con số 10 lên được đến con số 100, 1000 ... nhưng với một doanh nghiệp bắt đầu đi từ con số 0 thì để lên con số 10, tôi lại vô cùng dè dặt” – vị doanh nhân này từng chia sẻ.
6. Ông Đỗ Hữu Hậu - Tổng giám đốc Công ty CP ĐT DV TC Hoàng Huy – HHS
Ông Đỗ Hữu Hậu - sinh năm 1984, nguyên quán Hải Phòng. Cử nhân Kinh tế, ĐH Ngoại Thương, Trung Quốc.
Doanh nhân trẻ Đỗ Hữu Hậu là con trai của đại gia Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy - người giàu thứ năm trên sàn chứng khoán Việt Nam tính đến ngày 21/10/2019.
Thiếu gia này tham gia hoạt động tại HHS từ năm 2007 với vai trò phụ trách phòng xuất nhập khẩu của công ty. 1 năm sau đó, Hậu được bổ nhiệm vào vị trí HĐQT CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy.
Ngoài ra, Hữu Hậu còn đảm đương vai trò Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Huy – Tổng giám đốc Công ty Hưng Việt là Chủ đầu tư dự án Golden Land mà doanh nghiệp đang triển khai tại Hà Nội với vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.
Hiện, Doanh nhân trẻ Đỗ Hữu Hậu đang sở hữu hơn 8 triệu cổ phiếu HHS Công ty con của Tập Đoàn. Tính đến hết năm 2013, cổ phiếu HHS niêm yết ở mốc 29.800 đồng/cổ phiếu, tài sản trên sàn chứng khoán của thiếu gia 8x này là hơn 208 tỷ đồng. Số tài sản này giúp Đỗ Hữu Hậu đứng trong danh sách những triệu phú chứng khoán trước tuổi 30.