Những đại gia “ngã ngựa” và khối tài sản khổng lồ hàng nghìn tỷ thu lợi bất chính
Sở hữu khối tài sản khổng lồ, các đại gia Việt từng khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đến nay nhiều người cũng bất ngờ vì hàng loạt những vi phạm và cách thức họ kiếm tiền trái pháp luật.
Nữ đại gia Trương Mỹ Lan và số tài sản bị kê biên lớn chưa từng có
Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan xây dựng hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp, gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên tập đoàn.
Trong số này có nhóm công ty "ma" tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" để phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan ở nước ngoài.
Tại Ngân hàng SCB, mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ, nhưng với việc nắm giữ trên 90% cổ phần, bà Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, biến SCB trở thành công cụ tài chính để bị can tổ chức huy động tiền gửi.
Vụ án liên quan đến nữ đại gia Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gây rúng động giới kinh doanh và đầu tư
Theo kết luận điều tra, kể từ khi Ngân hàng SCB sáp nhập từ 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào mục đích của bị can. Theo đó, từ 2012 đến 2022, SCB cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. C03 xác định, nhóm bà Lan chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi). Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Cơ quan điều tra cáo buộc từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Như vậy, bà Lan bị cáo buộc gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.
Trong thời gian từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bị can Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo hợp thức hồ sơ vay vốn để Ngân hàng SCB giải ngân cho 304 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 368 khoản, tính đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ hơn 132.000 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi. Cơ quan điều tra xác định thiệt hại là hơn 64.000 tỉ đồng.
Từ trái sang phải: Bị can Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng và Hồ Bửu Phương - Ảnh: Bộ Công an
Đặc biệt, để che giấu thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB, đồng thời để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bị can Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, đồng thời là trưởng đoàn thanh tra. Bà Lan còn chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc với Ngân hàng SCB tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho bà Đỗ Thị Nhàn và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.
Trong vụ án này, C03 đã thu giữ tổng số tiền là gần 599 tỷ đồng và gần 15 triệu USD liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan và các bị can. Đồng thời, phong tỏa 43 tài khoản ngân hàng của các bị can và cá nhân đứng tên hộ bị can, tổng số tiền phong tỏa là 1.896 tỷ đồng và gần 8,5 triệu USD. Công ty cổ phần Kim Cương do Trương Mỹ Lan nắm 66% vốn cũng bị ngăn chặn giao dịch với số dư hơn 789 tỷ đồng trong tài khoản mở tại SCB.
Về bất động sản của bà Trương Mỹ Lan, C03 đã tiến hành tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 143 sổ đỏ tại tái định cư Khu công nghiệp An Nhựt Tân (tỉnh Long An); danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng; 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất thuộc dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Về bất động sản của bà Trương Mỹ Lan, C03 đã tiến hành kê biên đối với 1.237 bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Ngoài ra còn có một du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô; một số sổ tiết kiệm…
C03 cũng tiến hành kê biên đối với 1.237 bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan như nhà đất số 19 – 21 – 23 – 25 phố Nguyễn Huệ, quận 1; nhà đất số 232 Trần Hưng Đạo, quận 5; số 66 Phó Đức Chính, quận 1 (cùng ở TP.HCM)…
Các tài sản khác liên quan Trương Mỹ Lan bị kê biên là hơn 857 triệu cổ phần tại SCB và các cá nhân đứng tên hộ, kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can trong vụ án. Ngoài ra còn có một du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô; một số sổ tiết kiệm…
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và vụ án chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Ngày 22-11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố ông Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt (phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người khác bị truy tố cùng tội danh trên.
Cơ quan truy tố cáo buộc ông Dũng cùng các đồng phạm bàn bạc, lên kế hoạch, thực hiện các phương án gian dối trong phát hành trái phiếu và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư.
Theo cáo trạng, Công ty Tân Hoàng Minh được thành lập năm 1993, ông Đỗ Anh Dũng góp 5.100 tỉ (chiếm hơn 51%). Để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, ông Dũng thành lập thêm 45 công ty rồi chỉ định người nhà hoặc cá nhân, pháp nhân liên quan đến Tân Hoàng Minh đứng tên pháp nhân.
Đầu năm 2021, tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng gần 20.000 tỉ đồng, chưa kể tám gói trái phiếu mà công ty đã phát hành. Để tháo gỡ khó khăn, ông Dũng chỉ đạo con trai mình tìm cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.
Ba công ty con được Tân Hoàng Minh dùng để phát hành trái phiếu là Công ty bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư dịch vụ khách sạn Soleil và Công ty CP Cung Điện Mùa Đông.
Ông Đỗ Anh Dũng trước khi bị bắt
Do kết quả hoạt động của cả ba công ty không đủ điều kiện phát hành, chào bán trái phiếu nên Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo thuộc cấp nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tài chính theo hướng không đúng với thực tế. Từ đó, các báo cáo tài chính được "đánh bóng" tạo lãi "khống" để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Ông Dũng và các đồng phạm bị cơ quan truy tố cáo buộc thông qua phát hành trái phiếu đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 khách hàng.
Bằng cách thức trên, Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu và cho "tổ chức chạy dòng tiền khống để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu". Dòng tiền sẽ "chạy" từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển tiếp cho các cá nhân.
Ông Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt - Ảnh Bộ Công An
Tổng cộng, Tân Hoàng Minh huy động được gần 14.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu. Con số này chênh lệch với 10.030 tỷ đồng với lý do là Tân Hoàng Minh "chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc rồi mua đi bán lại nhiều lần".
Ông Dũng và các đồng phạm bị cơ quan truy tố cáo buộc thông qua phát hành trái phiếu đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 khách hàng. Với dòng tiền kiếm được từ việc bán trái phiếu, Tân Hoàng Minh sử dụng hơn 5.100 tỷ đồng tiền của người mua trái phiếu sau trả cho người mua trước đến hạn; trả hơn 1.900 tỷ đồng nợ quá hạn vay ngân hàng; chi hơn 3.800 tỷ đồng mua cổ phần, hợp tác đầu tư nhiều dự án; sử dụng 585 tỷ đồng để đặt cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.
Ông Dũng còn dùng hơn 929 tỷ đồng để thanh toán các chi phí của Tân Hoàng Minh; chuyển 801 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, trả nợ cá nhân, mua bán ngoại tệ...
Quá trình điều tra đến nay, ông Dũng đã nộp lại và Bộ Công an thu hồi tổng cộng hơn 8.600 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Trịnh Văn Quyết và loạt chiêu trò lừa đảo trên thị trường chứng khoán
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã hoàn tất Kết luận điều tra vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan.
Trong vụ án này, Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch FLC) và 20 bị can về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, có em gái của ông ta là bị can Trịnh Thị Minh Huế (SN 1981). Bà Huế bị truy tố về cả 2 tội danh nói trên.
Trịnh Văn Quyết cựu Chủ tịch FLC “Có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán nhưng đã lợi dụng các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thu lợi bất chính đặc biệt lớn và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư...
Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt do liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán
Kết luận điều tra thể hiện, Trịnh Văn Quyết: “Có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán; sáng lập Công ty CP tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và 50 công ty khác”.
Tuy vậy, cựu Chủ tịch FLC đã lợi dụng các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thu lợi bất chính đặc biệt lớn và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Trịnh Văn Quyết còn: “Lôi kéo, tác động những người thân trong gia đình và bạn bè thực hiện hành vi phạm tội”.
Cơ quan cảnh sát điều tra đánh giá hành vi của Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa là người thực hiện tội phạm.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư
Theo kết luận, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo người thân, nhân viên và các công ty con, sử dụng khoản chứng khoán để "thổi giá" các mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART; qua đó hưởng lợi bất chính 723 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Quyết còn “phù phép”, nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng Faros từ 1.197 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh để bán, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Số tiền thu lợi bất chính, Trịnh Văn Quyết dùng để mua cổ phần tại hãng hàng không Bamboo Airways; trả nợ; gửi vào tài khoản chứng khoán và chi tiêu cá nhân…
Gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát bị cáo buộc chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng
Ngày 24/11, ông Trần Quí Thanh, 70 tuổi, cùng hai con gái là bà Trần Uyên Phương, 42 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát và Trần Ngọc Bích, 39 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, ông Trần Quí Thanh cùng hai con gái và một số người đã cho vay lấy lãi "dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng".
Nhà chức trách cáo buộc lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, ông Thanh cùng hai con gái và một số người đã cho vay lấy lãi "dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng". Khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản ghi trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần thực tế.
Theo cơ quan điều tra, khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Dù bên vay trả đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận, ông Thanh đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc các lý do để không trả lại tài sản.
Ông Thanh cùng hai con gái và một số người đã cho vay lấy lãi "dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng"
Theo C01, tháng 11/2019, ông Thanh cho đại gia Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh Đồng Nai vay 350 tỷ đồng nhưng đến tháng 8/2020 đã chiếm đoạt dự án Minh Thành có giá trị là 533 tỷ đồng. Trừ đi 350 tỷ đồng đã chuyển cho bà Oanh, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 183 tỷ đồng.
Với dự án Nhơn Thành, ba bố con ông Thanh đã cho bà Oanh vay 150 tỷ đồng từ tháng 11/2019 nhưng đến tháng 8/2020 đã chiếm đoạt dự án 567 tỷ đồng. Trừ đi số tiền đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt ở dự án này 417 tỷ đồng.
Ngoài vụ án lừa đảo của bà Oanh, ông Thanh cùng hai con gái còn bị cáo buộc gây ra 3 vụ chiếm đoạt tài sản khác với cùng một thủ đoạn.
Theo kết luận, ông Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng, Trần Uyên Phương 350 tỷ đồng và Trần Ngọc Bích 600 tỷ đồng.
C01 kết luận, từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2019, ông Thanh và "cò" - người chuyên giúp ông Thanh cho vay lãi, đã cho ông Nguyễn Văn Chung vay 35 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng. Theo thỏa thuận, ông Chung phải làm thủ tục chuyển nhượng cho phía ông Thanh 29 thửa đất có giá trị 48 tỷ đồng tại 230 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM.
Ông Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng, Trần Uyên Phương 350 tỷ đồng và Trần Ngọc Bích 600 tỷ đồng - Ảnh Bộ Công An
Tháng 3/2019, khi ông Chung đề nghị trả 35 tỷ đồng tiền gốc trước thời hạn 16 ngày thì ông Thanh yêu cầu phải nộp thêm 14 tỷ đồng mà không có lý do. Bởi không nộp được thêm tiền nên Chung bị nhóm ông Thanh chiếm đoạt 29 thửa đất có giá trị 83 tỷ đồng. Trừ đi 35 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 48 tỷ đồng của ông Chung.
Tương tự, ông Thanh cùng hai con gái bị cáo buộc đã chiếm đoạt 4 thửa đất tại xã Hiệp Phụng, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức của ông Lâm Sơn Hoàng có giá trị 195 tỷ đồng. Trừ đi 115 tỷ đồng tiền gốc đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 80 tỷ đồng.
Trong vụ thứ 3, ông chiếm đoạt 2 thửa đất tại 643 và 643A Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM có giá trị 118 tỷ đồng của anh Nguyễn Huy Đông. Trừ đi 80 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt của anh Đông 38 tỷ đồng.
Theo kết luận, ông Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng, Trần Uyên Phương 350 tỷ đồng và Trần Ngọc Bích 600 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |