Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam giàu cỡ nào trước khi bị khởi tố?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước khi bị khởi tố, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam góp hàng chục đến cả trăm tỷ đồng vào các doanh nghiệp mình từng làm lãnh đạo.

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới đây đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình, Người đại diện pháp luật, Tổng giám đốc Công ty Asanzo về tội trốn thuế.

Cơ quan điều tra xác định ông Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký các hợp đồng nguyên tắc, sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của CTCP Tập đoàn Asanzo và sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp hơn 15,7 tỷ đồng.

Theo cơ quan thuế, Asanzo có nhiều hành vi nhằm trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng có nhiều tình tiết tăng nặng như vi phạm hành chính nhiều lần, có hành vi trốn tránh và che giấu vi phạm hành chính, vi phạm hành chính có số lượng lớn hoặc giá trị lớn...

Đặc biệt, cơ quan thuế xác định Tập đoàn Asanzo có hành vi sử dụng hóa đơn đầu vào có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế. Sau các giao dịch, bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Tam) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo đã rút ra tổng số tiền hơn 507 tỷ đồng.

Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam bị khởi tố vì tội trốn thuế

Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam bị khởi tố vì tội trốn thuế

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Asanzo có tiền thân là Công ty cổ phần Tập đoàn ASAN được thành lập tháng 10/2016 có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với ngành nghề chính là sản xuất linh kiện điện tử.

Ở thời điểm thành lập, Công ty cổ phần Tập đoàn ASAN gồm 4 cá nhân và 2 tổ chức góp vốn. Trong đó, ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980 góp 90 tỷ đồng, tương đương 90% vốn. Ông Phạm Văn Tam giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Đến tháng 1/2017, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn ASAN chuyển từ ông Phạm Văn Tam sang bà Trịnh Ngọc Yên. Chỉ một tháng sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn ASAN đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn ASANZO như hiện nay.

Sau khi rời vị trí Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn ASANZO, đến tháng 7/2017, ông Tam cũng thoái vốn khỏi doanh nghiệp này khi phần vốn góp chỉ còn 1 tỷ đồng, tương đương 1% vốn góp. Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng phần vốn góp của ông Tam không được tiết lộ.

Cùng với đó, vị trí Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn ASANZO cũng có sự thay đổi khi ông Phạm Xuân Tình sinh năm 1985 được bổ nhiệm thay thế vị trí của bà Trịnh Thị Ngọc Yên. Ông Tình cũng là một cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn ASANZO với số vốn góp là 2 tỷ đồng, chiếm 2% vốn góp.

Ông Phạm Văn Tam cũng là cổ đông sáng lập và lãnh đạo của Công ty cổ phần điện tử A SANZO Việt Nam và Công ty TNHH điện tử Bảo Ngọc.

Trong đó, Công ty cổ phần điện tử A SANZO Việt Nam được thành lập tháng 11/2016, tại đây ông Tam góp 44 tỷ đồng, tương đương 88% cổ phần và giữ vị trí người đại diện theo pháp luật.

Đến tháng 5/2016, Công ty cổ phần điện tử A SANZO Việt Nam tăng mạnh vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 99 tỷ đồng, ở lần thay đổi này ông Tam góp 93 tỷ đồng tương đương 94% cổ phần. Ông Phạm Văn Tam giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Đến tháng 5/2017, ông Tam thoái sạch vốn khỏi Công ty cổ phần điện tử A SANZO Việt Nam và vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật cũng chuyển sang ông Lê Đình Lâm sinh năm 1980.

Ở lần đăng ký thay đổi doanh nghiệp gần nhất vào tháng 10/2020, vị trí Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần điện tử A SANZO Việt Nam một lần nữa đổi chủ khi bà Dương Thị Ngọc Giàu được bổ nhiệm ngồi vào "ghế nóng" của doanh nghiệp.

Trong khi đó, công ty TNHH điện tử Bảo Ngọc được thành lập tháng 7/2011. Thời điểm tháng 1/2016 ông Tam giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.

Rời vị trí lãnh đạo và thoái vốn khỏi Công ty cổ phần điện tử A SANZO Việt Nam cũng như Công ty cổ phần Tập đoàn ASANZO, ông Phạm Văn Tam góp 285 tỷ đồng vào thành lập Công ty cổ phần đầu tư tập đoàn WINSAN. Doanh nghiệp được thành lập tháng 5/2020 với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ngoài ông Tam còn hai cổ đông khác góp vốn là Nguyễn Thị Hiền vợ ông Tam góp 13,5 tỷ đồng và Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng. Tại đây, ông Phạm Văn Tam giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau, ông Tam rời vị trí Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư tập đoàn WINSAN khi ông Phùng Đông Hưng được bổ nhiệm vào vị trí này. Ông Tam chỉ còn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Dù đặt tham vọng lớn nhưng đến nay website chính thức của tập đoàn này vẫn chưa công bố bất cứ khoản đầu tư nào.

Trong khi đó, với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vừa qua, ông Phạm Văn Tam và Phạm Xuân Tình đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng miếng SJC đã mất cả chục triệu đồng/lượng trong thời gian ngắn khiến nhiều người băn khoăn liệu đây có phải thời điểm thích hợp để "xuống tiền" đầu tư bất động sản hay tiếp tục "ôm” vàng?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN