Mất thêm gần 400 tỷ đồng, đại gia Đào Hữu Huyền còn sở hữu tài sản thế nào?
Cùng với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của đại gia Đào Hữu Huyền tiếp tục ghi nhận mức giảm gần 400 tỷ đồng trong một ngày.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực trong những phút cuối phiên giao dịch chiều ngày 23/7. Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm mạnh 22,83 điểm, để đóng cửa ở mức 1.231,81 điểm. Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất trong gần một tháng qua. Toàn sàn HoSE có đến 373 cổ phiếu giảm giá, trong khi chỉ ghi nhận 83 mã tăng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 3,78 điểm để đóng cửa ở mức 234,60 điểm và chỉ số sàn UPCoM điều chỉnh hơn 1 điểm để đóng cửa ở mức 94,40 điểm. Điểm sáng trong phiên giao dịch 23/7 là thanh khoản không quá cao, chỉ hơn 18.000 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ so với phiên liền trước.
Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm mạnh, mã cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang do đại gia Đào Hữu Huyền giữ vị trí Chủ tịch tiếp tục có phiên giảm mạnh 4,91% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức 108.400đ/cổ phiếu, đây cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của mã cổ phiếu này trong những phiên giao dịch gần đây.
Đại gia Đào Hữu Huyền mất thêm gần 400 tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh
Cùng với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia Đào Hữu Huyền cũng ghi nhận mức giảm thêm gần 400 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 23/7 bởi đà giảm của cổ phiếu đang nắm giữ. Tính theo giá thị trường đại gia 68 tuổi người Hưng Yên đang nắm giữ khối tài sản trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 7.745 tỷ đồng, trong đó riêng khối tài sản tại DGC có giá trị 7.566 tỷ đồng.
Không chỉ là một trong những đại gia hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông Đào Hữu Huyền còn được biết đến là một trong những doanh nhân gắn bó với sự nghiệp thể thao khi đang là "ông bầu" của đội bóng chuyền Hóa chất Đức Giang. Mới đây, Chủ tịch DGC gây chú ý khi treo thưởng 3 tỷ đồng cho đội tuyển nữ Việt Nam nếu giành HCV SEA Games 33 tổ chức tại Thái Lan vào năm 2025.
Trong khi đó, đà giảm mạnh của cổ phiếu DGC đến trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 3 tháng gần nhất DGC ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ gần 4% so cùng kỳ, lên mức 2.504 tỷ đồng.
Giá vốn chiếm 1.521 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt gần 983 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện từ mức 38,9% của cùng kỳ lên 39,3%.
Doanh thu tài chính kỳ này giảm gần 9% về mức 165 tỷ đồng. Ngoài ra, kỳ này DGC gánh khoản lỗ khác hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 502 triệu đồng. Do đó, DGC lãi ròng 842 tỷ đồng trong quý 2/2024, nhích nhẹ so mức 840 tỷ đồng của cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần của DGC đạt 4.889 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ. Lãi ròng lại sụt giảm gần 7% về mức 1.515 tỷ đồng. Năm 2024, DGC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.100 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, DGC cùng thực hiện được 48% về doanh thu và lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của DGC giảm nhẹ so đầu năm, xuống mức 15.349 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt giảm gần phân nửa xuống còn 474 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng lại tăng nhẹ lên 9.765 tỷ đồng.
Sau phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 24/7, chuyên gia công ty chứng khoán SSI cho rằng VN-Index đã đánh mất vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.238 - 1.240 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX giữ trạng thái yếu. Dù vậy, với đường trung bình động EMA 200 tại 1.217 - 1.220 điểm cận kề, kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể hồi phục trở lại khi tín hiệu RSI rơi vào vùng quá bán.
Chuyên gia công ty CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định vùng MA (150) sẽ có tác động hỗ trợ cho thị trường trong phiên giao dịch 24/07 và có thể giúp thị trường hồi phục. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục này có thể sẽ không chắc chắn và mang tính chất kiểm tra lại nguồn cung.
Nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước trạng thái bất ổn của thị trường và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn. Đồng thời vẫn cần cân nhắc những đợt hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Chuyên gia CTCK VPBank (VPBankS) đánh giá kể từ mức đỉnh 1.300 điểm, chỉ số VN-Index đã giảm gần 70 điểm khiến các chỉ báo kỹ thuật xấu đi rõ ràng. Trong đó, lực cầu bắt đáy vẫn chưa cản bước được đà đi xuống của thị trường, đặc biệt phiên 23/07 đã để mất ngưỡng tâm lý 1.250 điểm. Do vậy, nhà đầu tư chưa vội bắt đáy sớm, hỗ trợ của thị trường trong các phiên tới ở vùng 1.180-1.200 điểm.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước khi xin rời mọi chức vụ tại Đất Xanh Services, ông Phạm Anh Khôi là cái tên khá nổi tiếng trong giới đầu tư bởi là một chuyên gia quen mặt tại các chương trình, hội thảo về bất động sản.