Loạt tỷ phú Italy trình báo bị lừa bởi AI giả giọng Bộ trưởng Quốc phòng
Một số tỷ phú quyền lực tại Italy vừa trở thành mục tiêu lừa đảo khi tội phạm dùng AI giả giọng Bộ trưởng Quốc phòng gọi điện yêu cầu chuyển khoản quyên góp tiền.
Giới doanh nhân tinh hoa của Italy đang bị chấn động bởi một vụ lừa đảo sử dụng giọng nói do AI tạo ra, bắt chước giọng nói của Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto.
Vụ lừa đảo này nhắm vào một số ông trùm kinh doanh quyền lực nhất của Italy, bao gồm chủ tịch Pirelli, Marco Tronchetti Provera; nhà thiết kế thời trang Giorgio Armani; chủ tịch Prada Patrizio Bertelli; cựu chủ sở hữu Inter Milan, Massimo Moratti và các thành viên của gia đình tỷ phú Beretta và Menarini.
Tỷ phú, nhà thiết kế thời trang Giorgio Armani chào khán giả trong một buổi diễn thời trang hồi cuối tháng 1 tại Paris. Ảnh: Hola
Trong khi nhiều người ngay lập tức nghi ngờ, ít nhất một người đã bị thuyết phục và chuyển một triệu euro. Ông này được trấn an một cách sai trái rằng sẽ được Ngân hàng Italy hoàn tiền sau.
Hiện, ông và hai doanh nhân người Milan đã nộp đơn khiếu nại chính thức lên văn phòng công tố viên của thành phố.
Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto, hôm 10/2, cho biết cũng đã nộp đơn khiếu nại pháp lý sau khi giọng nói của ông bị sao chép và sử dụng trong các cuộc gọi lừa đảo này.
Các nhà chức trách cho biết vụ lừa đảo liên quan đến nhiều vòng gọi điện từ những người đóng giả làm nhân viên của Bộ trưởng quốc phòng Guido Crosetto và việc sử dụng AI để mô phỏng giọng nói của ông Crosetto một cách thuyết phục.
"Giọng nói của bộ trưởng đã bị sao chép. Giọng nói đó yêu cầu tiền chuộc cho các nhà báo Italy bị bắt cóc trên thế giới. Kẻ giả mạo Bộ trưởng nói: Tôi không thể trả bằng tiền của Bộ, nhưng ông sẽ lấy lại được tiền từ Ngân hàng Italy". Đó là một trò lừa bịp, không đúng sự thật", một viên chức Bộ Quốc phòng cho biết.
Các nhà điều tra cho biết các cuộc gọi này đến từ số điện thoại của nhân viên của Bộ trưởng Quốc phòng.
Những kẻ lừa đảo đã hành động chỉ vài tuần sau khi chính phủ đàm phán một vụ trao đổi con tin cấp cao trong đó một nhà báo trẻ người Italy được thả khỏi nhà tù của Tehran.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto đã lần đầu tiên lên tiếng cảnh báo về "vụ lừa đảo nghiêm trọng" này bằng một bài đăng trên mạng xã hội. Ông cho biết phát hiện ra vụ gian lận lần đầu tiên sau khi được một doanh nhân nổi tiếng chưa từng gặp trước đó liên lạc, nói vừa chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản ngân hàng, theo đề nghị của ông.
Bộ trưởng sau đó nhận được cuộc gọi từ một số doanh nhân hàng đầu khác, nói về việc được những người tự nhận là cấp dưới của ông, liên lạc để quyên tiền giải cứu các nhà báo Italy ở Trung Đông. Bộ trưởng vì thế muốn công khai sự việc "để không ai có nguy cơ rơi vào bẫy".
Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho hay đã gửi khiếu nại pháp lý về việc bị sao chép giọng nói để phục vụ mục đích lừa đảo. Ảnh: ANSA
"Họ là những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, rõ ràng có cả công nghệ và khả năng xác định mục tiêu. Trong trường hợp này, chúng đã xác định được những doanh nhân lớn của Italy, những người, theo yêu cầu của bộ trưởng có lẽ sẽ sẵn sàng thực hiện chuyển khoản ngân hàng vì tình yêu của họ với đất nước", Bộ trưởng Guido Crosetto nói trong một chương trình truyền hình hôm 9/2. Ngân hàng Italy 7/2 đã cảnh báo rằng những kẻ lừa đảo đã sử dụng sai tên và logo của ngân hàng để hứa rằng ngân hàng trung ương sẽ hoàn trả số tiền đã chuyển vào chương trình giải cứu giả mạo này.
Tuyên bố cho biết: "Ngân hàng Italy không liên quan theo bất kỳ cách nào đến những yêu cầu này", đồng thời cảnh báo mọi người cần báo cáo những lời đề nghị như vậy với cơ quan có thẩm quyền.
Giới doanh nhân tinh hoa của Italy không phải là những người đầu tiên trở thành mục tiêu của những vụ lừa đảo nhắm vào những cá nhân giàu có muốn giúp đỡ một cách kín đáo cho một chính phủ đang tìm cách giải cứu con tin.
Một thập kỷ trước tại Pháp, hơn 150 giám đốc công ty, nguyên thủ quốc gia, đại sứ và lãnh đạo tôn giáo đã bị liên lạc trong một vụ lừa đảo táo bạo khi một người đàn ông tự xưng là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp (khi đó là Jean-Yves Le Drian), yêu cầu hàng triệu euro cho các hoạt động tuyệt mật của chính phủ, bao gồm cả việc giải thoát các nhà báo Pháp bị bắt làm con tin ở Syria.
Mặc dù hầu hết nạn nhân đều cảm thấy có điều gì đó không ổn song những kẻ lừa đảo đã thu được 85 triệu USD.
Kẻ cầm đầu Gilbert Chikli đã bị kết án về nhiều tội danh gian lận vào năm 2020, án 11 năm tù.
Trước khi bị bắt, Phạm Thị Huyền Trang - đối tượng quản lý cao cấp đường dây lừa đảo 1000 tỷ đồng sang Campuchia thường xuyên khoe những hình ảnh về...
Nguồn: [Link nguồn]
-11/02/2025 06:51 AM (GMT+7)