Loạt lãnh đạo doanh nghiệp vốn hóa nghìn tỷ bất ngờ lui về “ở ẩn”
Chỉ trong thời gian ngắn, một loạt đại gia sở hữu khối tài sản từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng bất ngờ tuyên bố rời vị trí lãnh đạo doanh nghiệp để về “ở ẩn”.
Đại gia Đào Ngọc Thanh bất ngờ rời “ghế nóng” Vinaconex
Mới nhất, HĐQT Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của ông Đào Ngọc Thanh theo nguyện vọng cá nhân do tuổi cao, phải điều trị bệnh dài ngày. Ông Thanh được bầu làm Chủ tịch Vinaconex từ năm 2019 với tư cách là người đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng nắm hơn 57% cổ phần sau khi cổ đông Nhà nước thoái vốn.
Sau khi rời ghế Chủ tịch, ông Thanh đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng chiến lược vừa thành lập của Vinaconex. Hội đồng này có chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đề xuất các nội dung liên quan đến chiến lược, định hướng phát triển tổng công ty.
Ông Đào Ngọc Thanh rời vị trí Chủ tịch Vinaconex
Ông Đào Ngọc Thanh sinh ngày 30/12/1946 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ông vốn là kỹ sư xây dựng và trở thành giảng viên tại trường Đại học Xây dựng từ năm 1971. Ông Thanh hiện có bằng tiến sĩ xây dựng.
Dù không trực tiếp nắm giữ cổ phần tại VCG, ông Đào Ngọc Thanh là một trong những cổ đông lớn tại Công ty cổ phần đầu tư Pacific Holdings - một trong những cổ đông lớn của VCG khi doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 270 triệu cổ phiếu VCG tương đương 45,14% cổ phần.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần đầu tư Pacific Holdings được thành lập tháng 11/2021 với vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng. Do 5 cổ đông góp vốn, trong đó Công ty TNHH An Quý Hưng góp 7.094 tỷ đồng. Ông Đào Ngọc Thanh, Dương Văn Mậu, Nguyễn Xuân Đông và Nguyễn Hữu Tới mỗi người cùng góp 1,42 tỷ đồng.
Dù góp hơn 7.000 tỷ để thành lập Công ty cổ phần đầu tư Pacific Holdings, tuy nhiên tại thời điểm tháng 3/2023, Công ty TNHH An Quý Hưng chỉ có vốn đăng ký điều lệ 400 tỷ đồng do 2 cổ đông góp vốn gồm Nguyễn Xuân Đông góp 392 tỷ đồng và cổ đông Đỗ Thị Thanh góp 108 tỷ đồng.
Đại gia Nguyễn Trọng Thông rời vị trí Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô
CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) công bố thông tin nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch của ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953), người sáng lập và điều hành tập đoàn từ thập kỷ 90 đến nay. Ông Thông cho biết vì tuổi tác, sức khoẻ và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, ông muốn từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT công ty.
Ông Nguyễn Trọng Thông rời vị trí Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô
Dù không còn tham gia vào HĐQT, nhưng vì trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư, ông có thể vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho hoạt động của HĐQT sau khi chuyển giao với vai trò là "Chủ tịch sáng lập" để giúp đỡ HĐQT hoạt động ổn định, đảm bảo vốn đầu tư của cổ đông tiếp tục hiệu quả.
Tại Hà Đô, ông Thông hiện sở hữu hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG (tương đương 31,83% vốn). Với giá cổ phiếu HDG đang giao dịch quanh mức hơn 28.000 đồng/cổ phiếu, ước tính số cổ phiếu ông Thông nắm giữ có giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.
Tại Hà Đô, con trai ông Thông là ông Nguyễn Trọng Minh đang đảm nhận vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tại Hà Đô Group. Tập đoàn Hà Đô hoạt động ở 3 lĩnh vực chính gồm Bất động sản, năng lượng, đầu tư tài chính.
Đại gia Lương Trí Thìn “lui về ở ẩn”
Vào đầu tháng 7, ông Lương Trí Thìn đã rời ghế Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG). Tương tự Vinaconex, HĐQT Tập đoàn Đất Xanh quyết định thành lập Hội đồng chiến lược và thống nhất giao ông Lương Trí Thìn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch. Ông Lương Trí Thìn vẫn là thành viên HĐQT và là cổ đông lớn nhất của công ty khi đang trực tiếp nắm giữ hơn 122,37 triệu cổ phiếu DXG. Tính theo giá thị trường khối tài sản ông Thìn đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 1.700 tỷ đồng.
Ông Lương Trí Thìn đã rời ghế Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đất Xanh
Người thay ông Lương Trí Thìn đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Đất Xanh là ông Lương Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc công ty. Theo tìm hiểu, vị doanh nhân này sinh năm 1970 tại Hưng Yên. Ông Huy từng công tác tại Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh từ tháng 1/1996, trải qua nhiều vị trí như nhân viên kế toán, Phó phòng Quản trị thiết bị và gần nhất là Trưởng phòng Quản trị thiết bị.
Ông Lương Ngọc Huy từng giữ chức Phó Giám đốc Pháp lý dự án kiêm Phó Giám đốc phòng đầu tư miền Bắc của Đất Xanh Group từ tháng 9/2023. Tại vị trí này, ông Huy từng đảm nhiệm các chức năng quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, bao gồm xúc tiến đầu tư và pháp lý đầu tư - xây dựng. Vào tháng 4/2024, ông được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT công ty và đến tháng 6/2024 thì kiêm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc công ty.
Nữ đại gia Huỳnh Bích Ngọc rời vị trí lãnh đạo công ty mía đường và địa ốc
Trong khi đó bà Huỳnh Bích Ngọc cũng vừa từ nhiệm vị trí Chủ tịch CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa - TTC AgriS (SBT) vào giữa tháng 7. Sau khi rời ghế Chủ tịch bà Ngọc sẽ giữ vai trò cố vấn cấp cao cho HĐQT. Bà Ngọc hiện sở hữu 69,3 triệu cổ phần, chiếm 9,09% vốn TTC AgriS.
Bà Huỳnh Bích Ngọc rời vị trí lãnh đạo TTC AgriS và TTC Land
Trước đó bà Huỳnh Bích Ngọc xin rút lui khỏi vị trí Chủ tịch CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (SCR) với lý do theo nguyện vọng cá nhân. Bà Ngọc từng giữ vị trí Phó chủ tịch và mới trở lại vị trí Chủ tịch từ năm 2022. Bà Ngọc cũng đang nắm giữ 72.280 cổ phiếu SCR. Tính theo giá thị trường, khối tài sản bà Ngọc đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 900 tỷ đồng.
Trong khi đó, thay thế bà Ngọc ở vị trí lãnh đạo tại SBT là bà Đặng Huỳnh Ức My. Bà My là con gái bà Huỳnh Bích Ngọc, nữ doanh nhân này sinh năm 1981, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và tài chính tại Đại học Preston, New Zealand. Bà My từng giữ vị trí Chủ tịch Công ty mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh vào 2012-2015. Tháng 10/2019, bà là Phó chủ tịch Thành Thành Công - Biên Hòa. Bà My đang sở hữu gần 155 triệu cổ phiếu SBT của doanh nghiệp này, chiếm 19,02% vốn.
Gần như trắng doanh thu, tuy nhiên chủ đầu tư dự án 1,5 tỷ USD tại Đông Anh của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn ghi nhận lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi ngày.
Nguồn: [Link nguồn]