Khối tài sản gia đình tỷ phú Trần Đình Long bị thổi bay hơn 600 tỷ đồng
Trái ngược với đà tăng điểm tích cực của thị trường, khối tài sản của gia đình tỷ phú Trần Đình Long vẫn bị thổi bay hơn 600 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tuần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 21/2 diễn biến tích cực khi sắc xanh chiếm ưu thế. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 6 điểm (0,4%) lên mức 1.510,84 điểm.
Chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng 5,38 điểm (1,24%) lên mức 440,99 điểm. Trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index ghi nhận mức tăng 0,95 điểm (0,84%) đạt con số 113,67 điểm.
Trái ngược với đà tăng điểm tích cực của thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần, mã cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát doanh nghiệp do tỷ phú Trần Đình Long giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị vẫn ghi nhận mức giảm 400 đồng/cổ phiếu để đóng cửa ở mức giá 46.650 đồng/cổ phiếu. Dù chỉ giảm 0,85%, nhưng theo VNDirect mức giảm này khiến HPG đứng thứ 3 trong danh sách những mã cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch đầu tuần.
Khối tài sản gia đình tỷ phú Trần Đình Long bị thổi bay hơn 600 tỷ đồng dù chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 6 điểm
Cùng với mức giảm của cổ phiếu HPG trong phiên giao dịch ngày 21/2 vừa qua, khối tài sản của gia đình tỷ phú Trần Đình Long cũng bị “thổi bay” hơn 625 tỷ đồng.
Cụ thể, tài sản của vị doanh nhân 61 tuổi người Hải Dương ghi nhận mức giảm hơn 466 tỷ đồng. Tài sản của bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Long ghi nhận mức giảm hơn 131 tỷ đồng. Trong khi khối tài sản của người con trai Trần Vũ Minh cũng ghi nhận mức giảm gần 28 tỷ đồng nữa.
Dù giảm gần nửa nghìn tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 21/2, tuy nhiên tính theo thị giá của HPG, tỷ phú Trần Đình Long vẫn đang sở hữu khối tài sản lên tới 54.412 tỷ đồng để vững vàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, dù đứng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng vợ tỷ phú Trần Đình Long – bà Vũ Thị Hiền vẫn là nhân vật bí ẩn với giới đầu tư và cả truyền thông.
Trong năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã sản xuất 5,45 triệu tấn thép, trong đó xuất khẩu 1,62 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt 90 nghìn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 13.600 lao động với thu nhập bình quân gần 11 triệu đồng/người/tháng.
Tập đoàn đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hòa Phát Dung Quất 2, với tổng mức đầu tư 85 nghìn tỷ đồng, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng. Dự kiến cuối quý 1 này sẽ khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2024. Khi đó, tổng sản lượng của Thép Hòa Phát Dung Quất đạt 11 triệu tấn thép/năm, đóng góp ngân sách khoảng 18 nghìn tỷ đồng.
Cũng liên quan đến cổ phiếu HPG, mới đây ông Nguyễn Ngọc Quang, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, thời gian dự kiến từ 18/2 đến 19/3/2022.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 22/2, các chuyên gia của CTCK MB (MBS) nhận định dòng tiền vào thị trường đang tăng dần nhưng chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhỏ khi đà phục hồi đã lấy lại hơn một nửa mức giảm 3 tuần liên tiếp hồi đầu năm 2022.
MBS cho rằng, thị trường đang có sự phân hóa khi các nhóm cổ phiếu dẫn dắt lần lượt được luân phiên sử dụng, chẳng hạn như nhóm cổ phiếu chứng khoán ở phiên 21/02. Do vậy nhà đầu tư nên kiên trì với danh mục đã chọn, hạn chế đua giá cao trong phiên tăng mạnh. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các phiên sắp tới và dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ sẽ là xu hướng chủ đạo.
Các chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định dòng tiền đang có sự quay trở lại thị trường để tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Do đó, SHS kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể nối tiếp đà tăng điểm để thu hẹp dần khoảng cách với mục tiêu tiếp theo của chỉ số là vùng kháng cự trong khoảng 1.530 - 1.550 điểm.
Tương tự, các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường có thể trở nên tích cực hơn nếu VN-Index vượt qua vùng kháng cự 1.515 – 1.520 điểm (vùng đỉnh tháng 11/2021 và tháng 2/2022), kèm thanh khoản cải thiện.
Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 22/02, sự giằng co có thể sẽ diễn ra trong phiên sáng giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.505 - 1,510 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.515 – 1.520 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Trong khi đó, các chuyên gia của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường tiếp tục có nỗ lực hồi phục và kiểm tra vùng cản. Hiện tại, nhà đầu tư vẫn đang tranh thủ chốt lời ngắn hạn khi thị trường tăng điểm, thể hiện qua thanh khoản tăng với thân nến hẹp dẫn đến diễn biến tranh chấp tại vùng cản.
Điểm tốt trong phiên giao dịch ngày 21/2 là thị trường nhìn chung vẫn duy trì tại vùng giá xanh nên quá trình thăm dò cản có thể sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo, vùng quanh 1.512 điểm đối với VN-Index và vùng gần 1.540 điểm đối với VN30-Index. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần lưu ý áp lực chốt lời đang gây khó khăn cho thị trường.
Trước khi trở thành một trong những đơn vị sản xuất thuốc điều trị Covid-19, doanh nghiệp dược này đã trải qua quãng thời gian dài lợi nhuận kinh doanh suy giảm.
Nguồn: [Link nguồn]