Hòa Phát lãi lớn, nhà tỷ phú Trần Đình Long vẫn bị thổi bay hơn 8.000 tỷ đồng
Trong 3 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, khối tài sản của gia đình tỷ phú Trần Đình Long vẫn bị thổi bay hơn 8.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong quý I/2022. Trong đó doanh thu tăng trưởng 41% đạt mức 44.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
3 tháng đầu năm 2022, sản xuất gang thép và các sản phẩm thép tiếp tục là mảng kinh doanh chủ lực đóng góp 90% vào kết quả chung của tập đoàn. Doanh nghiệp cho biết quý đầu năm vẫn gặp khó khăn từ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt tăng cao. Tuy nhiên, các nhà máy của Hòa Phát luôn hoạt động hết công suất với sản lượng 2,16 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ.
Về công tác bán hàng, các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng ghi nhận mức tăng 12% so với cùng kỳ đạt 2,17 triệu tấn.
Khối tài sản gia đình tỷ phú Trần Đình Long nắm giữ bị thổi bay hơn 8.000 tỷ đồng bất chấp kết quả kinh doanh của Hòa Phát tăng ấn tượng trong quý 1/2022
Cụ thể thép xây dựng thành phẩm là 1,34 triệu tấn, tăng trưởng 57%. Thép cuộn cán nóng trong 3 tháng đầu năm đạt 763.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2021. Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ lần lượt là 207.000 tấn và 105.000 tấn, tương ứng mức tăng 13% và 43% so với cùng kỳ.
Với lĩnh vực bất động sản, các khu công nghiệp của Hòa Phát như Phố Nối A, Yên Mỹ II tiếp tục được đầu tư mở rộng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tập đoàn cũng đang nghiên cứu, triển khai một số dự án bất động sản khu đô thị có tính thanh khoản cao tại một số tỉnh, thành phố.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát duy trì mức sản lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu giá thành khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Về lĩnh vực điện máy gia dụng (ngoài tủ lạnh, tủ đông và điều hòa không khí), Hòa Phát bắt đầu cung cấp máy làm mát không khí từ quý I và đang đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy sản xuất mới tại tỉnh Hà Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sản phẩm chính của các nhà máy này là máy lọc nước, máy lọc không khí, tủ mát… và dự kiến ra mắt sản phẩm từ quý III.
Tuy nhiên, trái ngược với kết quả kinh doanh tích cực của HPG trong 3 tháng đầu năm, trên thị trường chứng khoán thị giá cổ phiếu doanh nghiệp lại ghi nhận mức giảm đáng kể so với chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 26/4, thị giá cổ phiếu HPG ghi nhận mức giảm 5.200 đồng/cổ phiếu so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2021. Với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 1,564 tỷ cổ phiếu, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cùng vợ Vũ Thị Hiền và con trai Trần Vũ Minh ghi nhận mức giảm tới hơn 8.100 tỷ đồng.
Thậm chí nếu so với mức giá 51.100 đồng thiết lập ngày 7/3/2022, khối tài sản của gia đình tỷ phú người Hải Dương thậm chí ghi nhận mức giảm tới hơn 15.486 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 26/4, khối tài sản gia đình tỷ phú Trần Đình Long đang nắm giữ có giá trị 64.450 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM), ông Nguyễn Hạnh Phúc đã được bầu vào Hội đồng quản trị của doanh nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]