Điểm lại những tỷ phú Việt khởi nghiệp với mì gói
Ngành mì gói có một vị trí đặc biệt đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam khi mà không ít doanh nhân Việt sở hữu doanh nghiệp nghìn tỷ hiện nay đều từng khởi nghiệp với mì gói tại Đông Âu.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup từng nổi tiếng với nhãn hiệu mì mang tên Mivina tại Ukraina.
Trong giai đoạn 1996-2002, khi khủng hoảng kinh tế, tài chính xảy ra và chế độ tem phiếu được áp dụng cho hàng loạt mặt hàng tại Ukraine, ông Phạm Nhật Vượng cùng các cộng sự bắt đầu sản xuất mì ăn liền với tên gọi Mivina.
Thương hiệu này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Kharkov và sau này nổi tiếng trên toàn Ukraine.
Ngoài Ukraine, thương hiệu mì ăn liền Mivina của ông Vượng còn được bán rộng rãi tại 30 quốc gia trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel...
Từ sản phẩm đầu tiên là mì ăn liền, nhà máy của ông Vượng bắt đầu sản xuất thêm mặt hàng mới là khoai tây nghiền rồi đến các mặt hàng từ gia vị cho tới bao bì sản phẩm... Công ty Technocom cũng ra đời từ đó.
Đầu những năm 2000, khi việc làm ăn đang thuận lợi, ông Phạm Nhật Vượng đã quyết định bán lại doanh nghiệp của mình tại Kharkov và trở về Việt Nam lập nghiệp.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang
Ít người biết được, ông Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch Tập đoàn Masan khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây.
Sau một thời gian, ông Quang đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt.
Ông chủ Tập đoàn Masan từng đề cập đến việc khởi nghiệp bằng mì gói tại ĐHĐCĐ tập đoàn. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho biết: "Bối cảnh khó khăn lúc đó buộc chúng tôi phải chọn mì gói". Hơn 20 năm trước, tình hình kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhu cầu của người dân là làm sao được ấm bụng và cách nhanh nhất là một gói mì.
Đến một ngày, ông Quang nhận ra rằng, không chỉ có người Việt Nam cần dùng mì gói, mà hơn 140 triệu người Nga cũng cần.
Thời điểm đó, người Nga chưa có thói quen ăn mì. Từ việc chỉ bán mì cho người Việt tại Nga, Chủ tịch Masan đã đầu tư nhà máy đầu tiên với công suất 30 triệu gói/tháng để mở rộng tập khách hàng. Chính vì thế, ông Quang được gắn biệt danh "người dạy dân Nga cách ăn mì gói".
Tỷ phú Đặng Khắc Vỹ
Ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank) và ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch VIB) được biết đến là người sáng lập ra thương hiệu mì Rollton nổi tiếng nước Nga cho đến ngày nay.
Ông Đặng Khắc Vỹ vẫn đang là Chủ tịch của Mareven Food Holdings, công ty mẹ của Mareven Food Central, đơn vị nắm 46% thị phần mì gói của Nga với mức tiêu thụ 2 tỷ phần mỗi năm. Sản phẩm của Mareven cũng được xuất khẩu đi 25 nước.
Năm 2008, nhóm chủ người Việt của Mareven Food Central bán 33,5% cổ phần cho Nissin (ông lớn ngành mì Nhật Bản) với giá 296,4 triệu USD, tương ứng định giá 885 triệu USD thời điểm đó.
Đáng chú ý, tại Việt Nam, ông Đặng Khắc Vỹ và Ngân hàng VIB có mối quan hệ khăng khít với Uniben- nhà sản xuất mì nằm trong top 5 với thương hiệu mì "3 miền" và "Reeva".
Kể từ khi cổ phiếu SHB lập đỉnh đầu tháng 6/2021, khối tài sản nghìn tỷ của gia đình bầu Hiển đã liên tục lao dốc...
Nguồn: [Link nguồn]