Đại gia tuần qua: Thiếu tiền trả nợ, bầu Đức rao bán khách sạn lớn nhất Tây Nguyên

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Để có nguồn tiền trả nợ, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai HAGL đã công bố nghị quyết về việc triển khai thực hiện thanh lý tài sản.

Bầu Đức bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai lớn nhất Tây Nguyên để trả nợ

Tài sản được thanh lý là tài sản gắn liền với đất là công trình khách sạn HAGL tọa lạc ngay Quảng trường Phù Đổng - Trung tâm TP Pleiku - một vị trí đắc địa của thành phố núi này.

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai hoạt động từ năm 2005, là khách sạn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên với 117 phòng ngủ.

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hoạt động từ năm 2005 

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hoạt động từ năm 2005 

HAGL cho biết toàn bộ số tiền thu về từ chuyển nhượng khách sạn HAGL sẽ được ưu tiên thanh toán cho lô trái phiếu tại BIDV phát hành năm 2016.

Tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 8 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT HAGL, xác nhận đang nợ ngân hàng khoảng 7.600 tỉ đồng đều có tài sản đảm bảo và gần 3.000 tỉ đồng lỗ lũy kế. So với đỉnh nợ năm 2018 của HAGL là 29.000 tỉ đồng thì "không là gì" nhưng vẫn mang tiếng nợ.

Chủ tịch HAGL nêu lộ trình trả hết nợ vào năm 2026 và sẽ không vay vốn tiếp để đầu tư. Nguồn tiền trả nợ từ việc thu hồi nợ, bán tài sản đã khấu hao xong không còn sinh lợi và tiền lãi hằng năm.

Mỗi ngày thu về hơn 10 tỷ, đại gia bút bi lãi bao nhiêu?

CTCP Tập đoàn Thiên Long vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với doanh thu thuần 2.511 tỷ đồng, giảm nhẹ 12 tỷ so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu  đạt 600 tỷ đồng giảm 1% so với cùng kỳ khi tình hình kinh doanh các sản phẩm OEM (sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác) gặp khó khăn.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 14% lên 730 tỷ đồng.Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế 8 tháng của Thiên Long giảm 23% so với cùng kỳ, xuống 305 tỷ đồng. Còn tính riêng tháng 8, Thiên Long mang về 293 tỷ đồng doanh thu thuần và 28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Biên lợi gộp 8 tháng được duy trì ở mức 44% do thay đổi trong cơ cấu bán hàng. Còn biên lãi ròng 8 tháng là 12%, giảm so với mức 16% cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải kết quả kinh doanh suy giảm, Thiên Long giải trình do nhu cầu đầu tư và dự trữ nhóm hàng văn phòng phẩm tại các điểm bán (POS) không tăng nhiều so với năm ngoái. Kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt với OEM cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ bối cảnh ảm đạm của thị trường quốc tế.

Quyền Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank xuất thân thế nào?

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Hải làm Quyền Tổng giám đốc Eximbank kể từ ngày 3/10. Thời gian bổ nhiệm có hiệu lực là 1 năm. Đáng chú ý, chỉ cách đây 2 tháng ông Hải mới gia nhập Eximbank khi được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank từ ngày 2/8.

Ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank

Ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank

Theo giới thiệu, ông Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1978, là thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế - Đại học tổng hợp Radboud (Hà Lan). Ông từng có 11 năm làm việc tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance, mã chứng khoán EVF). Ông cũng từng là thành viên Hội đồng Đầu tư ABBank, Phó tổng giám đốc ABBank Asset Management.

Trong số các ngân hàng, Eximbank là nhà băng thường xuyên ghi nhận sự xáo trộn mạnh trong bộ máy nhân sự cấp cao. Cuối tháng 6 năm nay, bà Đỗ Hà Phương được bầu làm chủ tịch, thay thế cho bà Lương Thị Cẩm Tú. Trước đó vào tháng 2 năm ngoái, bà Phương bắt đầu gia nhập Eximbank với chức danh thành viên Hội đồng quản trị.

“Đại gia” cung cấp sở hữu kỳ nghỉ Vịnh Thiên Đường lỗ hơn 2 tỷ đồng mỗi ngày

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, doanh nghiệp đầu tư và phát triển dự án Alma Resort Cam Ranh vừa công bố số liệu tài chính tài chính năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế gần 832 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 18,6% so với mức lỗ hơn 701 tỷ đồng của năm 2021. Tính trung bình, mỗi ngày trong năm 2022, doanh nghiệp lỗ gần 2,3 tỷ đồng.

Đáng lưu ý hơn, tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của công ty này ở mức âm gần 1.576 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ đồng so với năm 2021.

Không chỉ âm vốn chủ sở hữu, Vịnh Thiên Đường duy trì đòn bẩy tài chính lớn. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu cuối năm ngoái là âm 3,67 lần. Năm 2021 tỷ lệ này cũng ở mức âm 8,6 lần. Như vậy, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 tương ứng là khoảng 5.783 tỷ đồng, tương đương mức cuối năm 2021.

Nguồn: [Link nguồn]

Cuộc sống sang chảnh ”vạn người ước” ở Dubai của cô nàng ”từ gái quê thành triệu phú”

Cô nàng hiện là một triệu phú đô la nổi tiếng khắp thế giới. Cuộc sống của cô gái này luôn được nhiều người ngưỡng mộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN