Đại gia tuần qua: Người được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền rời ghế Phó tổng FLC
Bà Hải Yến trước đó đã có đơn xin thôi giữ chức vụ này.
Bà Vũ Đặng Hải Yến rời ghế Phó tổng FLC
Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC vừa có thông báo về việc chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc của bà Vũ Đặng Hải Yến.
Nguyên nhân vì bà Hải Yến trước đó đã có đơn xin thôi giữ chức vụ này. Bà Yến cho biết trong thời gian tới, vì một số lý do cá nhân nên bà không thể tiếp tục đảm nhiệm được công việc do HĐQT giao trên cương vị phó tổng giám đốc. Vì vậy, bà đề nghị HĐQT xem xét, chấp thuận cho thôi giữ chức vụ tại Tập đoàn FLC.
Bà Vũ Đặng Hải Yến
Bà Vũ Đặng Hải Yến sinh năm 1978, có trình độ tiến sĩ Luật kinh tế. Bà từng là giảng viên, phó trưởng bộ môn Luật Thương mại tại Đại học Luật Hà Nội.
Ngày 29/3 vừa qua, bà Hải Yến là người được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền thay mặt và đại diện thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Bamboo Airways, cũng như toàn bộ quyền cổ đông của ông Quyết tại hai doanh nghiệp nói trên.
Ngoài ra, ông Quyết còn ủy quyền cho bà Yến toàn bộ các quyền liên quan đến tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu của ông. Bà Yến sau đó đã thay ông Quyết thực hiện quyền chủ tịch HĐQT FLC và Bamboo Airways trong 2 ngày, đến ngày 31/3, HĐQT 2 doanh nghiệp này đã bầu ông Đặng Tất Thắng làm chủ tịch mới.
Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đã nộp bao nhiêu tiền thuế vào ngân sách?
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước gần 7.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021, vượt xa số nộp của cả năm 2020.
Cụ thể, tổng số nộp thuế, phí các loại của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất bao gồm thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa… đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ và đóng góp nhiều nhất trong số các công ty thành viên của Hòa Phát.
Số tiền Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long nộp vào ngân sách Nhà nước tăng mạnh
Với gần 1.600 tỷ đồng, Thép Hòa Phát Hải Dương đứng thứ 2 trong số các công ty của Hòa Phát có số nộp ngân sách cao nhất, tăng 48% so với cùng kỳ. Năm 2021, Công ty đã nộp vào ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, số nộp riêng trên địa bàn Hải Dương là 1.758 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, trở thành doanh nghiệp đóng góp thuế lớn nhất tỉnh Hải Dương. Số nộp của Thép Hòa Phát Hải Dương chiếm tỷ trọng 13,3% tổng thu thường xuyên toàn tỉnh, chiếm 44% số thu của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Một số công ty thành viên của Tập đoàn có số nộp lớn cho ngân sách Nhà nước gồm: Ống thép Hòa Phát, Điện máy gia dụng Hòa Phát, Khoáng sản An Thông và Tôn Hòa Phát, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Thép Hưng Yên….
Được mua hơn 5,7 triệu cổ phiếu giá rẻ, Shark Hưng bỏ túi thêm chục tỷ đồng tiền thưởng
CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land, CRE) sẽ phát hành xấp xỉ 201,6 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 với giá bán 10.000 đồng/cp. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 24/8 - 9/9, thời gian đăng ký mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 24/8 - 13/9/2022.
Đồng thời, Cen Land dự kiến phát 60,48 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 100:30, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 30 cổ phiếu mới.
Với việc đang là cổ đông cá nhân lớn nhất tại CRE, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) sẽ có quyền mua hơn 5,7 triệu cổ phiếu phát hành thêm với giá rẻ hơn tới 45% so với mức giá kết phiên giao dịch ngày 13/7 của CRE (22.100 đồng/cp).
Bên cạnh đó, Shark Hưng cũng nhận được thêm hơn 1,7 triệu cổ phiếu thưởng từ đợt phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn của doanh nghiệp. Tính theo mệnh giá, số cổ phiếu thưởng Shark Hưng được chia có giá trị hơn 17 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến xin tạm hoãn công bố thông tin mở thủ tục phá sản
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến đã có công văn đề nghị HOSE cho tạm hoãn công bố thông tin mở thủ tục phá sản đến khi có kết luận của cấp có thẩm quyền. Nguyên do là ITA đánh giá việc công bố thông tin về quyết định của tòa án mở thủ tục phá sản trong khi căn cứ mở thủ tục phá sản dựa vào bản án có nhiều sai phạm, trái pháp luật sẽ gây bất lợi cho Công ty, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, ITA đã có đơn kêu cứu bị ép phá sản gửi các cấp có thẩm quyền và các cấp đã có chỉ đạo giải quyết đơn kêu cứu của Công ty.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến
Trả lời công văn trên, HOSE cho biết không có thẩm quyền tạm hoãn công bố thông tin của tổ chức niêm yết, đồng thời việc chậm công bố thông tin của ITA vi phạm quy định về công bố thông tin. Do đó, HOSE đề nghị ITA thực hiện theo quy định về công bố thông tin để đảm bảo nghĩa vụ của tổ chức niêm yết và quyền lợi của cổ đông.
Đối với các nội dung liên quan đến Quyết định của Tòa án, HOSE gợi ý Công ty có thể công bố bổ sung các giải trình giải thích để cổ đông/nhà đầu tư được tiếp cận thông tin đầy đủ.
Doanh nghiệp của bầu Đức lãi lớn
Mới đây HAG của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã có thư gửi các cổ đông cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, HAG của bầu Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.867 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của HAG nửa đầu năm là từ ngành cây ăn trái với gần 1.100 tỷ đồng, ngành chăn nuôi thu về 439 tỷ đồng và 334 tỷ đồng đến từ ngành phụ trợ.
Với kết quả kinh doanh này, doanh thu của HAG đã tăng đột biến trong quý 2 bởi ở 3 tháng đầu năm doanh nghiệp của bầu Đức chỉ ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 31,6 tỷ đồng.
Theo số liệu được công bố, trong 6 tháng đầu năm, HAG của bầu Đức đã xuất ra thị trường hơn 82.000 con heo thịt (lợn thịt) và gần 110.000 tấn cây ăn trái, trong đó chuối xuất khẩu đạt hơn 81.000 tấn, chuối còn lại dùng làm thức ăn gia súc.
Sau khi trừ các chi phí, HAG báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2022 đạt 531 tỷ đồng, gấp hơn 66,4 lần so với số lãi sau thuế chỉ 8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Căn chung cư ở Định Công (Hà Nội) có diện tích 60m2 được gia chủ cải tạo theo phong cách Nhật Bản. Tổng chi phí hoàn thiện dao động khoảng 150 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]