Đại gia tuần qua: Lao đao tại Lào, hai dự án thuỷ điện của bầu Đức vẫn “chờ thanh lý”

Sự kiện: Kinh Doanh

Năm 2019 tiếp tục là năm tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp của bầu Đức gặp nhiều khó khăn.

HAGL sắp bán xong hai dự án thủy điện tại Lào?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí III của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), doanh nghiệp của bầu Đức "đang thanh lý" hai doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy điện là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu - Nậm Kông 2 (trụ sở tại Viêng Chăn, Lào) và Công ty TNHH Nậm Kông 3 (trụ sở tại Attapeu, Lào). Đây là hai doanh nghiệp do HAGL sở hữu 99,4%. 

Trước đó, báo cáo tài chính bán niên 2019 soát xét của HAGL vẫn để tình trạng hoạt động của hai dự án Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 là "chờ thanh lý". 

Tại thời điểm 30/9/2019, HAGL đã nhận ứng trước 2.216 tỉ đồng từ các giao dịch mua dự án thủy điện. Đây là số tiền từ hợp đồng ký kết với Công ty Chaleun Sekong Group (CSG) bán hai dự án thủy điện Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2019 sau khi thực hiện xong các thủ tục pháp lý.

Tại báo cáo tài chính quý 3 của HAGL, một sự thay đổi đáng chú ý khác là việc không còn sự xuất hiện của CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn, nhiều khả năng công ty này cũng đã bị HAGL thanh lý trong quí III. 

Năm 2019 tiếp tục là năm bầu Đức gặp nhiều khó khăn.

Năm 2019 tiếp tục là năm bầu Đức gặp nhiều khó khăn.

HAGL hiện chỉ còn một doanh nghiệp thủy điện đang hoạt động là CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai (trụ sở tại Gia Lai), tỷ lệ sở hữu 99,4%. Trong tháng 9, Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai nhận chuyển nhượng 80% vốn góp của Công ty TNHH V&H (trụ sở tại Lào) từ công ty mẹ HAGL. Đáng nói, Công ty TNHH V&H được HAGL thành lập năm 2009, lại là doanh nghiệp chuyên đầu tư bất động sản và trồng cao su tại Lào.

Doanh thu của HAGL thời điểm hiện tại chủ yếu đến từ mảng trái cây, đóng góp khoảng 64%, các hoạt động nông nghiệp khác như bán mủ cao su và bán ớt đóng góp lần lượt 13% và 9%. 

Sau 9 tháng đầu năm 2019, công ty của "bầu" Đức chỉ đạt doanh thu thuần 1.480 tỉ đồng, giảm mạnh so với cùng kì, lỗ ròng tới 1.266 tỉ đồng. Trong năm, HAGL đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, đánh giá lại và thanh lý tài sản bao gồm các công ty cao su cho Thadi. Nguồn tiền thu được dùng để trả nợ vay các ngân hàng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, HAGL đã thu khoảng 8.537 tỉ đồng từ thu hồi góp vốn vào các đơn vị khác trong năm nay, thu từ đi vay 2.715 tỉ đồng, nhưng cũng chi trả gốc lãi vay tới 6.521 tỉ đồng. 

Xe VinFast là phương tiện di chuyển chính thức của ASEAN 2020

Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Tiểu ban Vật chất - Hậu cần thuộc Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã ký kết và bàn giao xe VinFast phục vụ Hội nghị ASEAN 2020.

Theo thỏa thuận, VinFast sẽ lần lượt bàn giao 393 ô tô từ nay đến tháng 9/2020 cho Tiểu ban Vật chất - Hậu cần, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 sử dụng để đưa đón đại biểu trong thời gian đến Việt Nam tham dự Hội nghị. Tất cả xe này đều đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn và tiêu chuẩn lễ tân đối ngoại của Bộ Ngoại giao.

Ngoài việc tài trợ xe, VinFast cũng sẽ chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ liên quan đảm bảo xe luôn hoạt động trong điều kiện tốt nhất theo khung dịch vụ chuẩn của VinFast trong suốt quá trình tham gia sự kiện.

Các lái xe quân đội do Tiểu ban Vật chất - Hậu cần huy động từ Bộ Quốc phòng sẽ đảm nhận vai trò lái xe phục vụ Hội nghị ASEAN 2020. Trước khi bàn giao xe, VinFast đã tổ chức các khóa tập huấn lý thuyết và thực hành cho lực lượng lái xe, nhằm đảm bảo việc vận chuyển đại biểu được thực hiện một cách an toàn, thuận lợi.

Được biết, năm 2020, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức khoảng 150 hội nghị các cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Đà Lạt… Thành phần tham dự là các lãnh đạo, thành viên chính phủ, các quan chức cấp cao của 10 quốc gia ASEAN và các nước đối tác.

Truy nã đặc biệt Tổng giám đốc Bavico

Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vừa phát lệnh truy nã đặc biệt đối với bị can Đinh Tiến Sử, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt và cũng là chủ khách sạn Bavico ở Nha Trang.

Trước đó, ngày 24/10, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Đinh Tiến Sử (SN 1972, trú quận Tân Bình, TP HCM) để điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt.

Bước đầu, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định, ông Sử có hành vi bán căn hộ đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho nhiều người dân tại 2 dự án khách sạn Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt. Tuy nhiên, hiện nay ông Sử không có mặt tại nơi làm việc và nơi cư trú, không biết rõ bị can đã đi đâu.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, các khách hàng mua căn hộ du lịch tại khách sạn Bavico International Hotel Nha Trang nhiều lần căng băng rôn đòi quyền lợi và có đơn kêu cứu lên các bộ, ngành TƯ. Đây là khách sạn được xây dựng trên đất quốc phòng, tại số 2, Phan Bội Châu, TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Theo đơn kêu cứu của khách hàng mua căn hộ, trước đó vào giữa năm 2015, một số trang báo liên tục đăng thông tin rao bán căn hộ du lịch tại khách sạn Bavico International Hotel Nha Trang của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bạch Việt với cam kết cấp sổ đỏ trong vòng 5 năm và thuê lại căn hộ du lịch để kinh doanh với lợi nhuận hấp dẫn (15%/năm).

Do đó, nhiều người đã quyết định mua căn hộ du lịch tại khách sạn này. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay (hơn 3 năm), các chủ căn hộ du lịch gần như không nhận được bất kỳ các khoản tiền lợi nhuận nào từ hợp tác kinh doanh như Công ty Bạch Việt đã ký cam kết, ngoại trừ 15% lợi nhuận kinh doanh năm thứ nhất nhận ngay sau khi ký hợp đồng.

Cổ đông lớn Đinh Việt Thanh thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc Petroland

HĐQT CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC (Petroland) vừa có quyết định về việc miễn nhiệm chức danh Phó Giám đốc công ty đối với ông Đinh Việt Thanh kể từ ngày 8/11. Theo đó, ông Đinh Việt Thanh có trách nhiệm bàn giao lại các công việc đang thực hiện cho Giám đốc công ty trước ngày 12/11.

Ông Đinh Việt Thanh bắt đầu giữ chức vụ Phó Giám đốc Petroland kể từ tháng 11/2018. Trước đó, ông được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT công ty kể từ tháng 6/2017.

Ngoài chức vụ tại Petroland, ông Thanh hiện đang làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Dầu khí Mỹ Phú (công ty con do Petroland sở hữu 90,16% vốn cổ phần) và Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Sài Gòn Hoàn Cầu.

Ông Đinh Việt Thanh cũng từng được biết đến là cổ đông lớn của Petroland với hơn 15 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ sở hữu 15,23%. Tuy nhiên, cựu phó giám đốc Petroland vừa hoàn tất bán toàn bộ cổ phần và không còn là cổ đông của công ty từ ngày 29/10.

Như vây, cơ cấu cổ đông của Petroland có sự thay đổi lớn khi một lãnh đạo khác là thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Văn Hạnh bán toàn bộ 587.000 cổ phần; trong khi đó cổ đông lớn Nguyễn Thị Trường An cũng bán gần hết hơn 5,8 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Thay vào đó là sự xuất hiện của hai cổ đông lớn Đoàn Văn Đức và Trần Thị Ngọc Cư với tỉ lệ sở hữu lần lượt 17,47% và 19,63%.

Những thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Petroland diễn ra sau khi công ty quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Bùi Minh Chính vào đầu tháng 10, sau thông tin về việc ông Bùi Minh Chính bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cổ phiếu BAV của Bamboo Airways được một công ty định giá tới 82.280 đồng

Theo tin từ Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Thẩm định giá và Giám định chất lượng Việt Nam (VIVC) vừa định giá cổ phiếu BAV của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) ở mức 82.280 đồng/cổ phiếu.

Mức giá 82.280 đồng/cp mà VIVC mới đưa ra cao hơn giá khởi điểm dự kiến của Bamboo Airways.

Mức giá 82.280 đồng/cp mà VIVC mới đưa ra cao hơn giá khởi điểm dự kiến của Bamboo Airways.

Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bamboo Airways công bố mã cổ phiếu giao dịch là BAV trên thị trường phi tập trung (OTC). Bamboo Airways cũng cho biết hãng có vốn điều lệ 4.050 tỉ đồng, tương đương 405 triệu cổ phần. 

Điều lệ của hãng ghi nhận và đảm bảo quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông theo qui định của pháp luật. Cổ đông được thực hiện quyền và chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần của Bamboo Airways theo qui định của pháp luật hiện hành và điều lệ của hãng.

Mức giá 82.280 đồng/cp mà VIVC mới đưa ra cao hơn giá khởi điểm dự kiến của Bamboo Airways khoảng 37% và tương ứng với vốn hóa trên 33.300 tỉ đồng (khoảng 1,4 tỉ USD).

Theo thông tin từ trang sanotc.com (cổng thông tin giao dịch cổ phiếu OTC lớn của Việt Nam) hiện đã có nhiều thông báo muốn mua, bán cổ phiếu BAV của Bamboo Airways. 

Đại gia tuần qua: Giữa lúc tỷ phú khác kiếm bộn tiền, Bầu Đức lặng lẽ với khó khăn

Tuần qua, các tỷ phú của Việt Nam có nhiều hoạt động khá lớn, người mở rộng sản xuất kinh doanh, người kiếm bộn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN