Đại gia tuần qua: Khoản đầu tư 5 tỷ USD của tỷ phú Thái vào hãng bia lớn nhất Việt Nam giờ ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thị giá của CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco hiện tại đã giảm hơn 8,4% so với mức đầu năm, qua đó biến Sabeco trở thành doanh nghiệp duy nhất phải rời "câu lạc bộ" vốn hóa 100.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Đầu tư 5 tỷ USD vào hãng bia lớn nhất Việt Nam, sau 6 năm, tỷ phú Thái còn lại gì?

SAB của CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco đã liên tục biến động từ đầu năm. Sau khi kết thúc năm 2022 với mức giá 167.000 đồng/cp, chỉ hơn 1 tháng sau thị giá cổ phiếu này tăng tiệm cận gần 200.000 đồng/cp (198.000 đồng/cp), tương ứng mức tăng 18% chỉ sau hơn 1 tháng. Đây cũng mức giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt được kể từ tháng 1/2021.

Tỷ phú Thái đang lỗ nặng khi đầu tư vào Sabeco

Tỷ phú Thái đang lỗ nặng khi đầu tư vào Sabeco

SAB đã liên tục giảm kể từ tháng 3. So với mức 198.000 đồng/cp đạt được hồi đầu năm, thị giá SAB hiện tại đã giảm hơn 25%. Giá trị vốn hóa của Sabeco cũng "bốc hơi" khoảng 29.000 tỷ đồng sau 5 tháng.

Cuối năm 2017, Vietnam Beverage – thành viên thuộc Thaibev đã gây chấn động chi đến 5 tỷ USD mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB từ đợt thoái vốn của Bộ Công thương, qua đó chính thức nắm quyền chi phối Sabeco. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, giá trị thị trường của số cổ phần trên chỉ còn khoảng 53.000 tỷ đồng (~2,3 tỷ USD), tức là Thaibev đang tạm lỗ 2,7 tỷ USD sau gần 6 năm.

Tuy nhiên, Thaibev đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Vì thế, việc tạm lỗ với khoản đầu tư này không phải là vấn đề quá lớn đối với “đại gia” Thái Lan.

Đại gia thép Thái Nguyên ghi nhận mức lỗ sâu nhất trong một quý, nợ phải trả lên tới gần 9.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, quý 2/2023 CTCP Gang thép Thái Nguyên ghi nhận mức lỗ nặng 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng. Đây là mức lỗ sâu nhất trong một quý của Gang thép Thái Nguyên kể từ cuối năm 2018.

Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.946 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Do kinh doanh dưới giá vốn, Gang thép Thái Nguyên lỗ gộp gần 24 tỷ đồng trong kỳ.

Tổng nợ phải trả của công ty đã tăng gần 7% lên 8.785 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 2.994 tỷ đồng, tăng khoảng 3,3% so với đầu năm, vay nợ thuê tài chính dài hạn đạt 1.717 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với con số đầu năm. Như vậy, tổng nợ thuê tài chính của Gang thép Thái Nguyên đạt 4.711 tỷ đồng, chiếm tới 54% tổng nợ, và gấp gần 2,6 lần vốn chủ sở hữu.

Cưỡng chế kê biên căn biệt thự triệu đô của cựu Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu

Cục Thi hành án dân sự TP Hải Phòng vừa tổ chức cưỡng chế kê biên căn biệt thự hơn 425m2 trên phố Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) của ông Trần Quang Vũ – cựu Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Nam Triệu để đảm bảo thi hành án trong vụ Vinashin.

Cụ thể, ngày 17/7, Cục Thi hành án dân sự TP Hải Phòng đã tổ chức cưỡng chế kê biên, xử lý căn biệt thự và quyền sử dụng đất tại thửa số 8 Lô 8A1 trên đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), là tài sản chung của ông Trần Quang Vũ – cựu TGĐ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, nay là Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu (viết tắt là Công ty đóng tàu Nam Triệu) để đảm bảo thi hành án.

Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế, kê biên căn biệt thự của ông Trần Quang Vũ ngày 17/7.

Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế, kê biên căn biệt thự của ông Trần Quang Vũ ngày 17/7.

Trước đó, ngày 30/8/2012, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án buộc ông Trần Quang Vũ - nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu, trụ sở tại xã Tam Hưng (Thuỷ Nguyên) Hải Phòng phải bồi thường thiệt hại cho công ty này hơn 25,4 tỷ đồng và lãi suất chậm thi hành án.

Ông Vũ đã tự nguyện bồi thường 1 tỷ đồng, số tiền còn phải bồi thường là 24,4 tỷ đồng.

Người sáng lập FPT bán 4 triệu cổ phiếu

Ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FPT (mã chứng khoán: FPT) - vừa đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu FPT để giải quyết nhu cầu cá nhân. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 19/7 - 13/8. Nếu giao thành công, ông Ngọc sẽ giảm sở hữu tại FPT từ hơn 24,8 triệu cổ phiếu xuống còn 20,8 triệu cổ phiếu, tương đương 1,64% vốn điều lệ. Ước tính, ông Ngọc sẽ thu về 313 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký.

Ông Bùi Quang Ngọc năm nay 67 tuổi, cùng với ông Trương Gia Bình là một trong những người sáng lập của Công ty CP FPT. Hơn 30 năm gắn bó với FPT, ông Ngọc đã đảm nhiệm nhiều chức vụ như Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối công nghệ thông tin, Giám đốc chất lượng, Giám đốc thông tin, Giám đốc điều hành, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT.

Nguồn: [Link nguồn]

Sân nơi tuyển nữ Việt Nam đá World Cup mới chi tiền ”khủng” cỡ nào để nâng cấp?

Sân vận động này là niềm tự hào của người dân địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN