Đại gia tuần qua: Đại gia Thái tuyên bố đưa "con cưng" của Shark Liên ra toà trọng tài
Tập đoàn Thái Lan WHAUP tuyên bố nộp đơn lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam để buộc công ty Aqua One phải thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng đầu tư vào Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Tập đoàn Thái Lan đưa công ty của Shark Liên ra tòa trọng tài
WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) mới đây đã công bố thông tin lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) về việc gửi đơn khởi kiện Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, liên quan vi phạm không hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua bán cổ phần.
Tập đoàn Thái Lan đưa công ty của Shark Liên ra tòa trọng tài.
WHAUP thông qua công ty con là WHAUP (SG) 2DR đã đầu tư vào Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống từ tháng 10/2019 - công ty chuyên cấp nước sạch cho khu vực Hà Nội. Tập đoàn từ Thái Lan đã mua lại 34% cổ phần từ ông Đỗ Tất Thắng, tương đương với số tiền hơn 1.886 tỷ đồng.
Theo Thỏa thuận mua bán cổ phần, WHAUP (SG) 2DR được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình tại công ty Sông Đuống cho Aqua One (cổ đông lớn của Sông Đuống), với giá bằng mức tập đoàn này đã thanh toán cộng thêm giá vốn ghi sổ theo quy định trong hợp đồng.
Quyền bán sẽ được thực hiện trong trường hợp công ty Sông Đuống không chuyển cho WHATUP (SG) 2DR Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã sửa đổi trước ngày 25/10/2020, với nội dung nâng công suất dự án khai thác Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày.
Aqua One có nghĩa vụ mua cổ phần từ WHAUP (SG) 2DR trước ngày 7/6/2021 theo thỏa thuận mua bán cổ phần. Tuy nhiên, sau 3 tháng, Aqua One vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nêu trên.
Do đó, WHAUP đã đệ đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào ngày 30/9/2021 và yêu cầu Aqua One thực hiện nghĩa vụ của mình theo các điều khoản trong hợp đồng mua bán cổ phần.
Cựu chủ tịch Coteccons mua lại dự án của Thuduc House
Mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có văn bản nhắc nhở Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) giải trình về việc chưa công bố thông tin chuyển nhượng toàn bộ vốn góp ở công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế và giao dịch với bên liên quan.
Trước đó vào đầu năm 2019, Thuduc House thống nhất mua lại 99% vốn (tương đương hơn 256,4 tỷ đồng) tại Song Hỷ Quốc Tế để phát triển dự án trên. Tuy nhiên sau đó, công ty lại thông báo có kế hoạch chuyển nhượng khoản đầu tư này trong năm 2020.
Ông Nguyễn Bá Dương - cựu chủ tịch Conteccons- bất ngờ mua lại 50% vốn Song Hỷ Quốc Tế.
Tại cuối năm 2020, Song Hỷ Quốc Tế thực hiện tăng mạnh vốn điều lệ từ 259 tỷ đồng lên mức 790 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Thuduc House theo đó cũng tăng lên mức 99,67% vốn điều lệ và phần còn lại thuộc về ông La Cẩm Nam.
Đến ngày 29/3/2021, Thuduc House chính thức thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Song Hỷ Quốc Tế với giá trị gần 963 tỷ đồng.
Bên mua lại là 2 cá nhân gồm ông Bùi Ngươn Phong (99,672%) và bà Trần Thị Hà (0,328%). Trong đó ông Bùi Ngươn Phong là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong - chủ đầu tư dự án cao ốc 40 tầng The Emerald Golf View ở Bình Dương.
Tuy nhiên chỉ sau nửa tháng, ông Nguyễn Bá Dương - cựu chủ tịch Conteccons- bất ngờ mua lại 50% vốn Song Hỷ Quốc Tế từ ông Bùi Ngươn Phong. Như vậy hiện công ty này có 3 cổ đông đều là cá nhân.
FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sắp chào bán gần 500 triệu cổ phiếu
Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC vừa cập nhật phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó giá chào bán được quyết định là 10.000 đồng/cổ phiếu và phương án đảm bảo đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 70%, tức mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu cũ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới. Khối lượng chào bán dự kiến là xấp xỉ 497 triệu đơn vị và qua đó nâng tổng số lượng đang lưu hành lên hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương mức vốn điều lệ mới hơn 12.000 tỷ đồng.
Như vậy nếu bán được toàn bộ theo kế hoạch, tập đoàn được điều hành bởi ông Trịnh Văn Quyết có thể thu về số tiền xấp xỉ 4.970 tỷ đồng.
Theo kế hoạch sử dụng vốn, tập đoàn dự kiến chi khoảng 4.500 tỷ đồng đầu tư vào 7 dự án bất động sản và khoảng 497 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động.
Tổng giám đốc Đức Long Gia Lai từ chức
Ông Trần Cao Châu từ chức tổng giám đốc trong bối cảnh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang tái cấu trúc quyết liệt. Trong đơn, ông lý giải "vì công việc gia đình nên không thể tiếp tục đảm nhiệm" vị trí hiện tại.
Ngay sau đó, Đức Long Gia Lai đã bổ nhiệm ông Nguyễn Tường Cọt, Phó tổng giám đốc mới nhậm chức vào giữa tháng 8 năm nay, lên thay thế ông Châu.
Ông Trần Cao Châu sinh năm 1971 tại Gia Lai, về đầu quân cho Đức Long Gia Lai từ năm 2016 và kinh qua nhiều vị trí chủ chốt tại tập đoàn và công ty thành viên. Tháng 6/2019, ông được bầu làm Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn.
Dù rời ghế tổng giám đốc, ông Châu vẫn là thành viên Hội đồng quản trị của Đức Long Gia Lai và nắm giữ 525.000 cổ phiếu DLG, tương đương tỷ lệ 0,18%.
5 cá nhân rót gần 2.500 tỷ đồng vào công ty của ông Đặng Thành Tâm
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) vừa thông báo đã huy động thành công hơn 3.400 tỷ đồng sau khi phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá 34.096 đồng/cổ phần.
Đóng cửa phiên 6/10, thị giá KBC giao dịch trên sàn dừng ở mức 44.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, so với giá trên sàn, các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ của đại gia lĩnh vực khu công nghiệp đã mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn 23% so với giá thị trường.
Danh sách những nhà đầu tư tham gia mua vào cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Kinh Bắc gồm 2 quỹ thành viên thuộc Dragon Capital, quỹ đầu tư SGI cùng 5 nhà đầu tư cá nhân là ông/bà: Trần Thu Thảo, Trịnh Bảo Duy Tân, Lê Thị Anh, Nguyễn Hồng Nhung, Huỳnh Tấn Thập.
Nguồn: [Link nguồn]
Công ty sách do con trai út nhà bầu Hiển làm Chủ tịch đang có kế hoạch huy động 750 tỷ đồng để phát triển hai dự án...