Đại gia tuần qua: Cổ phiếu giảm mạnh, doanh nghiệp phải giải trình, đại gia mất danh xưng tỷ phú USD
Cổ phiếu liên tục giảm sàn khiến tài sản của ông Bùi Thành Nhơn sụt giảm mạnh.
Ông Bùi Thành Nhơn không còn là tỷ phú USD
Trên thị trường, cùng với đà suy giảm của cổ phiếu, NVL vẫn chưa ngừng đà lao dốc với 7 phiên liên tiếp giảm kịch sàn, dư bán hàng chục triệu đơn vị.
Phiên 10/11, NVL giảm sàn xuống 44.950 đồng/cp, khối lượng dư bán sàn lên tới 30,3 triệu đơn vị. Như vậy, NVL đã mất hơn 40% sau hơn 10 phiên giao dịch.
Ngày 10/11/2022, Nova Group đã gửi công văn đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) giải trình về việc giá cổ phiếu NVL giảm sàn 5 phiên liên tục. Theo doanh nghiệp, "giá cổ phiếu giảm là do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô".
Ông Bùi Thành Nhơn rời danh sách tỷ phú USD
Đà bán tháo với cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland (thành viên trong hệ sinh thái Nova Group) vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch ngày 11/11. Thị giá NVL hiện đã lùi về mức 41.850 đồng/cổ phiếu và dư bán sàn hơn 58 triệu cổ phiếu. Đây là phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp của mã này.
Việc cổ phiếu NVL giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị tài sản của ông Bùi Thành Nhơn. Theo ghi nhận của Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Bùi Thành Nhơn tính đến ngày 11/11 là 978,2 triệu USD, đồng nghĩa với việc ông Nhơn không còn là tỷ phú USD. Ông Nhơn sở hữu 169,5 triệu cổ phiếu NVL.
Chủ tịch công ty phải bán giải chấp cổ phiếu
Trong thông báo mới nhất, Chứng khoán Mirae Asset đã công bố việc sẽ tiến hành bán giải chấp 700.000 cổ phiếu Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT DHC Lương Văn Thành. Thời điểm dự kiến bán giải chấp kể từ ngày 10/11/2022 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ. Số lượng chứng khoán dự kiến bán giải chấp là ước tính tại thời điểm công bố thông tin, số lượng chứng khoán bán thực tế có thể ít hơn hoặc nhiều hơn do thay đổi giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo.
Hiện Chủ tịch Thành đang nắm giữ gần 6,7 triệu cổ phiếu DHC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,56% vốn điều lệ.
Thị giá DHC thời gian qua liên tục giảm sâu, 6 phiên liên tiếp đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu trong đó có phiên 10/11 và 11/11 giảm sàn xuống còn 39.500 đồng/cp, tương ứng mất hơn 23% giá trị sau hơn 1 tuần.
Xu hướng giảm của cổ phiếu này đã bắt đầu từ khoảng cuối năm 2021, sau khi lập đỉnh 92.740 đồng/cp (5/11/2021) và đi ngang tại vùng đỉnh khoảng 1 tháng thì DHC bắt đầu hạ nhiệt, đến nay sau khoảng 1 năm đã bay hơn nửa giá trị so với đỉnh.
Doanh nghiệp của bầu Đức báo lãi vượt 1.000 tỷ đồng
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị đã công bố kết quả kinh doanh 10/2022 với doanh thu ghi nhận 467 tỷ đồng, giảm nhẹ 8 tỷ đồng so với con số doanh thu 475 tỷ đồng của tháng 9.
Trong đó, ngành chăn nuôi mang về 214 tỷ đồng, chiếm 46% tổng doanh thu; ngành cây ăn trái mang về 221 tỷ đồng chiếm 47% tổng doanh thu; mảng phụ trợ thu về 32 tỷ đồng, chiếm 7% tổng doanh thu.
Sau khi trừ các chi phí, HAG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 107 tỷ đồng. HAG của bầu Đức cho biết doanh thu và lợi nhuận tháng 10 giảm nhẹ so với tháng 9 trong khi sản lượng tăng đáng kể so với tháng liền trước bởi giá xuất khẩu chuối chưa tăng cao như kỳ vọng, giá heo xuất chuồng cũng thấp hơn so với tháng 9.
HAGL của bầu Đức có lãi vượt 1.000 tỷ đồng sau 10 tháng
Luỹ kế sau 10 tháng năm 2022, HAGL ghi nhận doanh thu 3.650 tỷ đồng, trong đó, cây ăn trái đóng góp doanh thu cao nhất với 1.927 tỷ, theo sau là chăn nuôi với 1.136 tỷ, ngành phụ trợ thu về 587 tỷ.
Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp của bầu Đức ghi nhận lợi nhuận sau thuế chính thức vượt mức nghìn tỷ đồng, đạt 1.001 tỷ.
Cổ phiếu giảm gần 70%, đại gia BĐS vẫn chia cổ tức khủng bằng tiền mặt
So với mức đỉnh hồi đầu năm, thị giá TCH giảm khoảng 70%, còn so với đỉnh cao nhất thiết lập vào năm 2020 thì thị giá TCH đã giảm đến 80%. Tuy nhiên, CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy do doanh nhân Đỗ Hữu Hạ là Chủ tịch HĐQT vẫn sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỉ lệ 12%.
Với hơn 668,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính TCH sẽ chi khoảng hơn 800 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.
Hiện, ông Hạ đang là cổ đông lớn nhất tại TCH với tỷ lệ sở hữu 39,23% vốn. Ngoài ra, người liên quan và công ty liên quan cũng nắm phần lớn số cổ phần đang lưu hành tại TCH. Chỉ tính riêng vợ chồng Chủ tịch, số cổ phần sở hữu gần 295 triệu cổ phiếu. Như vậỵ, chưa đầy 9 tháng trước biến động của thị giá, tài sản tại TCH của vợ chồng ông Hạ đã giảm 5.900 tỷ đồng.
Như vậy qua đợt chia cổ tức lần này, vợ chồng ông Hạ có thể nhận về gần 354 tỷ đồng.
Loạt đại gia Việt bị giải chấp hàng triệu cổ phiếu
Theo đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT DIC Corp (DIG) có thông báo bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 3 triệu cổ phiếu DIG trong các ngày 27/10 và 28/10.
Sau giao dịch, ông Tuấn còn nắm giữ gần 58,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 9,59% cổ phần. Khối tài sản ông Nguyễn Thiện Tuấn nắm giữ đến phiên giao dịch sáng ngày 4/11 giảm chỉ còn 975 tỷ đồng cùng đà giảm mạnh của cổ phiếu DIG thời gian gần đây (tính theo giá sàn 16.600 đồng/cổ phiếu).
Cùng với ông Nguyễn Thiện Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT DIG, ông Nguyễn Hùng Cường cũng đã bị bán giải chấp gần 1,4 triệu cổ phiếu DIG trong ngày 31/10 và 1/11.
Hiện ông Cường còn sở hữu 61,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 10,06% cổ phần sau giao dịch. Tương ứng, khối tài sản ông Nguyễn Hùng Cường đang trực tiếp nắm giữ trên sàn chứng khoán có giá trị 1.018 tỷ đồng.
Cổ đông lớn CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng đã bị ép bán 4,2 triệu cổ phiếu DIG trong ngày 27/10. Tổ chức này vẫn còn nắm giữ gần 89,8 triệu cổ phiếu, tương đương với 14,7% vốn.
Như vậy, chỉ trong 4 ngày có giao dịch, các lãnh đạo và cổ đông lớn của DIC Corp đã đồng loạt bị công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng 8,6 triệu cổ phiếu DIG. Tính theo mệnh giá, số cổ phiếu bị công ty chứng khoán bán giải chấp có trị giá 86 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là một tỉnh miền Trung nằm trong top 10 địa phương có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước.