Đại gia 8X Tuấn “Gelex” và những thương vụ M&A nghìn tỷ đình đám
Đại gia Tuấn "Gelex" - người nhiều lần gây chấn động thị trường với các thương vụ M&A nghìn tỷ, thâu tóm lượng lớn cổ phần ở 2 tổng công ty khủng có “gốc” Nhà nước.
Ghi đậm dấu ấn tại Gelex
Trong giới đầu tư, cái tên Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), đã là một thương hiệu nổi danh. Ông Tuấn sinh năm 1984, quê gốc Hà Nam.
Nói về tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam – Gelex (HoSE: GEX), cuối năm 2015, một kỷ lục đã được thiết lập trên thị trường chứng khoán trong thời điểm cuối cùng của giai đoạn cổ phần hóa 2011-2015.
Khi đó, bộ Công Thương gây bão sàn chứng khoán với cú bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Gelex (tương đương hơn 78,7% vốn điều lệ, thu về hơn 2.100 tỷ đồng) thông qua khớp lệnh trên sàn UPCoM chỉ trong vòng 30 phút sau mở cửa phiên giao dịch.
Vào thời điểm đó, đây là một kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng là một sự kiện thoái vốn hi hữu của Nhà nước. Giới đầu tư cũng không biết ai là ông chủ thực sự của Gelex sau thương vụ thoái vốn của bộ Công Thương.
Sau đó, thông tin công bố cho biết, công ty TNHH MTV Đầu tư GEX là cổ đông lớn nhất với gần 62 triệu cổ phiếu (hơn 23,1%); tiếp đó là công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB (5,04%); công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (4,36%); công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (3,09%).
Đến ngày 6/9/2016, ông Nguyễn Văn Tuấn bất ngờ được bầu là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Gelex. Tháng 1/2018, ông được bầu kiêm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch HĐQT Gelex. Quá trình tái cấu trúc Gelex được ông Tuấn thúc đẩy với 4 lĩnh vực chính, bao gồm: Sản xuất kinh doanh thiết bị điện, kinh doanh bất động sản, năng lượng và logistics.
Ông Nguyễn Văn Tuấn đảm nhận nhiều chức vụ lớn tại các tập đoàn, gây chấn động với các thương vụ M&A nghìn tỷ.
Gelex trở thành nhà sản xuất và kinh doanh vật liệu, thiết bị điện lớn nhất Việt Nam thông qua việc sở hữu chi phối các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu về dây và cáp điện là công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD).
Cùng với việc thành lập Công ty TNHH MTV Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) và cơ cấu đưa các công ty sản xuất ngày thiết bị, dây cáp điện vào Gelex Electric, Gelex tạo sự quản lý thống nhất và sức mạnh tổng hợp.
Trong lĩnh vực bất động sản, Gelex thành lập công ty TNHH MTV Gelex Land để làm đầu mối, tối ưu hóa quỹ đất của tổng công ty và các đơn vị thành viên. Công ty này có các dự án trọng điểm có địa điểm tại các vị trí vàng tại các thành phố lớn như: Tổ hợp khách sạn 5 sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 - 29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm; tòa nhà văn phòng cao cấp Gelex Tower 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng.
Ngoài ra, Gelex còn đẩy mạnh việc đầu tư vào các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Cát Hải - Hải Phòng, Tiền Phong - Quảng Ninh.
Gelex trở thành tập đoàn đa ngành với loạt thương vụ M&A đình đám tại công ty Cổ Phần kho vận miền Nam (Sotrans), tổng công ty Cổ phần Đường Sông miền Nam (Sowatco), công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)…
Dưới thời của ông Nguyễn Văn Tuấn, Gelex phát triển rực rỡ với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh qua các năm.
Thời điểm các doanh nghiệp phải tuân thủ Nghị định 71/2017, trong đó quy định “Từ ngày 1/8/2020, Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) của cùng một công ty đại chúng”, Gelex bị sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhắc nhở vì quá hạn nhưng vẫn chưa tách bạch 2 vị trí Chủ tịch và Tổng Giám đốc. Lý do được Gelex đưa ra là do chưa tìm được nhân sự phù hợp.
Đến ngày 20/8, Gelex đưa ra công bố quyết định bổ nhiệm mới. Theo đó, ông Nguyễn Hoa Cương được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch HĐQT thay cho ông Tuấn. Dù không còn nắm giữ vị trí cao nhất trong HĐQT, song Gelex, về bản chất vẫn là "cuộc chơi" của vị đại gia trẻ 8x.
Thương vụ “bom tấn” mua cổ phần Viglacera
Thông qua Gelex, ông Tuấn hiện đang nắm vị trí Chủ tịch HĐQT của tổng công ty Viglacera – CTCP (HoSE: VGC).
Trước đó, hồi tháng 4/2019, thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam chứng kiến một thương vụ “bom tấn” khác khi Gelex chính thức mua lại cổ phần tổng công ty Viglacera.
Thời điểm đó, Gelex mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera, qua đó nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên 57,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,74%.
Đến tháng 10/2019, công ty TNHH Thiết bị điện Gelex - công ty con do Gelex sở hữu 100% vốn, mua thêm 30 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera. Sau giao dịch, thông qua công ty con, Gelex đã tăng số cổ phần nắm giữ từ 57,1 triệu cổ phiếu lên 87,1 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu tăng từ 12,74% lên 19,43%.
Tiếp đó, công ty TNHH Thiết bị điện Gelex tiếp tục mua 27 triệu cổ phiếu VGC từ bộ Xây dựng, nâng tổng tỷ lệ sở hữu của Gelex tại Viglacera lên đến 24,96%.
Tháng 10/2020, Gelex thông báo đã mua vào thành công hơn 94,6 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,96% lên 46,07% vốn điều lệ tại Viglacera.
Nếu hợp nhất được Viglacera, Gelex sẽ trở thành một tập đoàn với quy mô tài sản hơn 2 tỷ USD.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020, Gelex tiếp tục khẳng định định hướng đưa Viglacera trở thành công ty con để hợp nhất vào kết quả kinh doanh. Và theo nguồn tin riêng của Nguoiduatin, việc hợp nhất đã hoàn tất, sắp sửa được công bố.
Xét về mặt tài chính, Gelex và Viglacera có quy mô khá tương đồng. Năm 2020, tổng tài sản của 2 công ty này lần lượt là 27.152 tỷ đồng và 21.323 tỷ đồng.
Nếu hợp nhất được Viglacera, Gelex sẽ trở thành một tập đoàn với quy mô tài sản hơn 2 tỷ USD. Cùng với đó, Gelex sẽ “bành trướng” được thế lực, không chỉ trở thành “ông lớn” trong ngành bất động sản khu công nghiệp và ngành vật liệu xây dựng, mà còn giúp hoàn thiện hệ sinh thái mà công ty này đang hướng tới là tập trung phát triển mảng bất động sản, vật liệu xây dựng – một trong những mảng đang là thế mạnh của Viglacera.
Chàng trai này đã hút hàng triệu người xem qua mạng và bán được số hàng "khủng".
Nguồn: [Link nguồn]