Có thêm hơn 1.440 tỷ đồng trong một ngày, tỷ phú Trần Đình Long giàu cỡ nào?
Cùng đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của đại gia 62 tuổi người Hải Dương, Trần Đình Long cũng ghi nhận tăng thêm hơn 1.440 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận biến động mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11. Theo đó, trong phiên sáng chỉ số VN-Index có thời điểm giảm hơn 10 điểm và lùi về gần vùng 1.020 điểm vào đầu giờ chiều. Tuy nhiên, sau khi giảm về ngưỡng này, chỉ số VN-Index đã bật tăng mạnh trở lại sau hai phiên giảm sâu trước đó.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa ở mức 1.039,66 điểm, tăng 11,47 điểm (1,12%). VN30-Index tăng 12,27 điểm (1,18%) lên 1.051,65 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index có thêm gần 1,7%, còn UPCOM-Index tăng gần 1%. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 15.100 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 13.000 tỷ đồng.
Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán về cuối phiên, mã cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát do tỷ phú Trần Đình Long giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ghi nhận mức tăng 950đ/cổ phiếu, tương đương tăng 4,13% so với phiên liền trước cùng hơn 19,1 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay. Với mức tăng này, HPG là một trong những mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30.
Khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tăng hơn 1.440 tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi
Mức tăng của cổ phiếu HPG giúp khối tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Trần Đình Long ghi nhận tăng thêm hơn 1.440 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, đại gia 62 tuổi người Hải Dương sở hữu khối tài sản trị giá 36.315 tỷ đồng. Trong đó, khối tài sản của bà Vũ Thị Hiền – vợ ông Long cũng ghi nhận tăng thêm hơn 405 tỷ đồng trong ngày cổ phiếu HPG phục hồi. Hiện bà Hiền đang nắm giữ khối tài sản trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 10.216 tỷ đồng và là người phụ nữ giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu HPG đến sau khi doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3 vừa qua. Cụ thể, trong 3 tháng gần nhất, HPG ghi nhận doanh thu đạt 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu suy giảm, lợi nhuận gộp vẫn thu về 3.594 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm trước là 1.000 tỷ đồng.
Do chi phí tài chính (1.438 tỷ đồng) và một số chi phí khác cao, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong quý 3/2023 ghi nhận 2.000 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ 2022 và 38% so với quý trước. Đây là con số khá ấn tượng khi cùng kỳ năm 2022 doanh nghiệp này lỗ đến 1.785 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, Hoà Phát đạt 84.430 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ở mức 3.831 tỷ đồng; giảm lần lượt 27% và 63% so với 9 tháng đầu năm 2022. So với kế hoạch năm 2023, Hòa Phát đã hoàn thành được 48% chỉ tiêu về lợi nhuận.
9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 6.300 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất đạt trên 3.600 tỷ đồng, Thép Hòa Phát Hải Dương hơn 1.030 tỷ đồng. Một số công ty thành viên khác của Tập đoàn có số nộp lớn cho ngân sách Nhà nước bao gồm: Ống thép Hòa Phát, Điện máy gia dụng Hòa Phát, Thép Hòa Phát Hưng Yên, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Tôn Hòa Phát...
Sau phiên phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 2/11, chuyên gia của công ty chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index sẽ kiểm định kháng cự MA5 đang ở vùng 1.040-1.045 điểm và có thể rung lắc trong phiên chiều khi lượng hàng giá rẻ hôm thứ Ba về tài khoản. Nếu lực bán ra không mạnh, lực mua có thể sẽ duy trì quyền kiểm soát thị trường vừa giành được, qua đó sẽ thúc đẩy sự hồi phục của VN-Index sau đó. Nếu đóng cửa trên 1.045 điểm, ngưỡng kháng cự tiếp theo của chỉ số sẽ là đường MA10 tại 1.070 điểm. Trong khi đó, hỗ trợ hiện tại của VN-Index vẫn là vùng 1.025 điểm.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cho rằng các cơ hội trading ngắn hạn đã xuất hiện nhiều hơn khi VN-Index về vùng định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, và áp lực bán có thể quay trở lại khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự gần 1.040-1.050 điểm. Do đó, Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua đuổi, và chỉ nên giải ngân tại những nhịp rung lắc của thị trường.
Chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo thị trường đã rơi trở lại vùng tích lũy trung hạn trước đây và rất có thể sẽ tiến đến trạng thái tích lũy lại, trong ngắn hạn VN-Index có thể sẽ tiếp tục có nhịp hồi phục sau phiên tăng điểm 01/11, tuy nhiên mọi nỗ lực phục hồi ngắn hạn đều mang tính kỹ thuật hàm chứa rủi ro do có thể kết thúc bất ngờ khó dự báo. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục đã được cơ cấu tốt, chờ thị trường tích lũy ổn định trở lại.
Nguồn: [Link nguồn]
Trái ngược với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán về cuối phiên, khối tài sản của nữ đại gia người Hà Nội này vẫn ghi nhận mức tăng hơn 200 tỷ đồng.