Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Lê Viết Hải chi trăm tỷ đỡ giá cổ phiếu
Trước đà lao dốc mạnh của mã cổ phiếu HBC từ đầu năm đến nay, ông Lê Viết Hải đã đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu doanh nghiệp mình làm Chủ tịch.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) có thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC trong thời gian từ 23/6 đến 22/7 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Trước khi đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu HBC, ông Lê Viết Hải cũng đang là cổ đông riêng lẻ lớn nhất tại doanh nghiệp với sở hữu hơn 38,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15,84%).
Nếu giao dịch thành công, ông Lê Viết Hải sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Xây dựng Hòa Bình từ 15,84%, tương đương hơn 38,9 triệu cổ phiếu lên 19,91%, tương đương hơn 48,9 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra các thành viên có liên quan đến ông Hải cũng đang sở hữu khoảng 10,7 triệu cổ phiếu, ứng với 4,36% vốn. Tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Lê Viết Hải sau giao dịch có thể lên tối đa 24,27% cổ phần.
Nhà sáng lập tập đoàn cho biết giao dịch đầu tư này nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường. Thực tế giá HBC gần đây lao dốc hơn 55% từ mức đỉnh 34.500 đồng/cổ phiếu (phiên 7/1/2022) về 15.450 đồng (ngày 20/6), tức mất hơn phân nửa giá trị so với vùng đỉnh đầu năm 2022.
Ông Lê Viết Hải dự kiến chi trăm tỷ để đỡ giá cổ phiếu HBC sau đợt giảm mạnh
Sau thông tin lãnh đạo muốn đỡ giá cổ phiếu được công bố thì HBC đã tăng kịch biên độ 6,80% trong phiên giao dịch ngày 21/6 để đóng cửa ở mức giá 16.500 đồng/cổ phiếu. Tạm tính với mức giá này, ông Lê Viết Hải sẽ phải chi ra 165 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua vào 10 triệu cổ phiếu HBC.
Doanh nghiệp Top đầu ngành xây dựng đang đối mặt với những thách thức kép trong 2 năm qua bởi đại dịch Covid-19 và siết tín dụng bất động sản. Trong năm 2021, doanh thu của HBC lao dốc 40% so với trước dịch về khoảng 11.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận năm ngoái chưa đến 100 tỷ đồng.
Trong năm 2022, HBC đặt mục tiêu đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 420 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 355% so với thực hiện năm trước. Nếu đạt được thì đây là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của HBC.
Còn theo chiến lược 2022-2032, ông lớn ngành xây dựng còn đặt mục tiêu phát triển thị trường nước ngoài, duy trì tốc độ phát triển doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD và lợi nhuận gần 1 tỷ USD đến năm 2032.
Tuy nhiên, kết thúc quý 1/2022, HBC ghi nhận 2.983 tỷ doanh thu thuần, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hơn 13 tỷ đồng, khá thấp so với kế hoạch. Như vậy, 3 tháng đầu năm HBC mới hoàn thành gần 15% mục tiêu doanh thu và hơn 3% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Tính đến 31/1/2022, tổng nợ phải trả của HBC tăng lên 13.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay là 5.976 tỷ đồng, chủ yếu là từ các ngân hàng. Trong đó có 4.898 tỷ là vay ngân hàng ngắn hạn, 1.078 tỷ vay dài hạn, tăng gấp 2,6 lần so với thời điểm cuối năm 2021.
Tháng 2/2022, HBC công bố nghị quyết phát hành đợt trái phiếu riêng lẻ tiếp theo với giá trị tối đa 500 tỷ đồng, kỳ hạn ba năm. Theo đó, trái phiếu là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo lãnh thanh toán từ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).
Toàn bộ số tiền 500 tỷ đồng thu được nếu thành công sẽ dùng để tăng quy mô vốn các hoạt động kinh doanh gồm xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, sửa chữa, lắp đặt máy móc thiết bị, kinh doanh bất động sản.
Từng thoái vốn dự án chung cư nhà ở xã hội HQC Tây Ninh thu về 120 tỷ đồng, nay HQC của Chủ tịch Trương Anh Tuấn bất ngờ đề xuất mua lại dự án với giá 650 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]