Cha con đại gia Thanh Hóa bị thổi bay 500 tỷ đồng, tài sản giảm mạnh còn hơn 7.000 tỷ đồng
Khối tài sản của ba cha con đại gia người Thanh Hóa này tiếp tục ghi nhận giảm hơn 500 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của gia đình đại gia này cũng giảm mạnh chỉ còn hơn 7.000 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index đã chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm điểm liên tiếp khi ghi nhận mức tăng tăng 9,02 điểm (0,66%) trong phiên giao dịch ngày 22/4 để đóng cửa ở mức 1.379,23 điểm. Trái lại, HNX tiếp tục giảm 7,49 điểm (-2,04%) đóng cửa ở mức 359,12 điểm, UPCoM giảm 0,74 điểm (-0,74%) để đóng cửa ở mức 104,15 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt khoảng 28.900 tỷ đồng.
Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 79,33 điểm (-5,44%); HNX-Index giảm 57,59 điểm (-13,82%). Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE gần 730 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 20,14% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 97 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 30,03% so với tuần giao dịch trước.
Trong ngày chỉ số VN-Index chấm dứt chuỗi ngày lao dốc, mã cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng tiếp tục có phiên giao dịch đáng quên khi giảm 4.200 đồng/cổ phiếu tương ứng mức giảm 6,49%. Trong phiên giao dịch 22/4, có thời điểm DIG giao dịch với giá sàn ở mức 60.200 đồng/cổ phiếu, thậm chí có tới hơn 1,4 triệu cổ phiếu được sang tay ở mức giá này.
Với đà giảm mạnh của DIG trong phiên 22/4, khối tài sản của đại gia Thanh Hoá Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch DIG và 2 người con đang nắm giữ vị trí Phó chủ tịch doanh nghiệp ghi nhận mức giảm mạnh.
Khối tài sản của ông Nguyễn Thiện Tuấn và hai người con tại DIG tiếp tục giảm hơn 1000 tỷ đồng trong tuần giao dịch từ 18-22/4
Theo đó, với việc đang trực tiếp nắm giữ gần 120 triệu cổ phiếu DIG, khối tài sản của ông Tuấn và hai người con ghi nhận mức giảm hơn 503 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 22/4.
Nếu tính trong tuần giao dịch từ ngày 18 đến 22/4 thì khối tài sản của đại gia Thanh Hóa và 2 người con ghi nhận mức giảm hơn 1.050 tỷ đồng. Tính theo giá kết thúc phiên giao dịch ngày 22/4, khối tài sản của ông Nguyễn Thiện Tuấn và 2 người con Phó chủ tịch của mình nắm giữ giảm còn hơn 7.252 tỷ đồng.
So với mức giá đỉnh 117.100 đồng/cổ phiếu được DIG thiết lập ngày 7/1 thì khối tài sản của gia đình ông Tuấn đã bị giảm tới hơn 6.785 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu so với thời điểm ngày 23/3 (1 tháng gần nhất) khối tài sản của đại gia Thanh Hóa và hai người con của mình cũng ghi nhận mức giảm tới hơn 5.478 tỷ đồng.
Liên quan đến cổ phiếu DIG, mới đây CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam đã bán ra hơn 4,259 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn gần 29,3 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu còn 5,856%. Giao dịch thoái vốn của CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam tại DIG được thực hiện trong ngày 18 và 19/4 vừa qua. Chỉ tính trong tháng 4/2022, đây đã là lần thứ 4 CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam thoái vốn khỏi DIG. Sau 4 lần thoái vốn liên tiếp, CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam đã giảm sở hữu từ gần 52,7 triệu cổ phiếu (10,54%) xuống chỉ còn 29,3 triệu cổ phiếu.
Trước đó, Him Lam trở thành cổ đông lớn của DIG từ đầu tháng 12/2020 sau khi mua 68 triệu cổ phiếu với giá bình quân khoảng 21.600 đồng/cổ phiếu. Dù thị giá của DIG đã giảm 48% từ mức đỉnh thiết lập vào ngày 7/1/2022, nhưng khoản đầu tư của Him Lam vào doanh nghiệp này vẫn đang ghi nhận mức lãi lớn.
Trong khi đó, sau phiên giao dịch ngày 22/4, các chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá tín hiệu kỹ thuật trung hạn của các chỉ số chứng khoán vẫn đang duy trì ở mức Tiêu cực. Trong khi đó, dù tăng điểm nhưng VN-Index và VN30 tạm thời chưa cải thiện được tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của mình (đang ở mức Tiêu cực).
Dự báo trong phiên giao dịch tới, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt cho sự hồi phục của thị trường. Theo đó, chỉ số đại diện VN-Index có thể sẽ kiểm định kháng cự MA5 ngày tại 1.393 điểm và nếu lực mua đủ mạnh để vượt qua mốc này, chỉ số sẽ kiểm định lại kháng cự MA10 ngày và MA200 ngày đang nằm tại khu vực 1.423 điểm. Để thực hiện nhịp kiểm định này, VCSC cho rằng thị trường cần sự cộng hưởng của cả nhóm vốn hóa lớn và vốn hóa vừa và nhỏ. Đây là một ngưỡng kháng cự mang tính chất khá then chốt, quyết định xem liệu thị trường có thể quay trở lại xu hướng tăng giá hay chỉ là một nhịp hồi phục mang tính chất kỹ thuật do trạng thái bị bán quá mức.
Các chuyên gia của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường khép lại tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp với sắc xanh tương đối tích cực. Diễn biến giao dịch tiếp tục cho thấy sự tranh chấp mạnh gần hỗ trợ của kênh giá 1.380 +/- 5 điểm của VN-Index và ghi nhận tín hiệu hỗ trợ của dòng tiền ở khu vực này. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu giảm mạnh thời gian qua cũng bắt đầu có lực cầu hấp thụ lượng cổ phiếu ở mức giá thấp. Với động thái này, nhịp hồi phục của thị trường vẫn có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Do vậy, các nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường sẽ được mở rộng. Việc mở mua cổ phiếu cần phải được xem xét kỹ hơn về động thái của dòng tiền mua chủ động ở cổ phiếu đó.
Các chuyên gia của chứng khoán SHS đánh giá thị trường giảm tuần thứ ba liên tiếp với mức giảm hơn 9%, lần gần đây nhất mà thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index giảm ba tuần liên tiếp là vào tháng 7/2021 với mức giảm 10,7%. Sau đó thì thị trường đã hồi phục trở lại và tăng điểm khá tốt sau đó.
Ngưỡng 1.350 điểm sẽ là vùng quan trọng cần quan sát trong tuần giao dịch tới. Nhưng nếu có thể giữ vững được ngưỡng hỗ trợ này thì thị trường có thể sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu của đợt này là vùng kháng cự trong khoảng 1.400 - 1.420 điểm (ngưỡng tâm lý - MA200).
Nguồn: [Link nguồn]
Trong năm 2022, doanh nghiệp được mệnh danh là "Gà đẻ trứng vàng" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu lợi nhuận 30.000 tỷ và dự kiến chi hơn 8.700 tỷ chia cho cổ...