"Bốc hơi" thêm gần 1.400 tỷ, tài sản tỷ phú Trần Đình Long mất mốc 40.000 tỷ đồng
Thị giá của cổ phiếu HPG lại thiết lập đáy mới của năm khiến khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục lao dốc và mất mốc 40.000 tỷ đồng.
Sau khi không thể công phá thành công ngưỡng 1.300 điểm trong các phiên gần đây, thị trường chứng khoán trong nước đã phải chịu áp lực điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 2/6. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index mất 10,9 điểm (-0,84%) về 1.288,62 điểm. Bộ chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận mất 3,6 điểm (-1,14%) xuống 311,77 điểm và UPCoM-Index giảm 0,78 điểm (giảm 0,82%) xuống 94,32 điểm.
Trong nhóm VN30, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận mức giảm 1.200 đồng/cổ phiếu tương đương mức giảm 3,49%, đây là mã cổ phiếu ghi nhận tỷ lệ giảm sâu nhất của rổ chỉ số VN30 trong phiên giao dịch thứ 2 của tháng 6.
Với mức giá đóng cửa 33.150 đồng/cổ phiếu, HPG tiếp tục thiết lập mức đáy mới của năm. Kể từ phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4/2022 đến nay thị giá của HPG đã giảm 23% và so với mức đỉnh gần 51.100 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 7/3 thì HPG cũng đã giảm 35%.
Cổ phiếu HPG tiếp tục dò đáy khiến khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long và các cổ đông của Hòa Phát bị giảm mạnh
Chỉ tính riêng trong phiên giao dịch ngày 2/6, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận mức giảm tới gần 1.400 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của vị tỷ phú người Hải Dương đã mất mốc 40.000 tỷ đồng khi khối tài sản sở hữu chỉ còn hơn 38.666 tỷ đồng.
Với đà lao dốc của HPG kể từ đầu tháng 5/2022 đến nay, khối tài sản của tỷ phú người Hải Dương đã “bốc hơi” hơn 11.600 tỷ đồng. Đà lao dốc của cổ phiếu HPG thời gian qua cũng khiến khoản đầu tư của các cổ đông Tập đoàn Hòa Phát bị thiệt hại đáng kể. Thậm chí có không ít nhà đầu tư đã buộc phải bán cắt lỗ mã cổ phiếu này khi sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Sau phiên giảm mạnh ngày 2/6, nhận định về thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối tuần chuyên gia các công ty chứng khoán đều tỏ ra thận trọng. Thậm chí có chuyên gia của công ty chứng khoán nhận định VN-Index sẽ tiếp tục giảm sâu kiểm định vùng 1.26x để tìm kiếm lực cầu bắt đáy trước khi hồi phục trở lại.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh mức hiện tại. Điểm tiêu cực là áp lực bán có dấu hiệu gia tăng, nhưng dấu hiệu này chưa quá rủi ro và Yuanta vẫn đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp tăng giảm đan xen và chỉ số VN-Index vẫn có nhịp tăng để kiểm định vùng kháng cự 1.315 – 1.328 điểm. Ngoài ra, Yuanta cho rằng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn vẫn tiếp tục gia tăng.
Các chuyên gia của CTCK Agribank (Agriseco) nhận định về phân tích kỹ thuật, mặc dù VN-Index có nhịp điều chỉnh, tuy nhiên mức hỗ trợ quanh vùng 1.275 – 1.280 điểm (EMA20) vẫn được đảm bảo, cho thấy đà tăng ngắn hạn vẫn được duy trì. Tuy nhiên tín hiệu từ chỉ báo RSI lại đang cho thấy lực cầu suy yếu khi bắt đầu hướng xuống. Vì vậy, phiên 3/6 chỉ số có thể tiếp tục rung lắc và có thể sẽ kiểm định lại đường MA10 trong các phiên sắp tới. Nhà đầu tư có thể canh những nhịp chỉnh để thực hiện giải ngân mới.
Các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên giao dịch 03/06, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.180 – 1.185 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.170 – 1.175 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.290 – 1.295 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.300 – 1.305 điểm.
Theo các chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KVBS) áp lực bán chốt lời gia tăng quanh vùng cản gần 1.300 cùng với việc hình thành mẫu nến engulfing tiêu cực cho thấy rủi ro tiếp tục rung lắc trong ngắn hạn đang có phần lấn át. Chuyên gia của KBSV nhận định, VN-Index nhiều khả năng sẽ quay xuống kiểm định vùng hỗ trợ gần quanh 1.26x nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy trước khi hồi phục trở lại.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt doanh nghiệp ngành thép liên tục bị ngân hàng siết nợ là nhà xưởng, biệt thự và cả ô tô để xử lý nợ xấu.
Nguồn: [Link nguồn]