Bỏ túi thêm hơn 850 tỷ, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện có bao nhiêu tiền?
Với việc bỏ túi thêm hơn 850 tỷ đồng, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo củng cố vững chắc vị trí thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong phiên giao dịch ngày 9/2, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên giao dịch tích cực. Chỉ số VN-Index kết phiên với mức tăng 4,39 điểm (0,29%) lên 1.505,38 điểm. Đây đã là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của chỉ số đại diện sàn HoSE, tương ứng với tổng mức tăng hơn 26,4 điểm (1,79%).
Trong đó, HNX-Index cũng ghi nhận mức tăng 6,3 điểm (1,51%) lên 424,19 điểm và UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (0,43%) lên 112 điểm.
Cùng với đà tăng của chỉ số VN-Index, khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục ghi nhận tăng mạnh cùng đà tăng của cổ phiếu HDB và VJC.
Trong phiên giao dịch ngày 9/2, cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không VIETJET doanh nghiệp nữ doanh nhân 52 tuổi người Hà Nội làm Phó Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc ghi nhận mức tăng thêm 3.500 đồng/cổ phiếu lên mức 135.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 2,66%.
Với việc đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp gần 241 triệu cổ phiếu VJC, khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận mức tăng hơn 843 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 (ngày 7/2) cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet cũng đã tăng kịch trần thêm 8.500 đồng (+7%) lên 130.400 đồng/cp. Với cú tăng mạnh ngay trong phiên đầu năm mới Nhâm Dần, túi tiền của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng.
Khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng mạnh sau 3 phiên giao dịch đầu năm Nhâm Dần 2022
Cùng với đó, mã cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nơi bà Thảo giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực cũng ghi nhận mức tăng thêm 200 đồng lên 31.600 đồng/cổ phiếu. Với việc đang sở hữu hơn 74,8 triệu cổ phiếu HDB, khối tài sản của nữ doanh nhân 52 tuổi người Hà Nội ở mã cổ phiếu này ghi nhận mức tăng thêm gần 15 tỷ đồng nữa.
Cổ phiếu HDB liên tục ghi nhận đà tăng sau khi nhà băng này công bố kết quả kinh doanh 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 8.080 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước và hoàn thành 111% kế hoạch năm.
Trong khi đó, VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng được kỳ vọng rất nhiều, khi thị trường hàng không sôi động trở lại trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Kế hoạch mở lại đường bay quốc tế thường lệ từ đầu năm nay cũng là yếu tố thúc đấy tích cực cho nhóm cổ phiếu hàng không.
Với đà tăng của cổ phiếu HDB và VJC trong phiên giao dịch ngày 9/2, khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận mức tăng thêm hơn 858 tỷ đồng lên mức 34.888 tỷ đồng. Với khối tài sản này, nữ doanh nhân người Hà Nội củng cố vững chắc vị trí thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Đỗ Anh Tuấn, Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 10/2, các chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đánh giá xu hướng tăng của VN-Index vẫn ở mức tốt nhưng hiện tại đang xuất hiện những dấu hiệu về những đợt rung lắc có thể xảy ra khi mà hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2022 đang chiết khấu so với chỉ số VN30 hơn 11 điểm.
Trên biểu đồ kỹ thuật, những thân nến nhỏ liên tiếp cũng cho thấy sự giằng giữa bên mua và bên bán. SHS dự báo, trong phiên giao dịch 10/02, chỉ số VN-Index có thể sẽ điều chỉnh nhẹ để kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của CTCK BIDV (BSC) cũng cho rằng việc chỉ số VN-Index rón rén đi lên trong những ngày qua với khối lượng thiếu bứt phá chưa phải dấu hiệu tích cực. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ quay lại test đường MA20 trong ngắn hạn.
Trong khi đó, các chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng ,thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và VN-Index vẫn có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.512 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để tăng dần tỷ trọng cổ phiếu và mức phù hợp ở giai đoạn hiện tại là 40-45% danh mục.
Theo các chuyên gia của công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), mặc dù chỉ số VN-Index đã vượt qua mốc 1.500 điểm, nhưng nhìn chung, thị trường vẫn đang dao động tích lũy và chưa xuất hiện xu hướng mới rõ ràng trong ngắn hạn. Các phiên giao dịch gần đây không mấy sôi động, cho thấy dòng tiền nhìn chung vẫn đang lựa chọn đứng ngoài thị trường chờ đợi tín hiệu bứt phá rõ ràng hơn.
Trong bối cảnh như vậy, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên tập trung vào các cổ phiếu dẫn dắt đang duy trì được sức mạnh tăng giá trong ngắn hạn và thu hút được dòng tiền trên thị trường. Nhà đầu tư trung – dài hạn có thể tìm kiếm cơ hội ở cả các nhóm cổ phiếu khác nhưng nên hạn chế giải ngân dồn dập và sử dụng quá nhiều đòn bẩy mà nên thiên về việc mua gom từ tốn để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu dần dần, đặc biệt là trong những nhịp rung lắc của thị trường chung.
Ông Lê Chí Hiếu vừa bất ngờ có đơn xin rút khỏi hoàn toàn các chức vụ tại Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức...
Nguồn: [Link nguồn]