Kể từ khi Mark Zuckerberg sáng lập Facebook vào năm 2004, hành trình của anh và Meta đã trở thành câu chuyện huyền thoại trong ngành công nghệ. Từ một mạng xã hội dành cho sinh viên đại học, Facebook đã phát triển thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, với tầm ảnh hưởng rộng lớn trên toàn cầu.
Tầm nhìn chiến lược và khả năng định hướng tương lai chính là chìa khóa giúp Mark Zuckerberg và Meta duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành công nghệ.
Từ khi sáng lập Facebook, Mark đã xác định rõ và luôn theo đuổi mục tiêu “làm thế giới trở nên cởi mở và kết nối hơn”. Qua từng giai đoạn phát triển, anh tiếp tục tinh chỉnh sứ mệnh này. Khi Facebook đạt gần 2 tỷ người dùng, khẩu hiệu mới “đưa mọi người xích lại gần nhau hơn” được giới thiệu, nhấn mạnh vai trò của nền tảng trong việc xây dựng kết nối sâu sắc.
Đến năm 2021, Mark quyết định đổi tên công ty thành Meta đi kèm tuyên bố đầy tham vọng: “Chúng tôi không chỉ xây dựng công nghệ, chúng tôi đang xây dựng tương lai.” Ở mỗi mốc thời gian, mặc dù đã thay đổi khẩu hiệu nhưng tầm nhìn chiến lược của Mark vẫn giữ nguyên: mang lại giá trị kết nối cho thế giới nhờ công nghệ.
Bước ngoặt đổi tên từ Facebook thành Meta không chỉ thể hiện sự táo bạo mà còn khẳng định tầm nhìn dài hạn của Mark đối với metaverse – một thế giới ảo nơi con người có thể làm việc, giao tiếp và giải trí. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Meta đã đầu tư hơn 36 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển metaverse. Đây là nỗ lực nhằm định hình một nền tảng công nghệ số mới, góp phần tạo ra giá trị đột phá trong cách con người kết nối.
Ngoài tầm nhìn về metaverse, các thương vụ mua lại chiến lược của Meta trong quá khứ cũng phản ánh sự nhạy bén của Zuckerberg.
Việc mua lại Instagram vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD và WhatsApp vào năm 2014 với giá 19 tỷ USD là những quyết định táo bạo khi cả hai nền tảng này chưa thực sự "chín muồi". Tuy nhiên, với tầm nhìn xa, Mark đã nhận thấy tiềm năng của chúng và nhanh chóng tích hợp vào hệ sinh thái của Meta. Cùng với đó, thương vụ mua lại Oculus với giá 2 tỷ USD vào năm 2014 đã mở đường cho Meta trong lĩnh vực thực tế ảo (VR), giúp công ty trở thành một trong những tiên phong trong việc phát triển metaverse.
Những bước đi này, dù mạo hiểm, lại là chìa khóa giúp Meta dẫn đầu trong một thế giới công nghệ không ngừng thay đổi.
Mark Zuckerberg là một nhà lãnh đạo có triết lý quản lý rất riêng biệt, không chỉ đặt trọng tâm vào kết quả mà còn khuyến khích sự sáng tạo và thử nghiệm liên tục.
Kể từ năm 2016, Mark khởi xướng các cuộc thi lập trình “hackathon” tại Meta, thu hút hàng nghìn lập trình viên tham gia. Đây là một sự kiện thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, nơi các lập trình viên, nhà thiết kế, và chuyên gia công nghệ tụ họp để phát triển, thử nghiệm các ý tưởng mới mà không bị ràng buộc bởi các quy trình thông thường. Nhiều ý tưởng từ các sự kiện này đã trở thành những tính năng nổi bật, giúp Meta duy trì vị thế tiên phong trong ngành công nghệ.
Triết lý lãnh đạo của Mark còn được thể hiện rõ qua câu nói nổi tiếng của anh: “Move fast and break things” – Hành động nhanh và sẵn sàng đối mặt với thất bại. Câu nói này phản ánh chính xác phương châm làm việc của Mark, khi anh khuyến khích đội ngũ của mình đẩy mạnh tốc độ phát triển và đổi mới, ngay cả khi phải chấp nhận rủi ro.
Văn hóa công ty tại Meta cũng được xây dựng xung quanh triết lý này.
Mark không ngừng khuyến khích thử nghiệm và sáng tạo đồng thời sẵn sàng loại bỏ các tính năng không còn phù hợp. Ví dụ như quyết định loại bỏ tính năng Facebook Stories for Groups. Tháng 12/2018, Facebook ra mắt tính năng Group Stories, cho phép quản trị viên và các thành viên trong các nhóm (Group) trên mạng xã hội đăng video, hình ảnh và sau đó sẽ tự động biến mất sau 24 giờ. Tuy nhiên chỉ 9 tháng sau đó, tính năng này đã bị khai tử do gặp nhiều ý kiến trái chiều và tính năng mới không đạt được kì vọng. Đây là minh chứng cho sự linh hoạt và sẵn sàng thay đổi của Meta.
Ngoài ra, Mark còn nổi tiếng với triết lý: “Không mạo hiểm chính là rủi ro lớn nhất”. Tinh thần này đã dẫn dắt Meta thực hiện những thương vụ đầy táo bạo như việc mua lại Instagram, WhatsApp, và Oculus. Mỗi thương vụ này, dù mang theo rủi ro lớn, nhưng đã chứng minh tầm nhìn xa và sự quyết đoán của Mark, giúp Meta không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn định hình tương lai của công nghệ.
Facebook ra mắt vào ngày 4/2/2004 do Mark Zuckerberg và một vài người bạn đại học đồng sáng lập. Thời điểm đó, Zuckerberg đang là sinh viên năm 2 tại Harvard. Ban đầu, Mark tạo một trang web để sinh viên Harvard giao tiếp, sử dụng ảnh từ cơ sở dữ liệu ký túc xá để mọi người bình chọn. Dù bị gỡ bỏ vì vi phạm bảo mật, ý tưởng này đã dẫn đến sự ra đời của “FaceMash” – tiền thân của Facebook.
Chỉ sau một tháng, một nửa sinh viên Harvard đã tham gia mạng xã hội này. Nhận thấy tiềm năng, Mark đã bỏ học, chuyển công ty từ ký túc xá đến Palo Alto và nhận 14 triệu USD tiền tài trợ vào tháng 5/2005. Sau khi được rót vốn, Facebook phát triển như vũ bão, đưa Zuckerberg trở thành tỷ phú trẻ nhất trong danh sách của Forbes năm 2008, với tài sản 1,5 tỷ USD. Năm 2012, Facebook IPO thành công, trở thành thương vụ lớn nhất lịch sử công nghệ lúc bấy giờ. Năm 2021, Facebook đổi tên thành Meta.
Kể từ khi ra mắt cho tới hiện tại, Facebook trước kia hay Meta bây giờ vẫn không ngừng phát triển và đổi mới. Một trong những điểm khác biệt nổi bật nhất của Meta so với các đối thủ trong ngành công nghệ là khả năng tạo dựng một hệ sinh thái kết nối chặt chẽ giữa các nền tảng.
Hiện Meta sở hữu hơn 3,9 tỷ người dùng tích cực hàng tháng trên các nền tảng lớn như Facebook, Instagram và WhatsApp. Hệ sinh thái này giúp người dùng tương tác, chia sẻ thông tin, giao tiếp, làm việc và giải trí, tất cả đều thông qua các sản phẩm của Meta. Điều này giúp Meta không chỉ kết nối người dùng mà còn giữ chân họ lâu dài.
Ngoài các nền tảng xã hội, Meta còn đầu tư mạnh vào công nghệ thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo (AI), với mục tiêu mở rộng khả năng kết nối của con người trong không gian số. Mới đây, Meta giới thiệu Meta Llama 2 – một mô hình AI tiên tiến, ứng dụng rộng rãi trong cả doanh nghiệp và đời sống cá nhân. Được phát triển với mục tiêu cải thiện trải nghiệm người dùng và mở rộng các khả năng trí tuệ nhân tạo trong các dịch vụ của Meta, Llama 2 là dẫn chứng xác thực nhất cho khả năng Meta dẫn đầu trong cả hai lĩnh vực AI và thực tế ảo.
Mặc dù đã đạt được những thành công lớn, Meta cũng không thiếu những thử thách. Năm 2017, Facebook bị chỉ trích vì lan truyền tin sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Đến 2018, scandal Cambridge Analytica bùng nổ khi công ty này thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng để tác động cử tri. Cùng năm, Facebook bị cáo buộc chậm cung cấp thông tin về sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Những vụ việc này không chỉ làm lung lay niềm tin của người dùng mà còn đặt Meta dưới sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý trên toàn cầu, đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ dữ liệu của công ty.
Cuối 2018, tài sản của Mark Zuckerberg giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, còn 49,4 tỷ USD, nhưng Facebook vẫn duy trì lượng người dùng tăng đều. Tuy nhiên, các sản phẩm mới thường gặp phản ứng tiêu cực. Ví dụ, dự án Instagram for Kids bị 40 bang tại Mỹ yêu cầu hủy vì lo ngại tác động xấu đến trẻ em.
Tiền mã hóa Diem (trước đây là Libra) ra mắt năm 2019 cũng gặp phản đối mạnh mẽ. Đến tháng 2/2022, dự án này phải dừng hoạt động, với tài sản bán lại cho Silvergate Capital với giá 182 triệu USD. Thay đổi điều khoản dịch vụ của WhatsApp nhằm biến ứng dụng này thành nền tảng thương mại điện tử cũng gây phản ứng dữ dội, khiến người dùng chuyển sang Signal và Telegram.
Sự cạnh tranh khốc liệt từ TikTok và Apple cũng tạo áp lực lớn lên Meta. TikTok với sự bùng nổ của các video ngắn và tính năng sáng tạo đã nhanh chóng chiếm lĩnh nhóm người dùng trẻ, làm lung lay vị trí của Facebook và Instagram. Trong khi đó, Apple, với chính sách bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt đã góp phần hạn chế khả năng quảng cáo của Facebook. Thống kê cho thấy 96% người dùng tại Mỹ đã từ chối cho phép theo dõi, khiến Facebook mất hơn 10 tỷ USD doanh thu trong năm 2022.
Để đối phó với những thách thức này, Mark Zuckerberg đã tái cấu trúc đội ngũ và chuyển trọng tâm công ty sang phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (AR/VR). Đặc biệt, Mark đã dẫn dắt Meta vượt qua những thời điểm khó khăn bằng cách thay đổi mạnh mẽ chiến lược, chuyển từ chỉ tập trung vào mạng xã hội sang phát triển một hệ sinh thái công nghệ toàn diện hơn, bao gồm metaverse và AI. Đây chính là bước đi giúp Meta không chỉ giữ vững vị thế mà còn mở rộng tiềm năng phát triển trong tương lai.
Như Mark đã nói: “Đừng nhầm lẫn chuyển động với tiến bộ”. Điều này phản ánh chính xác chiến lược mà Meta theo đuổi: không chỉ hành động mà còn phải có chiến lược rõ ràng để đi đúng hướng, tạo ra giá trị bền vững.
Tính đến tháng 12/2024, giá trị tài sản ròng của Zuckerberg đã chạm mốc 212 tỷ USD. Tổng doanh thu của Meta trong năm 2024 vượt 140 tỷ USD, với hơn 70% đến từ quảng cáo. Đặc biệt, thiết bị Oculus đã ghi nhận hơn 25 triệu chiếc bán ra, một minh chứng rõ ràng cho sự đổi mới và tầm nhìn dài hạn của Mark.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |