Xong cổ phần hóa nhưng không chịu "lên sàn", 42 doanh nghiệp bị xử phạt
Bộ Tài chính đã có văn bản gửi 251 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá để thông báo về hành vi vi phạm quy định niêm yết, đăng ký giao dịch. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã ra quyết định xử phạt đối với 42 doanh nghiệp, nhắc nhở 23 trường hợp.
Hai 'ông lớn' của Bộ Xây dựng là HUD và VICEM buộc phải cổ phần hóa trong năm 2020
Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản trả lời Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam về đề nghị tạo thêm nguồn cổ phiếu cho thị trường chứng khoán thông qua việc thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2016-2020 sẽ cổ phần hoá 128 DN, thoái vốn tại 348 DN. Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua còn chậm, không đạt kế hoạch.
“Luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 5/2020 có 174 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá. Trong đó chỉ có 36/128 DN thuộc danh mục cổ phần hoá theo Công văn 991/TTg-ĐMDN, Quyết định 26, và thoái vốn tại 99/348 DN thuộc danh mục thoái vốn theo Quyết định 1232 của Thủ tướng, đạt 28% kế hoạch”, thống kê từ Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính khẳng định, trong những tháng còn lại của năm 2020, còn 92 DN phải thực hiện cổ phần hoá và 249 DN phải thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Tuy nhiên, do diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhiệm vụ này rất khó khả thi.
Bên cạnh việc thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc yêu cầu các DNNN đã cổ phần hoá phải thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch cũng là một trong các giải pháp tạo thêm nguồn cung cho thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo Thủ tướng về việc này, trong đó yêu cầu các bộ, ngành chủ quản thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và rà soát, phân loại danh sách các DNNN cổ phần hoá chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch, có hình thức kỷ luật người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với việc xử lý vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch của DNNN cổ phần hoá, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi 251 DNNN cổ phần hoá để thông báo về hành vi vi phạm quy định niêm yết, đăng ký giao dịch. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã ra quyết định xử phạt đối với 42 DN và nhắc nhở 23 trường hợp.
Về quan điểm điều hành thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay, báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cam kết đảm bảo thị trường hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, minh bạch trên cơ sở tôn trọng quy luật quan hệ cung cầu, hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính và kỹ thuật của cơ quan quản lý vào thị trường.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật như điều chỉnh biên độ dao động giá.
Cũng theo Bộ Tài chính, từ cuối tháng 4 vừa qua, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh và đồng pha với thế giới. Song khác với giai đoạn 2008, ngay cả những phiên giảm điểm mạnh nhất, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức tốt với giá trị khoảng 6.000 tỉ đồng/phiên.
Điều đó có nghĩa là thị trường vẫn còn lực cầu tốt, sẵn sàng giải ngân bắt đáy khi có cơ hội. Và thời gian gần đây thị trường đang có diễn biến phục hồi.
Bộ Tài chính khẳng định việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật can thiệp lên thị trường chứng khoán không giúp ngăn chặn đà giảm giá mà còn có thể gây ra các tác động tiêu cực đối với lòng tin của nhà đầu tư. Song, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ để cân nhắc áp dụng khi thực sự cần thiết.
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu là dân trong nghề, bạn đã biết được bao nhiêu cách?